Siết kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

M.Phương 16/01/2021 07:28

Thương mại điện tử (TMĐT) được coi là “cứu cánh” cho DN khi bị tác động mạnh mẽ bởi Covid -19, kênh mua bán này cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Nở rộ các hình thức thương mại điện tử.

Còn theo đại diện Bộ Công thương, hiện nay cơ chế hoạt động của các sàn TMÐT chỉ nắm giữ khâu trung gian, bất cứ đơn vị bán hàng nào cũng có thể thuê tài nguyên, không gian online để kinh doanh. Vì vậy, nhiều đối tượng lợi dụng TMÐT để buôn bán hàng giả, hàng lậu trên các sàn TMĐT. Một số khác thì thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin nên lợi dụng để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc xác minh thông tin, chứng cứ vi phạm để kịp thời xử lý.

Để khắc phục tình trạng này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Đồng thời, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để góp ý xây dựng dự thảo này.

Đại diện Bộ Công thương cho biết dự thảo được xây dựng với mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Nghi định 52, đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT, không để TMĐT bị lợi dụng trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dự thảo nghị định sửa đổi sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách là thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong thương mại điện tử; quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội và quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.

Mục tiêu của dự thảo nghị định sửa đổi này là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về thương mại điện tử, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, không để thương mại điện tử bị lợi dụng và trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật khác.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phát triển nhanh chóng về TMĐT với tốc độ tăng trưởng TMĐT thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á. Hoạt động giao dịch trên các sàn TMĐT diễn ra sôi động và tăng trưởng nhanh về khối lượng cũng như quy mô. Đến nay, TMĐT đã lan tỏa rộng rãi đến mọi người, mọi nhà nhưng còn nhiều vấn đề cần quan tâm như: hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO