Sáng tác gì về 1010 năm Thăng Long - Hà Nội?

Từ Khôi 25/08/2019 07:00

Sáng tác gì về Thăng Long – Hà Nội? Câu hỏi này từ mười năm trước nay dường như đang lặp lại với nhiều nghệ sĩ. Biết là sự kiện kỷ niệm lớn, nhưng làm sao để có tác phẩm hay là điều vô cùng khó.

Sáng tác gì về 1010 năm Thăng Long - Hà Nội?

Tượng vua Lý Thái Tổ, người định đô Thăng Long. Ảnh: Huy Văn.

Trước thềm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 23/8/2019, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Văn nghệ sĩ trẻ hướng về 1010 năm Thăng Long – Hà Nội”.Các ý kiến phát biểu tại cuộc tọa đàm của lớp nghệ sĩ cao tuổi cũng như trẻ tuổi đều tỏ ra băn khoăn… Có nghệ sĩ nói tổ chức đội ngũ sáng tác tốt sẽ cho ra đời những tác phẩm hay, tuy nhiên, không có gì là chắc chắn về nhận định này. Ngày nay, điều kiện vật chất, hỗ trợ sáng tác có nhiều nhưng lấy gì đảm bảo? Trước đó, nhiều cuộc thi đã được đầu tư tổ chức nhưng tác phẩm đỉnh cao vẫn thiếu vắng.

Trong các loại hình nghệ thuật, điều dễ nhận thấy nhất của sự hụt hẫng những tác phẩm đỉnh cao sáng tác về đề tài Hà Nội là âm nhạc. Đến nay, những ca khúc như “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang, “Một thoáng Tây Hồ” của Phó Đức Phương, “Hoa sữa” của Hồng Đăng, “Hà Nội đêm trở gió” của Trọng Đài, “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” của Phạm Tuyên, “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương, “Bài ca Hà Nội” và “Hà Nội mùa thu” của Vũ Thanh, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của Trương Quý Hải… đều in đậm trong tâm khảm người nghe. Và có lẽ, những ca từ rất đỗi bình dị: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” trong bài hát “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh là một trong những bài hát hay gần đây về Hà Nội còn lưu trong tâm trí mọi người...

Điện ảnh là loại hình nghệ thuật mới mẻ cũng có những tác phẩm phản ánh đáng nhớ về đề tài Thăng Long – Hà Nội. Có thể kể một số phim như: “Sao tháng Tám” (đạo diễn Trần Đắc), “Hà Nội mùa Đông 1946” (đạo diễn Đặng Nhật Minh), “Hà Nội 12 ngày đêm” của Bùi Đình Hạc, “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh, “Sống mãi với thủ đô” của đạo diễn Lê Đức Tiến, “Long Thành cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn…

Nhưng loại hình phong phú nhất là các sáng tác văn học về Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiều, nhưng những tác phẩm đỉnh cao vẫn luôn thiếu vắng.

Hà Nội là trái tim của cả nước. Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước. Vì vậy, Hà Nội là nơi chứa đựng rất nhiều sự tinh túy, cho nên, sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài Hà Nội bao nhiêu cũng chưa thấy đủ.

Mỗi nghệ sĩ yêu Hà Nội khi sáng tác đều có thể tự chọn cho mình những đề tài yêu thích. Đề tài có thể mới, có thể không mới. Nghệ sĩ không sợ sự trùng lặp mà chỉ sợ xúc cảm không đủ, tài nghệ không đủ để nói ra ý tưởng từng ấp ủ bấy lâu của mình.

Với cá nhân mình, khi viết về đề tài Hà Nội, tôi lựa chọn một số danh nhân lịch sử, văn hóa để sáng tác. Có những danh nhân tuy không sinh ra trên đất Thăng Long nhưng sự nghiệp của họ in đậm dấu ấn trên đất Thăng Long. Có thể lấy vài ví dụ như sau.

Sáng tác về nhân vật Thái sư Lê Văn Thịnh, từ năm 2008 đến 2010, tôi từng tự sản xuất một bộ phim tài liệu dài 60 phút. Hai truyện ngắn “Hồ Tây có còn sương mù giăng?” và “Nỗi đau rồng” cũng được đăng báo và in trong sách. Năm 2017, cuốn tùy bút mà tôi từng dày công nghiên cứu điền dã hơn 10 năm trời được xuất bản với tựa đề “Vụ án Thái sư hóa hổ” cũng đã được xuất bản.

Về nhân vật Thái sư Lê Văn Thịnh đến nay vẫn còn khiến những nhà nghiên cứu và nhiều nghệ sĩ day dứt. Công lao của ông với Tổ quốc rất lớn, nhưng thực sự, góc khuất của vụ án Thái sư hóa hổ hại vua tại hồ Dâm Đàm, tức Hồ Tây bây giờ, còn gây nhiều tranh cãi. Ngay tác phẩm chèo “Lý Nhân Tông kế nghiệp” nằm trong bộ ba chèo “Bài ca giữ nước” của cố NSND Tào Mạt dù được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt 1 năm 1996 cũng gây phản ứng dữ dội với những người dân trên quê hương của danh nhân.

Sáng tác về danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu gắn với cụm di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm – Đền Ngọc Sơn cũng thu hút sự quan tâm của nhiều văn nghệ sĩ. Với tôi, trong truyện ngắn “Tả thanh thiên” đi vào khắc họa tâm trạng của tầng lớp kẻ sĩ Thăng Long – Hà Nội ở giữa thế kỷ XIX. Nhắc tới Tháp bút, chắc nhiều người nhớ tới câu thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa trong bài thơ Hà Nội:

Bên hồ ngọn tháp bút
Viết thơ lên trời cao

Để hiểu về việc dựng tháp bút, đài nghiên, cải tác đền Ngọc Sơn với mục đích ý nghĩa gì ta cần trở lại thời điểm lịch sử của nó. Đó là khi Thăng Long đã không còn là kinh đô. Nhà Nguyễn đã hạ kinh đô thành tỉnh Hà Nội. Kẻ sĩ Bắc Hà bị nghi kỵ, khinh rẻ. Những nhà nho, kẻ sĩ Bắc Hà như Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Cao Bá Quát, Diệp Văn Huyên, Ngô Thế Vinh, Phạm Sĩ Ái, Lê Duy Trung, Trần Văn Vi… đã lập ra Hội Hướng thiện đền Ngọc Sơn. Phả trưởng đầu tiên là Tiến sĩ Vũ Tông Phan, đích thân ông đã soạn bài văn bia “Ngọc Sơn đến quân từ ký” năm 1843. Đền Ngọc Sơn được ông Tín Trai – người làng Nhị Khê nhường lại cho nhóm kẻ sĩ để cải tác thành một địa chỉ văn hóa. Hội Hướng thiện đã tu bổ đền Quan Đế, gỡ bỏ gác chuông, dựng đền thờ Văn Xương, tức đền Ngọc Sơn ngày nay. Việc tu sửa từ 1841 đến năm sau thì hoàn thành. Hội Hướng thiện mang ý nghĩa hướng về điều lành, chú trọng đến việc tu dưỡng bản thân, đồng thời giúp nhau giữa những người trong và ngoài hội, góp phần chấn hưng phong hóa cộng đồng.

Từ cơ sở Hội Hướng thiện sau này phát triển thành Thiện Đàn. Những nhân tài hậu sinh của tiến sĩ Vũ Tông Phan và kẻ sĩ Bắc Hà sau này trở thành những sáng lập và trụ cột của nhiều phong trào yêu nước như Đông Kinh Nghĩa Thục, mà tiêu biểu là cử nhân Lương Văn Can.

Vậy là, từ Hồ Hoàn Kiếm trong ký ức xa xưa của lịch sử, không phải trung tâm của Thăng Long – Hà Nội, những kẻ sĩ Bắc Hà đã biến đây thành trung tâm văn hóa, nơi tụ hội kẻ sĩ Bắc Hà. Đương khi công việc triển khai thì Vũ Tông Phan mất. Thần Siêu lên thay làm Phả trưởng. Thần Siêu đã có ý tưởng dựng lên tháp bút và đài nghiên. Căn cứ theo bài minh trên đài nghiên, vào ba chữ “Tả thanh thiên” trên tháp bút, và từ biểu tượng cây bút tượng trưng cho kẻ sĩ, chúng ta hiểu nghĩa ba chữ “Tả thanh thiên” là: Chỉ có kẻ sĩ mới làm cho trời xanh trong. Tức là kẻ sĩ là rường cột quốc gia...

Hà Nội lấy tên nhiều danh nhân, thi nhân đặt tên cho đường phố. Có những sự tình cờ như định mệnh. Ví như ba phố liền nhau ở gần Văn Miếu Quốc Tử Giám là: Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Bích Câu. Trong truyện ngắn “Khúc ngâm viết dưới hầm thờ tổ” viết về thi bá Đặng Trần Côn, tôi đã xây dựng mối duyên giữa thi nhân với nữ sĩ Đoàn Thị Điểm – người dịch “Chinh phụ ngâm khúc” ra văn nôm. Một mối tình oan trái giữa hai người đã diễn ra. Khó mà phân định tác phẩm nguyên bản tiếng Hán hay chữ nôm cái nào hay hơn. Tất nhiên là bây giờ thì văn nôm của Đoàn Thị Điểm bạn đọc dễ nhớ dễ thuộc hơn. Và khi đặt tên đường phố, vô tình hay hữu ý HĐND TP Hà Nội đã chọn hai phố nhỏ liền nhau để đặt tên?.

Cuối cùng, điều có thể nói là sáng tác về đề tài Thăng Long – Hà Nội nhân sự kiện 1010 năm là vô cùng rộng lớn. Người nghệ sĩ có thể chọn cho mình nhiều đề tài để sáng tạo. Có thể sáng tạo về đề tài lịch sử hay kể cả đương đại. Nhưng cái cốt yếu nhất để tác phẩm có thể đọng lại trong lòng người là người nghệ sĩ hãy rung động mãnh liệt và say sưa về đề tài mình yêu thích. Danh sĩ Ngô Thì Nhậm từng viết: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sáng tác gì về 1010 năm Thăng Long - Hà Nội?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO