'Siết' thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài

Hàn Minh 12/11/2022 07:20

Ngày 11/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Aptis của Hội đồng Anh (Vương quốc Anh) và các đối tác. Trước đó một ngày, Hội đồng Anh bất ngờ thông báo hoãn thi chứng chỉ IELTS, Aptis.

Thông báo của Hội Đồng Anh ngay lập tức gây ra sự hoang mang cho nhiều thí sinh đã và đang chuẩn bị đăng ký tham gia thi chứng chỉ IELTS bởi điều này ảnh hưởng đến các kế hoạch học tập và làm việc của cá nhân người học.

Được biết, để thi chứng chỉ này, mỗi thí sinh đều cần có thời gian chuẩn bị, ôn thi kéo dài hàng năm với chi phí không hề rẻ. Việc bất ngờ hoãn thi và chưa biết đến khi nào cấp phép trở lại mà “phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ GDĐT” khiến nhiều thí sinh bức xúc, dù Hội Đồng Anh cho hay các thí sinh lùi lịch thi sẽ không phải đóng thêm học phí.

Đặc biệt là khi trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đồn đoán xung quanh việc hoãn thi chứng chỉ này khiến nhiều phụ huynh, thí sinh càng như “ngồi trên đống lửa”.

Nhìn lại thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT, bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.

Ông Độ nhận định, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: Thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ... Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.

Vì vậy, triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Bộ GDĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam. Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GDĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát. Việc cấp phép trở lại cho chứng chỉ Aptis sau khi thực hiện Thông tư 11 là một động thái cho thấy đơn vị này đã hoàn thành các thủ tục để cấp phép theo đúng quy định và được giải quyết.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn cần được các địa phương tích cực vào cuộc. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ để không còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ngày 10/11, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các sở GDĐT về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng việc Bộ GDĐT “siết” thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trong thời điểm này là cần thiết, bởi đã có nhiều vụ việc tiêu cực được phát hiện làm dấy lên những lo ngại về trình độ thực sự của người sở hữu chứng chỉ đó. Đặc biệt là việc bảo đảm điều kiện để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài hiện được nhiều trung tâm tổ chức chưa đúng, chưa đủ theo quy định của Bộ GDĐT gây ra sự lộn xộn, thiếu công bằng trong việc cấp chứng chỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Siết' thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO