Sạt lở nghiêm trọng: Vì sao hơn 100 hộ dân không chịu di dời? - Bài 1: Nỗi lo 'Hà Bá' nuốt nhà

Tuấn Quang (Còn nữa) 28/10/2017 08:15

Gần một năm nay, 122 nhân khẩu, thuộc 24 hộ dân tại khu vực chợ Vĩnh Long ở phường 1, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long nơm nớp lo sợ vì “Hà Bá” có thể nuốt bất cứ lúc nào. Thế nhưng, mặc dù chính quyền yêu cầu di dời, nhưng các hộ dân này lại “cố thủ”. Vì sao như vậy?


Dãy nhà chợ Vĩnh Long đang đứng trước nguy cơ sạt lở cao.

Sống trong âu lo

Rất dễ nhận thấy dãy nhà chợ Vĩnh Long, đoạn từ giáp nhà lồng Chợ Cá đến bến tàu khách TP Vĩnh Long, thuộc phường 1, TP Vĩnh Long bị nghiêng, lệch về phía bờ sông một góc khá lớn, toàn bộ dãy nhà như đang tụt dần về hướng sông.

Bà Vương Kim Muỗi, ngụ tại số 13, phường 1, TP Vĩnh Long, hộ dân thuộc dãy nhà chợ cho biết: Tình trạng nghiêng, nứt nhà tại khu vực chợ này đã xuất hiện từ đầu năm đến nay cũng đã gần 1 năm. “Hầu như 24 hộ ở đây căn nào cũng bị nghiêng, nứt, tạo thành độ dốc lớn đổ về phía bờ sông. Người đi đường ngang qua đây cũng thấy sợ, nhiều đêm tôi không dám ngủ, khi nghe có tiếng động là phải thức để canh, lỡ có chuyện gì còn trở tay kịp thời”- bà Muỗi nói.

Ông Lê Vĩnh Hiệp, một tiểu thương tại dãy nhà chợ cho biết: Trước đây, toàn bộ dãy nhà chợ này không có dấu hiệu nghiêng, nứt gì cả. Nhưng từ đầu năm 2017, UBND thành phố có chủ trương xây dựng kè tạm chống sạt lở, khi đơn vị triển khai thi công thì dãy nhà bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt (dài từ 4cm - 6cm) và nghiêng hẳn về phía bờ sông khoảng 5cm so với mặt đường. Vụ việc này, các hộ dân nơi đây đều có trình báo với chính quyền địa phương.

Được biết: kể từ khi sự cố thi công kè xảy ra, công trình kè cũng tạm ngưng thi công cho đến nay đã gần 1 năm. Thế nhưng, tình trạng nghiêng, nứt nhà của người dân vẫn chưa có hướng giải quyết. Dù biết đang sống trên miệng Hà Bá, nhưng nhiều hộ dân cũng đành chọn giải pháp “cố thủ” để chờ đợi phương án giải quyết của chính quyền.


Ông Lê Vĩnh Hiệp-– một trong 24 hộ có nhà bị nghiêng, nứt lo sạt lở.

Không có câu trả lời

Ngày 10/10/2017, UBND thành phố Vĩnh Long có công văn số 1566 UBND-KT thông báo về việc khẩn trương di dời nơi ở, hàng hóa và không kinh doanh tại khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao đối với 24 hộ dân đường mé sông chợ (đoạn từ chợ cá đến bến tàu khách). Thế nhưng, đã qua nhiều lần họp dân, đề nghị di dời, nhưng hầu như không hộ dân nào chấp thuận. Ông Lê Vĩnh Hiệp bức xúc: “Dù biết là nguy hiểm, ai cũng sợ, nhưng chúng tôi đang cần câu trả lời của các ngành chức năng về việc tại sao nhà cửa chúng tôi bị hư hại? Chúng tôi đã buôn bán, sinh sống ở đây hàng chục năm nay, giờ bắt chúng tôi di dời nhưng lại không làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục thiệt hại của chúng tôi”.

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa- giám đốc Ban Quản lí Dự án Đầu tư Xây dựng TP Vĩnh Long: Khoảng giữa năm 2016, dãy nhà chợ Vĩnh Long đã có hiện tượng nghiêng về phía khu vực bờ sông. Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố có báo cáo việc này tới UBND tỉnh. Ngày 22/11/2016, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định 2816, về việc công bố tình trạng khẩn cấp khu vực sạt lở phường 1, trong đó có đề cập di dời các hộ dân trên càng sớm càng tốt, nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản và có phương án xây dựng kè để hạn chế tình trạng sạt lở.

Theo đó, trong năm 2016, UBND TP Vĩnh Long, sử dụng nguồn dự phòng, đầu tư xây dựng tạm kè chống sạt lở, mà chủ yếu là bằng rọ đá và đóng cọc bê tông cố định. Dự án Kè chống sạt lở bờ sông khu vực chợ Vĩnh Long được khởi công từ ngày 24/1/2017, dự kiến hoàn thành trong 60 ngày, với tổng vốn đầu tư trên 2,36 tỉ đồng, chủ đầu tư là Ban Quản lí Dự án Đầu tư Xây dựng TP Vĩnh Long, đơn vị thi công là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Vĩnh Long.

Ông Hòa cũng cho biết: Trong quá trình triển khai thi công rọ đá, khi san lấp phần cát đá vào bên trong rọ đã tác động và xuất hiện vết nứt ở nhà dân. Sau đó, UBND thành phố có lập tổ kiểm tra toàn diện về quá trình thi công để xác định nguyên nhân. Qua đó tổ kiểm tra xác định: Thứ nhất là do khối lượng cát bơm san lấp lớn đã tác động đến các nền nhà. Thứ hai, khi chọn biện pháp thi công là bơm cát kéo theo lượng nước lớn tác động vào nền, móng nhà của người dân dẫn đến nền nhà hở hàm ếch khiến nhà dân bị nứt.

“Đến nay khối lượng công trình bờ kè đã hoàn thành khoảng 80% và dừng lại khi một số nhà dân gặp sự cố. Nguyên nhân tạm dừng thi công là do khối lượng cát san lấp lớn, nếu tiếp tục thực hiện thì nguy cơ sạt lở, sụt lún sẽ càng cao. Do đó, UBND TP chỉ đạo ngưng không thực hiện công trình nữa”- ông Hòa nói.

Sau khi tổ kiểm tra làm việc đã đưa ra kết luận, trong đó chỉ ra nhiều sai sót của các đơn vị như: tư vấn, giám sát, thiết kế, chủ đầu tư, Phòng Kinh tế là cơ quan thẩm định hồ sơ... Theo đó, UBND TP đã chỉ đạo cho Phòng Nội vụ tổ chức kiểm điểm tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện công trình kè. Cụ thể, đã kiểm điểm cá nhân Giám đốc BQLDA và cán bộ trực tiếp quản lí dự án- ông Hòa thông tin thêm.

Cơ quan chức năng đã chỉ ra sai sót của đơn vị thi công bờ kè làm ảnh hưởng đến 24 nhà dân tại khu vực chợ Vĩnh Long. Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 năm trong khi các hộ dân chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan chức năng, lại có công văn yêu cầu các hộ dân này di dời đi nơi khác.

Thành phố Hồ Chí Minh: Hơn 40 dự án chống sạt lở chậm tiến độ

Mặc dù là các công trình quan trọng, cấp bách ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh nhưng hiện nay, khoảng 40 dự án chống sạt lở ở các sông, kênh, rạch đang bị chậm tiến độ. Nguyên nhân của tình trạng trên, hầu hết đều do công tác giải phóng mặt bằng không đạt tiến độ, các hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm chưa chấp thuận di dời.

Theo ông Trần Quang Lâm- Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố thì do hệ thống sông ngòi kênh rạch nhiều, tình trạng sạt lở luôn diễn biến rất phức tạp. Thế nên, hầu hết các điểm sạt lở được thống kê sẽ lập tức triển khai dự án gia cố, xây dựng hệ thống bờ kè, đường ven mặt nước để đảm bảo không tái diễn sạt lở cũng như đảm bảo cuộc sống, tài sản của người dân. Tuy nhiên, nhiều địa điểm này có mật độ dân cư cao, dù trong khu vực nguy hiểm nhưng nhiều hộ dân không chấp hành các phương án giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho việc thực hiện dự án. Hậu quả gây khó khăn cho chủ đầu tư và cả chính cuộc sống của những hộ dân này. Vì vậy, đơn vị này mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các hộ dân vùng bị sạt lở để thực hiện nhanh chóng các dự án này.

Đoàn Xá

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sạt lở nghiêm trọng: Vì sao hơn 100 hộ dân không chịu di dời? - Bài 1: Nỗi lo 'Hà Bá' nuốt nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO