Sẽ không có đột biến về giá thịt lợn

Thanh Hải 15/11/2019 07:21

Xu hướng nhu cầu thịt lợn cuối năm sẽ tăng, nhất là trong tháng Tết, thường tăng từ 20 - 25% so với tháng khác. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt các giải pháp sẽ không có đột biến về giá.

Sẽ không có đột biến về giá thịt lợn

Giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian qua.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi tại buổi tọa đàm “Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh tái đàn lợn, đảm bảo cung - cầu thực phẩm dịp Tết” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 14/11.

Giá lợn thịt lên cao chỉ là cá biệt

Nhận định về nguyên nhân khiến giá lợn tăng đột biến trong thời gian qua, theo đại diện Cục Chăn nuôi, không phải do thiếu nguồn cung. Bởi lẽ, so với thời điểm khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, đến nay mới chỉ thiệt hại khoảng 8,5% tổng đàn lợn, với 5,8 triệu con, tương đương với 3,8 triệu tấn thịt lợn. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện tượng tăng giá này một phần do thương lái trước kia thu mua của nông hộ, giờ họ không có nguồn này trong khi đó lại không tiếp cận được các nguồn của doanh nghiệp nên xảy ra hiện tượng đẩy giá. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị thông tin truyền thông lại chỉ quan tâm đến thông tin giá cao nên vô tình đẩy giá lợn lên.

Giá lợn hơi ở các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh hiện dao động từ 70-75.000đồng/kg. Các tỉnh khác trong vùng thấp hơn 1.000-3.000 đồng/kg.

Thời gian qua, song song với việc chống dịch, ngành Nông nghiệp cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển sang chăn nuôi thêm gia cầm, thủy sản nên tổng nguồn cung thực phẩm không thiếu. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về nguồn cung thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, xu hướng nhu cầu thịt lợn cuối năm sẽ tăng, trong tháng Tết thường tăng từ 20 - 25% so với tháng khác. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt các giải pháp sẽ không có đột biến về giá. Thời gian tới cần có sự chung tay của cả ngành Nông nghiệp và Công thương trong sản xuất, lưu thông và bình ổn giá; trong đó ưu tiên bình ổn giá cho mặt hàng thịt lợn.

Đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học

Qua hơn 10 tháng ứng phó, đến thời điểm hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã từng bước được khống chế, giảm thiểu thiệt hại. Đại diện Cục Thú y nhìn nhận để kiểm soát dịch trong thời gian tới việc chính là tổ chức triển khai ở cơ sở, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Tại các địa phương đã qua 30 ngày thì biện pháp kiểm soát an toàn sinh học lại càng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển sản phẩm lợn giữa các nước xung quanh, giữa các tỉnh với nhau cũng như việc lưu thông sản phẩm lợn sau giết mổ.

Tính đến ngày 13/11, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 8.400 xã, tiêu hủy 5,8 triệu con lợn, với sản lượng khoảng 3,8 triệu tấn, chiếm 8,5% tổng sản lượng lợn cả nước. Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trên cả nước. Đại diện Cục Thú ý lưu ý, đối với những địa phương đã qua 30 ngày không tái phát dịch có thể tái đàn nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, tái đàn có kiểm soát và an toàn sinh học.

Theo số liệu thống kê mới nhất thì số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng trên 2.500 trang trại, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con. Qua đó, có thể nhận thấy xu hướng số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn… được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước. Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với dịch tả lợn châu Phi.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Bắc Giang trong việc khống chế dịch bệnh và tái đàn, ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Bắc Giang cho hay, Bắc Giang hiện có 208/230 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch. Ngay từ đầu tháng 8 khi có hiện tượng không phát sinh dịch thì ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ra ngay các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tái đàn.

“Trong quá trình tái đàn, Chi cục Thú y kiểm soát rất gắt gao việc thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sinh học. Không vì tái đàn vội vàng mà bỏ qua các quy trình an toàn để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh. Kết quả, hiện Bắc Giang đang có 800.000 con lợn được chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, trong đó đàn lợn nái là gần 100.000 con, 376 trang trại chăn nuôi an toàn” – ông Dương cho biết.

“Tính đến ngày 13/11, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 8.400 xã, tiêu hủy 5,8 triệu con lợn, với sản lượng khoảng 3,8 triệu tấn, chiếm 8,5% tổng sản lượng lợn cả nước. Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trên cả nước. Hiện cả nước có trên 60% số xã đã qua 30 ngày không có dịch tái phát; đặc biệt 10 tỉnh thành có trên 85% xã đã qua 30 ngày không có dịch. Đây là điều kiện để các hộ có thể tái đàn” – theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ không có đột biến về giá thịt lợn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO