Sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập: Giảm biên chế, gọn bộ máy

Nguyên Khánh 31/08/2020 00:12

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).

Sắp xếp để có bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả.

Bộ GDĐT cho biết, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục sẽ chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2021, sẽ phấn đấu giảm tối thiểu 10% đơn vị SNCL; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị SNCL so với giai đoạn 2011 - 2015.

Giai đoạn 2022-2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị SNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị SNCL so với giai đoạn 2016-2020.

Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị SNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025. Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị SNCL so với giai đoạn 2021-2025.

Sắp xếp đơn vị SNCL trước đó cũng được triển khai ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Chẳng hạn, để tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh Phú Thọ đã sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, toàn tỉnh đã rà soát và sắp xếp từ 74 đơn vị xuống còn 28 đơn vị. Trong đó, cấp tỉnh giảm 29 đơn vị SNCL, 4 công đoàn ngành; cấp huyện giảm 13 đơn vị và giảm 46 cán bộ quản lý.

Dù đã đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung hệ thống các đơn vị SNCL ở nước ta hiện còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, dàn trải và trùng lắp, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, số lượng viên chức ngày càng tăng nhưng cơ cấu chưa hợp lý, chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị SNCL quá lớn, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, chi cho các lĩnh vực thuộc khối SNCL hiện chiếm khoảng 30% tổng ngân sách nhà nước; số lượng viên chức, người lao động trong các đơn vị SNCL hưởng lương từ ngân sách gấp khoảng gần 10 lần số lượng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện.

Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại các đơn vị SNCL, theo PGS.TS Nguyễn Minh Phương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cần đổi mới cơ chế xác định và giao theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ số người làm việc của các đơn vị SNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.

Còn theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thì Không chỉ thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, mà còn phải đẩy mạnh cổ phần hóa cả đơn vị SNCL. Hiện cả nước hiện có khoảng 57.000 đơn vị SNCL, nhưng số tự chủ 100% chi đầu tư và chi thường xuyên chiếm tỷ lệ vô cùng ít; số đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước chiếm đến 94 - 95%, nên mặc dù chủ trương, quyết tâm chuyển đơn vị SNCL thành công ty cổ phần được thực hiện từ năm 2015, nhưng đến nay, số lượng đạt được rất ít. Nghị quyết 05-NQ/TW (ngày 1/11/2016) đã xác định phải sắp xếp, tổ chức lại đơn vị SNCL, thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với đơn vị có đủ điều kiện, CPH đơn vị có đủ điều kiện, trừ bệnh viện, trường học; giải thể đơn vị hoạt động kém hiệu quả.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa đơn vị SNCL Chính phủ đang xây dựng nghị định để tháo gỡ vướng mắc cho quá trình cổ phần hóa này. Theo đó, Thủ tướng sẽ phê duyệt danh mục đơn vị phải cổ phần hóa trong một giai đoạn; căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện các bước để cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị mình. Nghị định sẽ có hướng dẫn xử lý một số nguồn kinh phí đặc thù của đơn vị sự nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước không có, như số dư nguồn kinh phí cải cách tiền lương, quỹ bổ sung thu nhập, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập: Giảm biên chế, gọn bộ máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO