Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW: Những chuyển biến quan trọng

L.Hương 30/12/2020 07:09

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, từ khi có Nghị quyết 28-NQ/TW, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên cả nước đã có nhiều chuyển biến quan trọng.

Trong lĩnh vực BHXH, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, đến năm 2019, cả nước có gần 574.000 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng kết quả của 10 năm trước đó cộng lại. Năm 2020, dự tính số người tham gia BHXH sẽ gần 1,2 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2019.

Cán bộ BHXH tỉnh Đăk Nông tuyên truyền phổ biến về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT.

Gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện

Cũng theo ông Đào Việt Ánh, ngay khi Nghị quyết số 28 được ban hành, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành chương trình hành động để triển khai Nghị quyết trên toàn ngành. Thực hiện sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, 100% BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW tại địa phương, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho các địa phương và kiến nghị để HÐND các cấp đưa chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đó, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức hơn 39.000 hội nghị tập huấn, tư vấn, đối thoại trực tiếp, hội thảo, tuyên truyền nhóm nhỏ, với trên 2,4 triệu lượt người tham dự... Công tác tuyên truyền được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và thống nhất trong cả nước. Nhờ đó, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên cả nước đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Trong lĩnh vực BHXH, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên nhanh chóng.

Cụ thể, đến năm 2019, cả nước có gần 574.000 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng kết quả của 10 năm trước đó cộng lại. Năm 2020, dự tính số người tham gia BHXH sẽ gần 1,2 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, có thể nói đây là kết quả rất đáng khích lệ. Về BHXH bắt buộc, năm 2020 số người tham gia BHXH bắt buộc nhìn chung vẫn giữ được đà tăng trưởng và cao hơn một chút so với năm 2019. Về BHYT, hiện tỷ lệ tham gia BHYT đã đạt 90% dân số; đến ngày 31/12/2020, dự đoán sẽ đạt và vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao. BHXH Việt Nam đã ban hành chương trình hành động để triển khai Nghị quyết trên toàn ngành.

Đánh giá kết quả trên, bà Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong kết quả thực hiện BHXH, BHYT hiện nay. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị- xã hội tổ chức trên 300 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, tư vấn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo… về chính sách BHXH, BHYT với sự tham gia của trên 53.000 lượt người tham dự. Ðồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện đăng tải, phát sóng trên 23.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH.

Tuyên truyền phải thực chất

Mặc dù việc thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW đạt nhiều kết quả quan trọng, song thực tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục. Cụ thể, một số cấp ủy địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền BHXH, chưa có chiến lược tuyên truyền dài hạn; một số nơi còn coi việc tuyên truyền này là nhiệm vụ riêng của Ngành.

Theo ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên để đạt hiệu quả hơn nữa nhất là mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cần đi sâu phân tích, làm rõ vai trò vị trí của công tác tuyên truyền; vai trò chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; vai trò tham mưu của ban tuyên giáo, BHXH địa phương. Cần phát huy vai trò phối hợp giữa Ban Tuyên giáo và cơ quan BHXH, cũng như các cấp, ngành.

Theo ông Thủy, công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH, BHYT cần được thực hiện thường xuyên và có chiến lược lâu dài. Cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền; biểu dương và khen thưởng kịp thời các gương điển hình thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cũng như phê phán các trường hợp vi phạm. Theo đó, công tác tuyên truyền cần phải trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn và đi vào thực chất, tiến hành thường xuyên, liên tục theo kiểu mưa dầm thấm lâu, không chạy theo phong trào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW: Những chuyển biến quan trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO