Sinh viên sư phạm: Nỗi lo thất nghiệp

Thủy Anh 14/12/2015 07:25

Trong tuần qua dư luận xôn xao về việc hàng chục sinh viên sư phạm Trường ĐH Tây Nguyên nghỉ học. Có em xin đi học chỗ khác vì e ngại học sư phạm ra trường khó xin việc, có em ở nhà để ôn luyện năm sau thi lại... Thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, sẽ có đến 10.000 sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường khó có việc làm phần nào lí giải cho quyết định này. 

Sinh viên sư phạm: Nỗi lo thất nghiệp

Trường ĐH Tây Nguyên- nơi có nhiều sinh viên sư phạm nghỉ học, chuyển trường.

Đây cũng là vấn đề đáng báo động đối với các cơ quan quản lý, và là sự lo lắng của cả xã hội, khi chất lượng đào tạo giáo viên đang dần theo xu hướng đại trà, thừa thầy nhưng thiếu thợ…

Lo lắng là có cơ sở

Trước tình hình một số sinh viên nghỉ học vì lo không có việc làm, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nỗi lo của sinh viên sư phạm không phải không có căn cứ. Bởi vì thời gian gần đây những con số về cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp, giáo viên bị mất việc ngày càng tăng.

Hàng loạt các vụ cắt giảm biên chế, điều chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng trong ngành sư phạm diễn ra tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Sóc Sơn (Hà Nội), Bá Thước (Thanh Hóa)... đã khiến cho dư luận nhiều phen hốt hoảng.

Thêm vào đó, thông tin Bộ GD&ĐT thống kê sẽ có khoảng 10.000 sinh viên ngành sư phạm ra trường khó có việc làm, cũng khiến không ít người lo lắng.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: Bằng chính sách miễn giảm học phí, các trường sư phạm đã thu hút được những học sinh rất ưu tú, trong ngành gọi là “thế hệ 3 con 9”, phải 27 điểm mới vào được trường sư phạm. Tuy nhiên, sau này do kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, chính sách miễn giảm học phí không còn thu hút nữa. Mức lương của giáo viên cũng không tạo được sức hút với các em học sinh…

Tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”

Nhìn nhận từ thực trạng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam chia sẻ: Trước kia Bộ GD&ĐT chỉ có một số trường ở cấp Trung ương đào tạo ngành sư phạm như: ĐHSP 1, ĐHSP2, ĐHSP Hà Nội, Huế, TP HCM đào tạo giáo viên cấp 3 và mỗi tỉnh có một trường sư phạm để đào tạo giáo viên cấp 1 và cấp 2. Với lượng trường như vậy, việc đào tạo giáo viên được tính toán theo đúng quy hoạch.

Với cơ chế sinh viên sư phạm không phải đóng học phí nên sinh viên thi tuyển vào các trường sư phạm nhiều. Do vậy, các trường có nhiều lựa chọn để chọn ra những thí sinh giỏi vào học ngành sư phạm, và chất lượng giáo viên sư phạm cũng cao. Đặc biệt, sinh viên ngành sư phạm luôn được chú trọng đào tạo phương pháp thực hành sư phạm, năm thứ 2 các em đã được thực hành để rèn luyện kỹ năng sư phạm.

Tuy nhiên, sau này Bộ GD&ĐT cho phép các trường sư phạm địa phương mở thêm nhiều ngành đào tạo khác, từ đó, làm loãng chất lượng đào tạo ngành sư phạm trong các nhà trường. Trong khi đó, nhu cầu giáo viên ở các trường giảm nhưng những trường sư phạm lại không giảm chỉ tiêu đào tạo, dẫn đến việc đào tạo cung vượt quá so với cầu.

Chất lượng đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm cũng giảm đi, ít quan tâm đến vấn đề thực hành nên sinh viên ra trường không được trang bị những kỹ năng sư phạm.

Một phần nguyên nhân nữa do Bộ GD&ĐT vẫn thả nổi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm. Các trường sư phạm căn cứ vào cơ sở vật chất để đăng ký chỉ tiêu với Bộ GD&ĐT mà không quan tâm đến nhu cầu của xã hội về ngành này đã giảm. Từ đó, dẫn tới tình trạng thừa giáo viên nhưng vẫn thiếu giáo viên có chất lượng. Để việc đào tạo giáo sinh trong các trường sư phạm cân đối giữa cung và cầu thì Bộ GD&ĐT phải có tính toán vĩ mô, nhằm điều tiết việc đào tạo trong các trường.

Trường sư phạm đào tạo đội ngũ đặc thù phải có cơ chế quản lý riêng và đầu tư cơ sở vật chất cho các trường để nâng cao chất lượng đào tạo. Cả nước chỉ cần khoảng 30-40 trường sư phạm là đủ. Cung cầu mất cân đối sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của giáo sinh khi theo học ngành sư phạm. Dẫn đến việc nhiều sinh viên bỏ học vì lo sợ ra trường không tìm được việc làm.

Ngoài ra để nâng cao chất lượng giảng dạy trong các trường học, ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng đồng lương dành cho sinh viên sư phạm phải được nâng lên để học chuyên tâm vào công tác chuyên môn. “Hiện chúng ta chỉ nhìn nhận vấn đề đảm bảo cho người học sinh đi học mà chưa đảm bảo đời sống của người giáo viên”.

Cũng cho rằng cần siết chặt quy mô đào tạo giáo viên, đẩy mạnh nâng cao chất lượng, TS Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương nhận định: Có lẽ do ảnh hưởng của cơ chế thị trường nên hiện nay các trường ĐH, CĐ được mở ra ngày một nhiều. Thứ hai là việc cho phép đào tạo các ngành nghề cũng tràn lan. Trường nào cũng có thể đào tạo được tất cả các ngành nghề tôi cho là chưa thật phù hợp. Đúng rằng là trên hồ sơ có đủ điều kiện nhưng thực chất là chưa chắc. Đó là chưa nói rằng đội ngũ đó có trình độ nhưng đã có kinh nghiệm chưa cũng là vấn đề cần quan tâm.

Tôi lấy ví dụ như hiện nay về giáo dục mầm non, rất nhiều các tỉnh cũng tổ chức đào tạo giáo viên mầm non, nhưng người tham gia đào tạo là ai? Là giáo viên trước đây đào tạo giáo viên tiểu học, đào tạo giáo viên THCS rồi chuyển sang đào tạo giáo viên mầm non, đương nhiên sẽ có những bất cập nếu không có sự chuẩn bị chu đáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên sư phạm: Nỗi lo thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO