SEA Games 31: Gỡ tiếng ‘hội làng’

THANH HÀ 11/05/2022 11:16

SEA Games 31, ngày hội thể thao lớn nhất của khu vực Đông Nam Á sẽ chính thức diễn ra từ ngày 12 đến 23/5 tại Việt Nam. Sau gần 20 năm mới tổ chức lại SEA Games, Việt Nam đã chuẩn bị những gì tốt nhất cho tất cả các đoàn thể thao tham dự, cũng như giới phóng viên. Cùng với đó, SEA Games 31 đang được mang theo rất nhiều kỳ vọng đúng như khẩu hiệu  “For a Stronger South East Asia” (Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn) khi tập trung tổ chức thi đấu với trọng tâm là các môn Olympic cơ bản.

Ngọn lửa thiêng xin tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chuẩn bị cho Lễ khai mạc SEA Games 31 đã được các VĐV thực hiện hôm 6/5. Ảnh: Quang Vinh.

Cái tiếng “hội làng”

Người dân Đông Nam Á có thể tự hào vì có SEA Games - một đấu trường thể thao có bề dày lịch sử chỉ thua Olympic và Asiad. Thế nhưng, bấy lâu nay, SEA Games vẫn mang tiếng "hội làng" vì căn bệnh thành tích của nước chủ nhà và các đoàn khi tham dự. Tại rất nhiều kỳ SEA Games trước đây, chẳng nhiều người ngạc nhiên bởi đã quen với việc nước chủ nhà đứng vị trí số 1 (nếu có đủ thực lực vào tốp 3 ở những Đại hội trước đó) hoặc có số HCV vượt trội so với thành tích ở những lần Đại hội tổ chức ở quốc gia khác. Điều đó thường đến từ việc nước chủ nhà luôn tham dự với số VĐV lớn, nên cơ hội giành huy chương cao hơn. SEA Games là Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á nhưng lại mang tính chất “ao làng” là vì thế.

Cứ mỗi kỳ SEA Games lại xuất hiện một môn thi đấu mà ai nghe cũng lạ lẫm, ngoại trừ nước chủ nhà đăng cai. Với cương vị chủ nhà, họ có quyền đưa vào chương trình thi đấu những nội dung, môn thể thao thế mạnh đồng thời loại bỏ môn thể thao, nội dung hay hạng cân mạnh của các nước khác. Tiếp đó là vấn đề trọng tài thường “ưu ái” VĐV của nước chủ nhà. Cùng với số môn thi tăng lên, nước nhủ nhà cũng tăng số nội dung của từng môn hoặc loại bỏ những nội dung yếu thế.

Chính với cách tổ chức khá đặc thù của SEA Games khi dành quyền ưu tiên lớn cho nước chủ nhà, cùng "căn bệnh" thành tích đã khiến thứ hạng ngôi đầu toàn đoàn có lúc thay đổi đến "chóng mặt" và rõ ràng nó không phản ánh đúng sức phát triển của từng nền thể thao của các nước trong khu vực. Điều đó được thể hiện rõ nét khi tham dự đấu trường lớn của châu lục và thế giới là Asiad, Olympic, thành tích chung của các đoàn thể thao ở khu vực ASEAN khá thấp.

Những điều này đã được thể hiện ở nhiều Đại hội như tại SEA Games 26, nước chủ nhà Indonesia đưa vào chương trình thi đấu bộ môn đánh bài Tây mang tên đánh bài Bridge, với 9 nội dung thi đấu. Tại kỳ Đại hội này, để vận động các quốc gia khác tham dự, Indonesia đã cử chuyên gia sang Việt Nam huấn luyện. Chuyên gia sau đó nhanh chóng về nước và cuối cùng Việt Nam không cử VĐV tham gia môn đánh bài.

Hay như tại Myanmar năm 2013 với 37 môn thi đấu nhưng có tới gần 15 môn đặc thù của khu vực. Một số môn ít người biết đến như chinlone, được nước chủ nhà mời tham dự, với thỏa thuận ngầm chia huy chương. Tại kỳ Đại hội đó, chủ nhà Myanmar còn loại bỏ luôn môn thể dục dụng cụ, môn Olympic cơ bản, ra khỏi chương trình thi đấu bởi nước chủ nhà không có hy vọng cạnh tranh huy chương. Điều này khiến tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam đứng ngoài cuộc chơi, dù tại SEA Games 2011, thâu tóm 11 HCV trong tổng số 14 nội dung.

Minh chứng gần nhất cho việc ví SEA Games như “hội làng” có thể kể đến SEA Games 30 tại Philipinnes năm 2019 xác lập kỷ lục lịch sử các kỳ Đại hội với việc nước chủ nhà đưa vào tới 56 môn thi đấu, với 529 bộ hy chương, cao nhất trong 31 kỳ SEA Games từ trước tới nay. Trong đó, có việc chủ nhà chọn nhiều môn sở trường, đưa vào nhiều môn lạ mang tính "địa phương", bỏ nhiều nội dung Olympics Asiad khiến sân chơi này bị chỉ trích nặng nề. Chưa kể, vì thành tích của mình mà chủ nhà còn bị khiếu nại rất nhiều vì công tác trọng tài.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số nước có nền thể thao mạnh như Việt Nam và Thái Lan hay Singapore đang nỗ lực thoát dần căn bệnh thành tích từ cái mác "chủ nhà" để thâu tóm huy chương và dẫn đầu mỗi kỳ đại hội. SEA Games 2015 trên đất Singapore được coi là kỳ đại hội "trong sạch" và thành công nhất khi nước chủ nhà tổ chức 36 môn, chọn ra những môn nằm trong hệ thống Olympic hoặc theo chuẩn Asian Games. Năm đó, Singapore về thứ 2 chung cuộc với 84 HCV, kém đoàn dẫn đầu Thái Lan 11 HCV.

Kỳ SEA Games năm nay, chủ nhà Việt Nam tổ chức 40 môn, với trọng tâm là các môn thể thao cơ bản của Olympic. Sau 19 năm, Việt Nam đang hướng tới SEA Games 31 với vị thế chủ nhà mới, khi luôn nằm trong top 3 toàn đoàn.

Sẽ không còn là “hội làng”

SEA Games 31 chính thức khởi tranh tại Việt Nam từ ngày 12/5 đến ngày 23/5/2022, sau khi bị trì hoãn cả nửa năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cái nhìn xấu xí về một số kỳ SEA Games trước đây như "ao làng", liệu có lặp lại tại Việt Nam? Vị thế của chủ nhà Việt Nam tại Đại hội kỳ này như thế nào?... Không ít người đã đặt ra câu hỏi về ngày hội lớn nhất khu vực được tổ chức lần này.

Trong vai trò chủ nhà lần này, Việt Nam hướng tới việc cùng bạn bè trong khu vực nâng tầm thể thao Đông Nam Á, từ cam kết không cắt giảm bất cứ nội dung nào của các môn trong hệ thống Olympic cho đến việc từ chối dùng các nội dung thế mạnh chỉ để tranh chấp huy chương. Tất cả nhằm tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, từng bước xóa bỏ dần tư duy "sân chơi ao làng" đè nặng lên SEA Games nhiều thập niên qua.

SEA Games 31 có tổng cộng 523 bộ huy chương thuộc 40 môn thể thao khác nhau, chủ yếu là những môn thể thao được thi đấu tại Thế vận hội. Tại kỳ tổ chức Đại hội năm nay, Việt Nam có thể ngẩng cao đầu tuyên bố: SEA Games 31 sẽ không còn là "ao làng". Chủ nhà Việt Nam sẽ cùng các quốc gia trong khu vực nhấn mạnh về tinh thần thi đấu fair-play, tập trung cho các môn Olympic thay vì đưa vào nội dung "ao làng" để tranh huy chương tại đại hội thể thao Đông Nam Á. Đây sẽ là một kỳ đại hội hội tụ sự tinh hoa xuất sắc của thể thao Đông Nam Á. Tổ chức tất cả môn thi Olympic và không cắt môn thế mạnh của đối thủ, thể thao Việt Nam dần xem SEA Games là nơi rèn quân cho những đấu trường cao hơn. Thể thao Việt Nam thay vì tập trung vào Top 3 SEA Games đã coi Olympic là ưu tiên số một, Asiad xếp thứ nhì rồi mới đến sân chơi ở khu vực.

"Chúng ta không chỉ đưa nội dung mạnh của riêng mình vào thi đấu như thông lệ trước đây mà sẽ tổ chức một kỳ SEA Games có đầy đủ các nội dung. Đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu giành vị trí trong nhóm đầu nhưng trong điều kiện tổ chức công bằng. SEA Games là bước đà, chuẩn bị cho Asiad vào tháng 9 tới. Nhiều kỳ SEA Games trước đây, Việt Nam đều đứng trong top 3. Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam lần này vẫn là đứng trong nhóm đầu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo quyết liệt rằng Việt Nam phải tổ chức một kỳ SEA Games mẫu mực, không giành chiến thắng bằng mọi giá mà phải tổ chức một kỳ SEA Games mang tinh thần chơi đẹp", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ. Sự thay đổi về tư duy của Việt Nam tại đại hội thể thao khu vực sẽ là tiền đề để nâng cao chất lượng thể thao của Việt Nam nói riêng, và Đông Nam Á nói chung trong tương lai.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 có tổng cộng 1.341 thành viên, trong đó có 951 vận động viên, 250 huấn luyện viên, 30 chuyên gia, 46 lãnh đội. Đoàn Việt Nam sẽ tham gia thi đấu ở 40/40 môn, 508/523 nội dung tại SEA Games 31 và dự kiến phấn đấu đạt từ 140 HCV trở lên để đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.

Để có được một kỳ Đại hội thành công rực rỡ, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị về mọi phương diện để mang tới kỳ đại hội thể thao khu vực ấn tượng. “Việt Nam có 12 địa phương đăng cai SEA Games gồm Hà Nội và 11 địa phương khác là Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang. Hà Nội là thành phố đăng cai nhiều môn nhất với 20 môn thi đấu.

Các địa phương rất quyết tâm, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất. Chúng ta hầu như không xây mới, mà chủ yếu nâng cấp, sửa sang lại những cơ sở sẵn có. Chỉ một số cơ sở xây mới như trung tâm quần vợt Hanaka ở Bắc Ninh, trường bắn ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội”, bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết.

Tổ chức SEA Games 31, Việt Nam muốn khẳng định đây là sân chơi của khu vực Đông Nam Á, là nơi quảng bá văn hóa của mỗi quốc gia và cũng là nơi tổng duyệt của các quốc gia để có những vận động viên tốt tham gia các kỳ Á vận hội và Olympic. Ngày khai mạc SEA Games 31 đã cận kề. Việt Nam đã sẵn sàng chào đón 11 đoàn thể thao của 11 quốc gia Đông Nam Á.

Một SEA Games thúc đẩy tình hữu nghị, mối quan hệ giữa các nước khối ASEAN, giúp các nước cùng nhau tạo mối đoàn kết vì những mục đích chung: Hoà bình, ổn định và cùng phát triển. Khẩu hiệu chính thức của Đại hội “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” mang ý nghĩa truyền tải thông điệp tới chính phủ và người dân các nước Đông Nam Á cùng nhau đoàn kết, xây dựng cộng đồng ASEAN hùng cường, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của ASEAN trên trường quốc tế. SEA Games lần thứ hai tổ chức ở Việt Nam với nhiều nội dung trong hệ thống thi đấu Olympic không chỉ góp phần xóa định kiến “ao làng” Đông Nam Á mà còn là một nỗ lực rất lớn chiến thắng đại dịch Covid-19 của nước chủ nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    SEA Games 31: Gỡ tiếng ‘hội làng’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO