Sau mưa lũ, đề phòng dịch bệnh phát sinh

Đức Trân 26/10/2020 09:10

Mưa lũ kéo dài gây ra những hậu quả nặng nề với cuộc sống người dân đồng thời, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại các vùng xảy ra mưa lũ cũng khó khăn hơn bao giờ hết.

Bệnh viện huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị nước lũ tấn công.

Thống kê chưa đầy đủ của ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế cho thấy, 30% trung tâm y tế trên địa bàn bị thấm dột, mái nhà bị tốc mái, 50% Trạm Y tế bị thấm dột.

Đặc biệt hiện có Trạm y tế xã Hương Vân (thị xã Hương Trà) bị tróc mái hoàn toàn tầng 2 làm ảnh hưởng không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Tại Quảng Trị, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ rất lớn nên nhiều trạm y tế bị ngập lụt, hệ thống mái che bị thấm dột, một số trang thiết bị y tế bị hư hỏng; Một số trạm y tế bị cô lập, chia cắt và vùi lấp, thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ. Toàn tỉnh có 41 trạm y tế bị ngập lụt, 43 trạm y tế bị hư hỏng.

Còn ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho hay, do ảnh hưởng của mưa lũ lịch sử, tại Quảng Bình, nhiều cơ sở y tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hơn 100 trạm y tế xã bị ngâp lụt, đặc biệt là bệnh viện đa khoa hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chịu thiệt hại nặng nề nhất.

BS Thái Văn Công, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Lệ Thuỷ cho biết, trong những ngày mưa lũ, nước ngập vào BV tới hơn 2m, khiến hệ thống máy chủ có nguy cơ cao bị hỏng nặng; 3 máy giặt, là, sấy; hệ thống xử lý nước thải; nhà máy phát điện ngập sâu; hệ thống mô tơ chạy máy phát điện hay bơm nước lên bể, hệ thống cứu hoả... đều đã hỏng. Ngoài ra, trang thiết bị văn phòng, hồ sơ bệnh án bị nước ngập hư hại...

Mặc dù nhiều khó khăn, nhưng các y bác sĩ vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Tại BVĐK huyện Lệ Thuỷ, các y bác sĩ vẫn mổ đỡ đẻ 4 ca, mổ cấp cứu ruột thừa cho người dân trong huyện. Bệnh nhân được đảm bảo dinh dưỡng, thực phẩm an toàn trong thời gian phải ở lại viện, không trường hợp tử vong nào đáng tiếc xảy ra.

“Mất điện toàn viện, không ít ca bác sĩ phải dù dùng đèn pin hoặc dụng cụ khác để mổ cho bệnh nhân”, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình chia sẻ.

Còn tại Quảng Trị, BSCK II Võ Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong cho biết, Trung tâm Y tế huyện cơ sở 2 phục vụ chăm sóc sức khỏe và thăm khám cho 50.000 người dân 9 xã của huyện Triệu Phong.

Mặc dù nước ngập phải có thuyền nhỏ đưa đồ ăn vào BV cho người bệnh và cán bộ, tuy nhiên công tác khám chữa bệnh cho nhân dân vẫn được thực hiện đầy đủ.

“Đội cấp cứu cơ động của Trung tâm Y tế cùng y tế xã và Công an huyện đi ca nô đến vùng ngập lụt chuyển 8 trường hợp phụ nữ mang thai đi sinh, 1 trường hợp viêm phế quản và 1 trường hợp bị suy thận nặng lên vùng thuận lợi là BVKV Triệu Hải và BVĐK tỉnh để cấp cứu”, BS Võ Thanh Tâm cho biết.

Trong chuyến thăm, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Bình, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của của cán bộ y tế tại đây, dù mưa lũ, nước lụt dâng cao nhưng đã hết sức cố gắng, cứu chữa, phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ông Long lưu ý, sau mưa lũ, rất cần quan tâm vấn đề dịch bệnh phát sinh. Cùng đó, cần đề phòng có nhiều bệnh nhân bị chấn thương, tai nạn thương tích do làm lại nhà, lợp lại nóc nhà; cần phối hợp, triển khai ngay công tác phòng chống dịch bệnh.

Còn theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn, công tác vệ sinh môi trường sau bão lũ rất quan trọng vì nguy cơ bệnh truyền nhiễm xuất hiện và gia tăng, đặc biệt là bệnh liên quan đến tiêu hoá, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da, bệnh do dinh dưỡng không đáp ứng.

“Song song với khắc phục hậu quả bão lũ, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, tỉnh Quảng Trị cũng cần chú trọng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 bởi hiện nay dù chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Công tác giám sát, cách ly phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là người nhập cảnh phải được thực hiện đúng quy định”, ông Tấn cảnh báo.

Bộ Y tế khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ. Đó là thực hiện ăn chín, uống chín, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bảo đảm vệ sinh môi trường thực hiện theo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau mưa lũ, đề phòng dịch bệnh phát sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO