Sinh viên trở lại học trực tiếp, học sinh thì sao?

PHƯƠNG ANH 03/04/2022 09:23

Nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tại Hà Nội đã chính thức đón sinh viên trở lại trường học trực tiếp. Một số trường khác cũng gấp rút chuẩn bị, để đón sinh viên trở lại trường từ thứ hai tới (ngày 4/4). Trong khi đó, nhiều phụ huynh đang quan tâm đến lứa học sinh mầm non và từ lớp 1 đến lớp 6 ở Thủ đô bao giờ được trở lại trường học trực tiếp?

Học sinh tiểu học ở Hà Nội vẫn chưa được trở lại trường học trực tiếp.

Nơi đón, nơi chờ

Những ngày gần đây, sinh viên một số trường ĐH, CĐ tại Hà Nội đã bắt đầu rời quê sau một thời gian dài về “trú ẩn tránh dịch”. Em Nguyễn Thu Hương (sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, em về Hòa Bình tránh dịch tính đến nay đã hơn 4 tháng. “Ngày 28/3 vừa qua, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đón sinh viên tất cả các khóa, các lớp trở lại, bắt đầu học tập tại trường theo đúng thời khóa biểu nên em đã xuống Hà Nội để ổn định chỗ trọ và bắt đầu một hành trình mới”, Thu Hương chia sẻ.

Được biết, Trường ĐH Bách khoa là một trong những cơ sở đào tạo ĐH đón sinh viên trở lại trường khá sớm. Trường ĐH Bách khoa cũng đưa ra một số lưu ý, khi học trực tiếp, sinh viên cần được tiêm tối thiểu 2 mũi vaccine phòng Covid-19 ít nhất 4 tuần trước khi đi học hoặc tham gia thí nghiệm. Khi tới các lớp học thí nghiệm, giảng viên và sinh viên cũng cần phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình này.

Trong khi đó, hầu hết các trường sẽ chính thức đón sinh viên trở lại học trực tiếp vào ngày 4/4 tới, khi tuần mới bắt đầu. Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (cơ sở Hà Nội) thông tin, sẽ đón sinh viên quay trở lại trường học tập trung từ ngày 4/4. Trong đó, các khóa năm 2018, 2021 sẽ bắt đầu học tập trung tại trường từ ngày 4/4; các khóa năm 2019, 2020 sẽ đi học trực tiếp từ ngày 12/4.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng cho biết, từ ngày 4/4, sinh viên khóa 15 sẽ tới trường học trực tiếp. Theo TS Kiều Xuân Thực, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, sinh viên khóa 14 sẽ tiếp tục học trực tuyến tới 17/4, sau đó sẽ quay trở lại trường học trực tiếp. Đối với khóa 16, các lớp học tại Hà Nội sẽ triển khai học trực tuyến với các nội dung lý thuyết; các lớp học tại Hà Nam sẽ học trực tiếp. Dự kiến ngày 18/4, sinh viên toàn trường sẽ trở lại trực tiếp bình thường.

Một số cơ sở đào tạo ĐH khác thì đã có kế hoạch đón sinh viên trở lại học trực tiếp vào giữa tháng 4. Trong đó này có Học viện Ngoại giao, Tường ĐH Thủy lợi… Các cơ sở giáo dục ĐH đều lưu ý sinh viên trong quá trình học tập trung, cần tuân thủ các hướng dẫn đảm bảo phòng, chống Covid-19. Trong quá trình học tập, nếu sinh viên phát hiện mắc Covid-19 thì phải tự giác cách ly, không được tới trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho giảng viên, sinh viên trong trường.

Trong khi đó, Trường ĐH Thương mại lại quyết định cho sinh viên học trực tuyến đến hết học kỳ 2. Đại diện nhà trường cho biết, do thời gian học tập còn lại của học kỳ 2 năm học 2021 - 2022 không còn dài, vừa để đảm bảo an toàn cho người học trong bối cảnh dịch bệnh, nhà trường quyết định cho sinh viên các khóa K55, K56, các lớp liên thông, văn bằng 2,… tiếp tục triển khai kế hoạch học tập theo hình thức trực tuyến cho đến hết học kỳ 2. Ngoài ra, việc tổ chức thi kết thúc học phần học kỳ 2 cũng diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Xem xét tổ chức bán trú cho học sinh

Sau khi triển khai cho học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 khi học trực tiếp, Sở GDĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc xem xét tổ chức hoạt động bán trú cho học sinh các khối lớp này. Theo đó, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại địa phương, trên cơ sở kế hoạch tổ chức và nhu cầu hoạt động bán trú của các trường, các cơ sở giáo dục, xem xét và quyết định cho phép các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn được tổ chức hoạt động bán trú khi học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 đi học trực tiếp.

Các trường, các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình và điều kiện của từng đơn vị xây dựng phương án tổ chức hoạt động bán trú khi học sinh đi học trực tiếp để đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của đơn vị và nguyện vọng của phụ huynh học sinh, chủ động báo cáo và xin ý kiến phê duyệt của UBND các quận, huyện, thị xã.

Sở GDĐT lưu ý, việc tổ chức hoạt động bán trú phải thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Các trường, các cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.

Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ tại ngay tại lớp học; giãn cách tối đa theo điều kiện của từng lớp. Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn. Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường). Bảo đảm an toàn thực phâm theo đúng quy định.

Trước đó, Bộ GDĐT đã có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo Sở GDĐT Hà Nội phối hợp với Sở Y tế và các quận, huyện rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục để tổ chức ăn bán trú khi trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại. Bộ cũng đề nghị thành phố có quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ em mầm non, học sinh trên nguyên tắc: hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp, ưu tiên tổ chức ăn nghỉ tại lớp học; học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung đồ dùng cá nhân; đảm bảo vệ sinh khử khuẩn khu vực nhà ăn, bếp ăn và an toàn thực phẩm.

Bao giờ trẻ được học trực tiếp?

Đó là câu hỏi, là sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh có con đang ở độ tuổi mầm non, tiểu học ở Hà Nội. Không chỉ phụ huynh quan tâm, các nhà trường cũng mong chờ từng ngày mở cửa trường để đón học sinh mầm non và từ lớp 1 đến lớp trở lại trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, thầy cô đều rất mong mỏi việc đón trẻ quay lại trường. Nhưng quyết định cho trẻ tiểu học tới trường vào thời điểm này hay không vẫn phải phụ thuộc vào chỉ đạo chung của thành phố.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, tuần qua số ca Covid-19 giảm sâu, tỉ lệ tử vong ở mức rất thấp, tuy nhiên, “phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro”.

Việc Hà Nội vẫn chưa cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường với lý do chờ tiêm vaccine là một quyết định được đánh giá là quá thận trọng. Bởi, đến thời điểm này, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên cả nước đều chưa được tiêm vaccine nhưng rất nhiều địa phương đã cho học sinh lứa tuổi này đến trường, trong đó có TPHCM.

Được biết, kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Hà Nội đã cơ bản hoàn thành. Theo thống kê, hiện thành phố có khoảng 1 triệu trẻ trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi.

Trẻ đã F0 có nên tiêm vaccine phòng Covid-19?

Theo kế hoạch, từ tháng 4/2022, cả nước sẽ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đến nay, các địa phương đã và đang gấp rút chuẩn bị, chờ Bộ Y tế “phát lệnh” là triển khai. Các cuộc thăm do ý kiến phụ huynh cũng đã được nhiều nơi tiến hành. Song, trước thực tế thời gian qua có nhiều trẻ trong độ tuổi tiêm vaccine phòng chống Covid-19 đã bị nhiễm Covid-19, do vậy, nhiều phụ huynh băn khoăn: Có nên cho con tiêm hay không?

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ thống nhất bằng văn bản về việc thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ sau 3 tháng bị nhiễm Covid-19.

Theo BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Nhi Trung ương), Hội đồng tư vấn khuyến cáo với trẻ từng mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên, tùy từng tình huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng này không. Bên cạnh đó, thời gian gần đây đã xuất hiện một số trẻ sau mắc Covid-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C, Hội đồng tư vấn khuyến cáo, khi trẻ bị MIS-C, cần trì hoãn đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý.

Ngoài ra, những trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng, trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính. Các trường hợp cần thận trọng tiêm chủng là nhóm trẻ tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; bé rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý…

Những đối tượng phải khám, sàng lọc, tiêm tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên là trẻ từng có hội chứng MIS-C; trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc khi khai thác tiền sử thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc…).

M.HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên trở lại học trực tiếp, học sinh thì sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO