Sẽ xử nghiêm các sàn thương mại điện tử vi phạm

Minh Phương (thực hiện) 05/06/2020 08:10

Dịch Covid-19 mặc dù khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, song lại tạo ra những cơ hội cho phát triển thương mại điện tử. Con số giao dịch trực tuyến tăng mạnh những tháng đầu năm. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, thương mại điện tử vẫn tồn tại những “lỗ hổng” tạo điều kiện cho việc bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây hại cho người tiêu dùng.

Sẽ xử nghiêm các sàn thương mại điện tử vi phạm

Ông Lê Đức Anh.

Trao đổi về lĩnh vực thương mại điện tử, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết: Trong đợt dịch Covid-19, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, chúng tôi ghi nhận các DN kinh doanh, các sàn thương mại điện tử đã rất chủ động trong việc ứng phó với dịch. Nhiều sàn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng, như triển khai miễn phí chuyển phát, truy quét các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ liên quan đến thiết bị y tế, khẩu trang... Từ đó góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

PV: Thưa ông, có thể thấy, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Nhưng rõ ràng, dịch bệnh cũng khiến cho hoạt động của các sàn thương mại điện tử bị ảnh hưởng?

Ông Lê Đức Anh: Thời điểm dịch bệnh covid-19 hoành hành, do yếu tố liên quan nguồn hàng, ở thị trường Việt Nam, khi triển khai các hoạt động liên quan thương mại điện tử, rất nhiều DN bán hàng có nguồn hàng nhập khẩu đã bị ảnh hưởng khá nặng nề, do biên giới đóng cửa, do hoạt động thông quan bị giảm bởi dịch bệnh… Nhiều DN đã buộc phải hủy đơn hàng dù số lượng hợp đồng với khách hàng rất lớn. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong giai đoạn tháng 3,4 tỷ lệ hủy đơn trên sàn thương mại điện tử lên đến 140%. Tôi nghĩ, từ những rủi ro như vậy, tôi cho rằng, đẩy mạnh sản xuất trong nước để chủ động nguồn hàng là yếu tố các DN cần phải hướng đến.

Thưa ông, bên cạnh những điểm tích cực mà thương mại điện tử đem lại, cũng xuất hiện những mặt tiêu cực, như việc hàng giả hàng nhái, hay việc các DN chưa làm tốt khâu chăm sóc khách hàng, giao hàng lỗi, hàng kém chất lượng, không đúng với sản phẩm khách hàng lựa chọn. Song người tiêu dùng hầu như vẫn “cam chịu”. Ông bình luận về câu chuyện này thế nào?

- Thực tế, chúng ta đã có các quy định, chế tài rất rõ ràng đối với việc các sàn thương mại điện tử, các website bán hàng trực tuyến phải công bố đầy đủ các thông tin liên quan chính sách giao hàng, cũng như các thông tin về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa để người tiêu dùng nắm rõ. Trong trường hợp các DN, sàn thương mại điện tử, website không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến chính sách giao hàng hay xử lý các tranh chấp xảy ra với khách hàng… thì DN, tổ chức đó đã vi phạm các quy định trong giao dịch thương mại điện tử.

Hiện nay, Bộ Công thương đã tổ chức các đoàn thanh tra làm việc trực tiếp với các sàn, website điện tử, đặc biệt làm việc với những các website bị khiếu nại nhằm đưa hoạt động bán hàng, giao dịch thương mại điện tử vào quy củ. Đặc biệt cuối năm ngoái, Bộ Công thương đã khai trương hệ thống khiếu nại trực tuyến cho phép người dân có thể gửi các khiếu nại của mình liên quan đến các vấn đề về giao dịch thương mại điện tử trên trang này. Và dựa trên các khiếu nại của người dân, chúng tôi sẽ lấy đó làm căn cứ để làm việc với DN làm rõ các vấn đề về xử lý khiếu nại để có thể kịp thời xử lý các sự vụ, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.

Phát triển thương mại điện tử là xu thế tất yếu, vậy nhà quản lý đã và đang có những động thái gì nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN hoạt động trên lĩnh vực này, thưa ông?

- Đối với các DN, chúng tôi chia làm 2 nhóm, một là DN sản xuất, hai là DN hoạt động thương mại. Cần phải khẳng định, chúng ta có nền tảng hỗ thanh toán giao dịch thương mại điện tử tương đối tốt. Điều quan trọng là DN phải xây dựng được uy tín với khách hàng, vậy xây dựng bằng cách nào. Tôi cho rằng, các DN cần phải sử dụng các công cụ thông tin cho khách hàng trong quá trình giao dịch làm sao để tạo được niềm tin nơi khách hàng, như việc sử dụng dịch vụ chuyển phát uy tín, hay thực thi xử lý nhanh những khiếu nại phát sinh của khách hàng. Khi các dịch vụ làm vừa lòng khách hàng, chắc chắn uy tín của DN sẽ được nâng lên. Đối với DN sản xuất, chúng tôi đang phối hợp với các sở công thương, các đơn vị để thúc đẩy đưa DN sản xuất trong nước lên trên các hệ thống sàn thương mại điện tử. Đây cũng là điểm nhấn của mục tiêu phát triển thương mại điện tử trong năm 2020 này.

Ông dự báo thế nào về sự phát triển thương mại điện tử của Việt Nam trong thời gian tới?

- Để thúc đẩy tăng trưởng 8 tháng cuối năm, Bộ Công thương đã đưa ra đề án với 7 giải pháp bao gồm các giải pháp hỗ trợ DN chuyển phát, hỗ trợ DN vay vốn ngân hàng để sản xuất, hỗ trợ DN trong việc đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử cũng như các hoạt động đưa hàng từ kho nhà sản xuất đến tận tay khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng, đó sẽ là những giải pháp tích cực để thúc đẩy thương mại điện tử trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ xử nghiêm các sàn thương mại điện tử vi phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO