Siết lại chất lượng đại học

Hàn Minh 05/12/2022 07:15

Với đa dạng phương thức xét tuyển và hệ thống hơn 200 trường đại học (ĐH) hiện nay, người học có nhiều sự lựa chọn nhưng nếu không nỗ lực học tập, rèn luyện thì vẫn có thể “đứt gánh” giữa chừng.

Sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST.

“Rụng” vì nhiều lý do

Sau mỗi học kỳ, các trường ĐH đều công bố danh sách những sinh viên bị cảnh báo học vụ và buộc thôi học vì điểm kém. Trường ĐH Luật TPHCM vừa thông báo có 37 sinh viên chính quy bị buộc thôi học. Học kỳ 1 và học kỳ 2 năm học 2021-2022, các sinh viên này có điểm trung bình học kỳ đều dưới 1.0 tính thang điểm 4.0. Đồng thời, bị cảnh báo học vụ hai lần liên tiếp nên các sinh viên này bị buộc thôi học. Trường cũng cảnh báo học vụ đối với 89 trường hợp vì điểm trung bình tích lũy toàn khóa, trung bình học kỳ 2 năm học 2021-2022 thấp. Nếu những sinh viên này không cải thiện kết quả học tập và bị cảnh báo học vụ lần 2 liên tiếp sẽ bị buộc thôi học theo quy định.

Học viện Ngân hàng cũng vừa thông báo danh sách 346 sinh viên bị buộc thôi học do kết quả học tập kém. Những sinh viên này có nguyện vọng chuyển xuống hệ vừa làm vừa học hoặc hệ cao đẳng cần làm đơn nộp cho phòng Đào tạo trước thời gian quy định. Nhà trường cũng thông báo danh sách 964 sinh viên bị cảnh báo học vụ do kết quả học tập kém và nhắc nhở các sinh viên trong danh sách này cần chủ động cải thiện kết quả học tập trong các học kỳ tiếp theo.

Một số sinh viên khác của Học viện Ngân hàng được kéo dài thời gian đào tạo của học kỳ 2 năm học 2021-2022 được yêu cầu phải làm đơn trình bày kế hoạch học tập, hoàn thành các điều kiện tốt nghiệp và nộp cho phòng Đào tạo trước thời gian quy định. Nếu kết thúc học kỳ 1 năm học 2022-2023 các sinh viên trong danh sách này không đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học theo quy chế.

Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cũng thông báo danh sách 51 sinh viên diện buộc thôi học năm học 2021-2022, trong đó chủ yếu là đăng ký nhưng không học, có 2 trường hợp cảnh báo lần 3. Có 165 sinh viên diện cảnh báo học vụ, trong đó có nhiều trường hợp cảnh báo lần 2. Đây chỉ là ba trong số nhiều trường ĐH, cao đẳng mạnh tay “siết” chất lượng sinh viên - việc được thực hiện định kỳ và cảnh báo liên tục ngay từ khi sinh viên nhập trường nhưng vẫn nhiều em vướng phải.

Ông Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật TPHCM cho biết, việc đuổi học thực hiện theo quy định khi các em có kết quả học tập kém nhưng không cải thiện. Không chỉ năm nay mà các năm trước, trường cũng luôn có hàng chục sinh viên bị đuổi học. Theo ông Hiển, sinh viên bị đuổi học không phải vì học kém mà phần lớn là do các em không tập trung học tập. Nhiều em có thể do nhận ra ngành học không đúng nguyện vọng nên có kế hoạch thi lại vào năm sau, hoặc có kế hoạch đi nước ngoài...

Chuẩn bị tinh thần, kỹ năng học đại học

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT), việc sinh viên bị đuổi học vì không đảm bảo các điều kiện chất lượng trong quá trình đào tạo là bình thường và cần thiết để “thanh lọc” những trường hợp yếu kém, không phù hợp với môi trường học ĐH hoặc ngành học này. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đào tạo ĐH của thế giới là dễ đầu vào, khó đầu ra. Không thể học đại ĐH rồi mông lung ra trường mà cần có sự sàng lọc trong quá trình đào tạo.

Là một trong những trường khó đầu vào và khó cả đầu ra, hàng năm có 40% sinh viên Trường ĐH Bách khoa phải trả nợ môn đến năm thứ 6 mới ra được trường. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hàng năm trường có 700 - 800 em phải ra khỏi hệ chính quy do không đảm bảo được yêu cầu đào tạo. Phần lớn là do ngay từ đầu không xác định rõ mục tiêu chọn ngành, khi vào học chểnh mảng, sa đà vào game online.

Ngược lại, trong số 5.000 sinh viên mỗi năm của Trường ĐH Bách khoa có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn. Điều này cho thấy ĐH là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. “Các em xác định vào ĐH là để học, chứ không phải để xả hơi” - ông Điền nói.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, số sinh viên bị buộc thôi học chủ yếu rơi vào năm thứ nhất, thứ hai. Một trong những nguyên nhân là do việc chọn ngành không đúng; trong khi quy chế đào tạo hiện nay không cho phép sinh viên đổi ngành, các em miễn cưỡng học, dẫn đến học tập kém. Bên cạnh đó, cách học ở ĐH khác hẳn phổ thông, sinh viên chưa được chuẩn bị để thích nghi với môi trường mới nên dễ bị “rơi rụng”. Vì vậy, bên cạnh việc học kiến thức, người học cũng cần tự trang bị cho mình những kỹ năng, phương pháp cần thiết để thích ứng với môi trường học ĐH. Nhà trường cũng cần có hướng dẫn, tư vấn, định hướng rõ ràng để người học lựa chọn đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết lại chất lượng đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO