Siết quản lý di tích, lễ hội

Hạ Huyền 07/04/2017 09:39

Sẽ xử phạt hành vi vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại khu vực lễ hội, di tích; vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo… với mức phạt lên đến 30 triệu đồng.

Hội Lim.

Sẽ xử phạt nặng với những hành vi thả tiền xuống giếng, đốt vàng mã không đúng quy định - đó là những qui định mới tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Nghị định này đã bổ sung thêm nhiều quy định xử phạt hành vi vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại khu vực lễ hội, di tích; vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo… với mức phạt lên đến 30 triệu đồng.

Đơn cử như tại Nghị định 158 quy định xử phạt vi phạm quy định về nếp sống văn hóa, khoản 1 nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”.

Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi thành: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích”.

Liên quan đến bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại các di tích, khoản 22 Nghị định mới đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 23 của Nghị định 158, theo đó: Phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể hoặc tùy tiện đưa vào những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Liên quan đến chiến dịch đưa “hiện vật lạ” ra khỏi các di tích được Bộ VHTTDL triển khai quyết liệt vào khoảng 2 năm trước, quy định này sẽ giúp các cơ quan quản lý có hành lang pháp lý cần thiết để xử lý các sai phạm mà trước đây chưa có chế tài xử lý.

Quy định cũng xử phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi “Tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh; Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi”…

Nghị định 28/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết quản lý di tích, lễ hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO