Siết quy định mở ví điện tử

Hồ Hương 23/04/2019 07:30

Trước tình trạng ví điện tử ồ ạt được mở ra, trong đó có nhiều ví điện tử ảo và nhiều lỗ hổng trong hoạt động của các trung gian thanh toán đã được phát hiện... Ngân hàng Nhà nước đang muốn siết lại các quy định liên quan tới việc mở ví điện tử.

Siết quy định mở ví điện tử

Ví điện tử phát triển nở rộ nhưng tiềm ẩn một số rủi ro.

Mở ví điện tử phải có chứng minh thư

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Theo Dự thảo, cá nhân mở ví điện tử cần cung cấp thông tin, giấy tờ như căn cước công dân, CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); họ tên, ngày tháng năm sinh…

Trong đó, đối với cá nhân là người Việt Nam cần các thông tin: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, số điện thoại (là số điện thoại khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử cho tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ liên kết với ví điện tử tại ngân hàng), số căn cước công dân hoặc số CMND hoặc số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp. Đối với cá nhân là người nước ngoài cần khai: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, số điện thoại, số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh (nếu có); địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và nơi đăng ký cư trú tại Việt Nam. Với ví điện tử của tổ chức, cần một trong các giấy tờ chứng minh như quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật…

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm hồ sơ mở ví của khách hàng đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ theo quy định; đồng thời có biện pháp xác định khách hàng là người sử dụng số điện thoại đăng ký mở ví. Tổ chức cung ứng dịch vụ phải rà soát hồ sơ khách hàng mở ví trước thời điểm thông tư có hiệu lực; thu thập bổ sung các thông tin, tài liệu của khách hàng, xác thực thông tin khách hàng mở ví trong vòng 6 tháng từ ngày thông tư có hiệu lực.

Trong sử dụng ví điện tử, Dự thảo thông tư quy định việc nạp tiền vào ví điện tử phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) tại ngân hàng hoặc thông qua việc nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở. Khách hàng được sử dụng ví điện tử để chuyển tiền cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở; thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng đã liên kết với ví điện tử.

Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử này sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng trong 1 ngày và 100 triệu đồng trong 1 tháng. Tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của tổ chức (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 100 triệu đồng trong 1 ngày và 500 triệu đồng trong 1 tháng.

Hết thời mở rộng thị phần

Cuộc đua mở ví điện tử đang diễn ra khá rầm rộ. Thậm chí có nhiều cá nhân mở hơn 3 ví điện tử. Chị Nguyễn Thanh Huyền ( làm việc tại tòa nhà số 1 Đào Duy Anh) trao đổi: Tôi sử dụng ví điện tử để thuận lợi trong thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền truyền hình cáp…Tính đến cuối năm 2018 có 27 đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép tại Việt Nam. Đa phần trong đó, tức hơn 20 đơn vị, là ví điện tử còn lại là các dịch vụ khác như chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán…

Siết quy định mở ví điện tử - 1

Cuộc đua mở ví điện tử diễn ra khá rầm rộ.

Nhiều cá nhân khẳng định, mở nhiều ví điện tử để được hưởng các ưu đãi, chẳng hạn như mua vé xem phim rẻ hơn, hay đặt xe taxi rẻ hơn, hoặc thanh toán tiền điện thoại được giảm phần trăm nhất định. Số liệu từ các đơn vị cung cấp ví điện tử cũng cho biết, chỉ trong 1 thời gian ngắn số lượng ví điện tử được mở ra khá nhiều. Chẳng hạn với ví điện tử MoMo, năm 2018 có gần 10 triệu người dùng. Ông Phạm Thành Đức – Tổng Giám đốc ví điện tử MoMo, cho biết kế hoạch năm 2019 sẽ tăng gấp đôi lượng khách hàng.

Nhiều đơn vị cung ứng ví điện tử cũng phải chạy số lượng nên mời chào khách hàng mở tài khoản không kiểm soát. Sự bùng nổ ví điện tử làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng mất kiểm soát, dẫn đến không quản lý được dòng tiền.

Thắt chặt quản lý

Thời gian qua, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh có tình trạng một số cá nhân sử dụng giấy tờ tùy thân giả để đăng ký thẻ ATM, tài khoản thanh toán tại các ngân hàng, sau đó bán lại cho người khác để sử dụng (có thể được sử dụng với mục đích bất hợp pháp). Ngay sau đó, NHNN cho biết, theo quy định pháp lý hiện hành, để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chủ tài khoản, chủ thẻ là cá nhân cần phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về đối tượng sử dụng thẻ; cung cấp đầy đủ thông tin về cá nhân...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc NHNN làm chặt hơn quy định mở tài khoản ví điện tử là điều cần thiết. Cả ví điện tử cũng như tài khoản ngân hàng đều có tác dụng thanh toán, hướng tới nền kinh tế không tiền mặt. Vậy thì việc chặn các tài khoản rác là điều hiển nhiên. Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, mỗi ví điện tử có chiến lược phát triển riêng nhưng phải đảm bảo được quyền lợi và bí mật thông tin khách hàng. Với những sản phẩm mới, khách hàng cần từng bước trải nghiệm sự an toàn, tiện ích để tin tưởng sử dụng lâu dài.

Hiện nay, trung gian thanh toán là hoạt động có liên quan đến hoạt động ngân hàng, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ, cũng như ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia. Chính vì vậy, khi cơ quan quản lý là NHNN quy định chặt về việc mở tài khoản, sẽ phần nào giám sát được hoạt động của các công ty này, đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh, giữ an ninh, chủ quyền tiền tệ quốc gia, phòng, chống rửa tiền…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết quy định mở ví điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO