Sau Mỹ, Brazil trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới

Khánh Duy 24/05/2020 21:38

Tính đến ngày 24/5, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho 5,38 triệu người và cướp đi sinh mạng của ít nhất 343.451 người khắp toàn cầu, trong đó diễn biến dịch ở Brazil được xem là đáng quan ngại nhất sau khi nước này trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới.

Sau Mỹ, Brazil trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới

Nhân viên y tế Rio de Janeiro (Brazil) làm việc trong trạng thái cực kỳ căng thẳng. Ảnh: Reuters.

Diễn biến nghiêm trọng

Bộ Y tế Brazil ghi nhận nước này có hơn 342.410 ca nhiễm, đồng thời vượt Nga để trở thành vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai trên thế giới. Cụ thể, quốc gia Mỹ Latinh này trong ngày 23/5 đã xác nhận thêm 11.520 ca nhiễm mới và gần 900 ca tử vong do virus corona chủng mới.

Hiện nay số bệnh nhân mới tăng thêm mỗi ngày ở Brazil đang dao động ở mức khoảng 20.000, trong khi số bệnh nhân mới ở Nga là khoảng 9.000, có nghĩa là ngày hôm sau, ngoại trừ yếu tố chênh lệch múi giờ, tổng số bệnh nhân ở Brazil sẽ vượt qua Nga một cách toàn diện. Mặc dù khoảng cách với 1,6 triệu người bị bệnh ở Hoa Kỳ là tương đối lớn, nhưng Brazil sẽ giữ vị trí thứ hai trên thế giới.

Nói về dịch bệnh ở Brazil, các trường hợp đầu tiên có mối liên quan chặt chẽ với Mỹ. Khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Nhà Trắng vào tháng 3 năm nay, sau cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao của Tổng thống Donald Trump, nhiều thành viên trong phái đoàn đông tới 120 người sau khi trở về Brazil lần lượt bị chẩn đoán nhiễm bệnh, bao gồm cả Tổng thống Bolsonaro, tuy nhiên sau nhiều lần xét nghiệm axit nucleic ông đã được xác nhận an toàn.

Tuy nhiên, các nhà quan sát tin rằng Brazil có dân số hơn 200 triệu người đã không được xét nghiệm virus đầy đủ và số người bị nhiễm Covid-19 trên thực tế cao hơn nhiều số liệu chính thức được Chính phủ công bố. Mặc dù châu Âu, châu Á và một số nơi khác ở châu Mỹ đã dần dần dỡ bỏ phong tỏa, nhưng Brazil ở Nam bán cầu bây giờ mới sắp bước vào mùa Đông là mùa dịch bệnh. Theo phán đoán, dịch bệnh Covid-19 phải đến tháng 6 mới đạt đến đỉnh điểm ở Brazil.

So với các quốc gia có dịch bệnh nghiêm trọng khác, Brazil có tỷ lệ người bệnh ở độ tuổi còn trẻ tử vong vì virus Corona chủng mới cao hơn hẳn. Thống kê cho thấy số người chết vì Covid-19 dưới 60 tuổi ở Brazil chiếm hơn 30%; trong khi ở Tây Ban Nha và Italy, tỷ lệ này chỉ là 5%.

Điều này có thể là do cấu trúc dân số của Brazil trẻ hơn: dân số trên 60 tuổi chỉ chiếm 13%, trong khi người cao tuổi trên 60 tuổi ở Tây Ban Nha và Italy chiếm hơn 25%.

Ông Mauro Sanchez, một nhà dịch tễ học tại Đại học Brasilia, cho rằng tỷ lệ dân số không phải là toàn bộ nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi tử vong cao. Những người tuổi còn trẻ ngày càng ít ở nhà, vì điều kiện kinh tế và nhu cầu công việc, họ phải ra ngoài làm việc và tiếp xúc với môi trường lan truyền virus. Những người nghèo thường làm các việc dọn dẹp vệ sinh, nấu nướng và trông trẻ, đó là những việc không thể làm việc từ xa và phải được thực hiện khi ra khỏi nhà.

Không áp dụng lệnh phong tỏa

Cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody’s cho rằng suy thoái kinh tế của Brazil có thể nghiêm trọng hơn dự kiến và GDP sẽ giảm 5,2% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1900 đến nay. Triển vọng xếp hạng nợ của Brazil rất khó duy trì ở mức “ổn định”.

Trong vài tháng qua, Tổng thống Bolsonaro, người coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu, đã xung đột với các Thống đốc bang và các chuyên gia y tế trong chủ trương giãn cách xã hội tại gia. Tuần trước, ông còn tuyên bố các phòng tập thể dục và thẩm mỹ viện là “dịch vụ cơ bản thiết yếu” và vẫn được mở cửa trong thời gian dịch bệnh.

Giống như Tổng thống Mỹ, Tổng thống Brazil cũng là người phản đối sách lược phong tỏa toàn diện để chống dịch. Ông Bolsonaro thậm chí còn công khai xuống đường cổ vũ những người ủng hộ chủ trương không thực hiện phong tỏa của ông, bất kể việc giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo giãn cách xã hội của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Hôm 20/5, Bộ Y tế Brazil đã phê duyệt phương án điều trị bằng thuốc chloroquine, cho phép các bệnh viện công sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân nhẹ. Tuy nhiên, các loại thuốc này hiện vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng y tế và chưa có thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn để chứng minh tác dụng của chúng.

Hai quyết định này của ông Bolsonaro dường như khiến ông Nelson Teich- Bộ trưởng Bộ Y tế mới bổ nhiệm gần đây, phải từ chức. Ông Teich lập tức tuyên bố từ chức với lời cám ơn Tổng thống đã cho ông cơ hội làm Bộ trưởng và ông đã làm hết sức mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau Mỹ, Brazil trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO