Sinh viên sư phạm: Băn khoăn trước thềm đổi mới

Thu Trang 05/11/2015 08:17

Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trường sư phạm phải là nơi tiên phong. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm trước thềm đổi mới, mà cột mốc quan trọng là đổi mới chương trình GDPT tổng thể, ngày 4/11, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên ĐHSP Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Đổi mới Chương trình và sách giáo khoa”. 

Nên có quan điểm các môn học đều quan trọng như nhau.

Đừng quá lo lắng về môn Sử

Trong buổi nói chuyện, nhiều SV tỏ ra băn khoăn về tương lai khi bước vào thực hiện chương trình GDPT mới, đặc biệt với SV khoa Lịch sử.

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo Trung ương, hiện là Viện trưởng Viện Khoa học xã hội (ĐHSP Hà Nội): Trong thời gian vừa qua, rất nhiều Giáo sư, giáo viên và và học sinh kiến nghị với Ban soạn thảo cũng như Bộ GD&ĐT yêu cầu môn Sử là môn bắt buộc. Có Giáo sư nói HS không muốn học thì phải bắt buộc, hoặc là chúng ta phải giáo dục tinh thần yêu nước.

Ông Vỳ chia sẻ: Khoa học xã hội (KHXH) rất quan trọng, quan trọng trong giáo dục phẩm chất, nhân cách của con người nói chung và đối với thế hệ trẻ nói riêng. Trên thế giới cũng như Việt Nam, người ta nói rằng KHXH đang ở vị trí rất thấp, hay nói cách khác có phần coi thường môn KHXH.

Bây giờ hiểu tích hợp ở môn KHXH là như thế nào? Ở tiểu học sẽ không học môn Lịch sử như cũ, tức là Lịch sử trước đây học từ Hùng Vương, Văn Lang, Âu Lạc… và lên cao cũng học thế. Bây giờ Lịch sử, Địa lý cộng với các kiến thức khác sẽ chuyển thành môn Tìm hiểu Xã hội ở lớp 4 và lớp 5. Chúng tôi dự kiến học bằng cách kể chuyện theo chủ đề, làm thế nào cho nhẹ nhàng, hấp dẫn, dễ hiểu…

Nhưng vấn đề được nhiều người quan tâm nhất, đó là bậc THPT Lịch sử và Địa lý sẽ là môn tự chọn hay bắt buộc?

Về điều này, PGS TS Mai sỹ Tuấn, Trưởng khoa Sinh học (ĐHSP Hà Nội) chia sẻ: Đúng là có những môn phải là môn bắt buộc, có những môn phải là môn tự chọn. Việc này tùy từng hoàn cảnh, giai đoạn cụ thể, có thể lúc này môn Sử chưa bắt buộc nhưng lúc khác sẽ bắt buộc.

Tuy nhiên cần có quan điểm rõ ràng, nếu chúng ta đổi mới toàn diện thì chúng ta phải giáo dục toàn diện. Tất cả các môn học đều như nhau, không có môn nào là môn chính và không có môn nào là môn phụ. Đồng thời cũng sẽ không có hoạt động nào là chính khóa, hoạt động nào là ngoại khóa, mà đều là hoạt động của giáo dục quan trọng mà chúng ta gọi là trải nghiệm sáng tạo. Tất cả môn học đều có sáng tạo, đồng thời nhà trường lại có hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

“Như vậy thì các thầy cô dạy Sử cũng chẳng có gì lo lắng cả. Nếu lo lắng thế thì môn Sinh có lo lắng không? Nếu mà môn Sinh không được coi trọng, đến khi chữa bệnh không có công nghệ sinh học thì có chữa được không, có quan trọng không? Đất nước chúng ta đang phát triển để trở thành một nước CNH – HĐH, vậy thì Lý và Hóa cũng quan trọng chứ? Môn nào bắt buộc hay không bắt buộc là tùy thuộc vào hoàn cảnh chứ không phải do nhận thức coi thường môn này coi trọng môn kia. Tất cả các môn đều quan trọng như nhau” – ông Tuấn giải bày.

Tương tự, PGS TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Đến hôm nay, sự trao đổi căng thẳng nhất chỉ là chuyện tên môn học thôi, chứ đương nhiên Lịch sử là môn học bắt buộc ở cả 3 cấp. Vấn đề “căng” nhất là ở cấp 3 Lịch sử có đứng có riêng hay không.

Đổi mới phương pháp rất quan trọng

Trước những vấn đề đưa ra, PGS Nghiêm Đình Vỳ khẳng định: Đổi mới phương pháp là rất quan trọng. Và thầy giáo là người quan trọng nhất.

Theo đó PGS Vỳ đề xuất: Với chương trình mới, Lịch sử lên cấp THPT sẽ không lặp lại theo THCS nữa mà học theo các chủ đề, ở tất cả các lớp nhưng phân ra các chủ đề. Bên cạnh đó có những chủ đề theo cách của Bộ, chúng tôi thấy cần cố gắng nghĩ ra những chủ đề thật hay, ví dụ chủ để “Chiến tranh và hòa bình trong lịch sử”, trong đó có các chủ đề nhỏ như “Quá khứ không bình yên” dạy về chiến tranh thế giới, hay chủ đề “Âm thanh của hòa bình” để nói về các tổ chức Liên hợp quốc, kêu gọi hòa bình…

Cùng quan điểm PGS TS Mai Sỹ Tuấn cho rằng: Tích hợp có nội môn, có xuyên môn và đa môn, có nghĩa dạy học tích hợp là một phương pháp dạy. Và không chỉ có những môn đã hình thành như Bộ GD&ĐT đưa ra mới là tích hợp. Tất cả các môn chúng ta đều có thể tích hợp để góp phần vào hình thành năng lực. Ví dụ môn Văn có nhiều hình thức tích hợp, tích hợp Sử, tích hợp Địa… và ngược lại.

Với môn ngoại ngữ, các chuyên gia nhấn mạnh: Trong nhiều môn phải đổi mới thì ngoại ngữ phải đổi mới nhất. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không làm được gì cả nếu chúng ta không đổi mới được chương trình SGK.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên sư phạm: Băn khoăn trước thềm đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO