Sau kỳ nghỉ, đường vào Hà Nội chật cứng

PV- Đoàn Xá 04/01/2021 07:00

Sau 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch, ngay từ đầu giờ chiều ngày 3/1, người dân tại các tỉnh, thành lại đổ về Hà Nội để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tuần hôm nay, ngày 4/1.

Khu vực cửa ngõ vào Hà Nội kẹt cứng, chiều 3/1. Ảnh: LDO.

Tại bến xe Giáp Bát, các xe khách liên tục ra vào bến với một lượng lớn hành khách. Khu vực gần bến xe Giáp Bát, rất đông cánh tài xế xe Grab và xe ôm truyền thống đứng chèo kéo khách. Ngay dọc trục đường Giải Phóng, nhiều xe khách không vào bến mà tấp ngay sát lề đường để trả khách.

Theo lãnh đạo các bến xe, thời điểm đông khách nhất của kỳ nghỉ Tết Dương lịch rơi vào khoảng từ 15h đến 20h chiều ngày 3/1, và trong buổi sáng ngày 4/1. So với ngày thường, lượng khách đổ về bến tăng khoảng 50-70% và tập trung chủ yếu ở các tuyến đường như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai…

Theo đại diện bến xe Giáp Bát, bến xe đã được tăng cường nhân viên tại cổng bến và phối hợp với các lực lượng liên ngành Công an và Thanh tra giao thông để phân luồng phương tiện, đảm bảo giải tỏa khách một cách nhanh nhất và an toàn.

Được biết, để tránh ùn tắc giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Nam phân luồng phương tiện tại nút giao Cầu Giẽ và cầu vượt Thường Tín khi yêu cầu phương tiện đi vào tuyến đường Quốc lộ 1 nhằm “chia lửa” cho đường cao tốc Ninh Bình - Pháp Vân.

Tuy nhiên, chỉ cách nút giao Pháp Vân chừng 5km, ùn tắc cục bộ đã xảy ra. Lượng phương tiện dồn về cùng một thời điểm khiến tuyến đường này bị quá tải. Xe xếp hàng dài, nối đuôi nhau vào cửa ngõ Thủ đô. Nhiều hành khách tuyến Ninh Bình - Hà Nội cho biết, lái xe khách liên tục táp vào lề đường để bắt khách. Xe chật cứng, phụ xe lấy ghế nhựa kê dọc lối đi rồi nhồi khách vào. Nhiều xe chỉ 29 chỗ nhưng có hơn 40 khách trên xe. Giá vé thì cao nhưng không ai dám than phiền vì chỉ cốt “được việc”. Bình thường giá vé xe về Nam Định chỉ 70.000 đồng, nhưng trong chiều 3/1, giá xe đều đội lên 100.000 đồng với lý do được nhà xe đưa ra là ngày lễ, Tết. Thậm chí, một số hành khách ở tỉnh Hà Nam khi được phụ xe cho lên cũng phải chấp nhận giá vé đồng hạng giống như đi từ Nam Định.

Trong cùng thời điểm, ở phía Nam, đường từ miền Tây tới TP HCM lại không quá ùn tắc.

Ngày 3/1, tới 16 giờ, nhiều tuyến đường từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lên TP HCM không ùn tắc, kẹt xe dù lưu lượng phương tiện khá đông đúc. Các tuyến đường như quốc lộ N2, quốc lộ 50, quốc lộ 22 hay quốc lộ 1A cùng nhiều tỉnh lộ đều không kẹt xe. Tuy nhiên, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa phận Bình Chánh, Bình Tân ở khu vực làn ô tô có xảy ra ùn tắc cục bộ khi nhiều xe nối đuôi nhau di chuyển chậm. Đặc biệt, càng về cuối ngày, lưu lượng phương tiện đổ về hướng TP HCM càng nhiều. Đây là tình trạng trái với nhiều năm trước khi thời điểm cuối ngày nghỉ lễ thường xảy ra ùn tắc, kẹt xe.

Anh Nguyễn Văn Hùng, 43 tuổi ngụ ở quận Gò Vấp (TP HCM) cho biết anh di chuyển từ thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) về TP HCM từ lúc 11 giờ. “Khi qua cầu Rạch Miễu thì có xảy ra tình trạng ùn tắc nhưng không quá lâu do có CSGT điều chỉnh các phương tiện lưu thông. Trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, phương tiện cũng rất đông, không chạy nhanh như bình thường nhưng không ùn tắc. Tuy nhiên, đoạn quốc lộ 1A ở Bình Chánh, Bình Tân thì di chuyển rất vất vả vì nhiều đèn giao thông, trạm thu phí. Do lo ngại ùn tắc nên năm nay tôi đã chủ động trở về thành phố sớm hơn”.

Tại đường tỉnh lộ 822, đường quốc lộ N2 trên địa phận tỉnh Long An, giáp ranh với khu vực TP HCM từng xảy ra tình trạng kẹt xe kinh hoàng kéo dài nhiều giờ đồng hồ vào dịp Tết năm ngoái hiện nay đã không tái diễn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết phương tiện xe gắn máy, ô-tô đều lưu thông theo chiều từ các tỉnh miền Tây lên TP HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau kỳ nghỉ, đường vào Hà Nội chật cứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO