Smart phone 'soi' thịt lợn bẩn

Ngọc Hoa 31/07/2016 09:35

Lâu nay việc phân biệt thịt an toàn với kém chất lượng luôn là bài toán khó với người nội trợ. Để hỗ trợ người tiêu dùng, Sở Công thương vừa báo cáo UBND TP HCM về giải pháp đảm bảo an toàn đối với thịt heo bằng ứng dụng công nghệ thông tin. 

Được Sở Công thương giao thực hiện đề án, Hội Công nghệ cao TP HCM đã thiết kế một ứng dụng miễn phí có thể cài đặt trên điện thoại để soi vào thịt heo nhằm nhận biết nguồn gốc, cách chăm sóc, giết mổ như thế nào. Công nghệ này dựa trên nền tảng “Te-card” của châu Âu. Theo quy trình, heo tại các trại chăn nuôi được đeo một vòng nhận diện vào hai chân sau. Chiếc vòng sẽ kích hoạt chế độ theo dõi cho đến khi con heo xuất chuồng. Nếu đạt chuẩn, heo được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y điện tử.

Trong quá trình mổ, người kiểm dịch xác nhận đủ tiêu chuẩn bằng cách đóng mộc lên heo, đóng tem vệ sinh thú y điện tử. Khi thịt đến chợ, ban quản lý, nhân viên kiểm dịch dùng máy chuyên dụng để kiểm tra nguồn gốc. Họ chỉ chấp nhận heo có mã xác nhận nhập hàng, số thịt đúng mã sẽ được niêm phong trong các thùng rồi giao tiểu thương bán. Tiểu thương dùng smartphone kích hoạt “tem tiểu thương” lên tờ in mã vạch, sau đó dán tem có mã vạch lên miếng thịt cân cho khách. Quy trình nghe nói thì có vẻ hơi phức tạp nhưng chi phí truy xuất nguồn gốc cho một con heo từ trang trại đến bàn ăn chỉ mất 9.800 đồng.

Dự kiến chương trình sẽ triển khai thí điểm tại 12 lò giết mổ tập trung, 2 chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn. 5 chợ: Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông cùng chuỗi siêu thị Co.opmart, Satra, Vissan và Sagrifoods cũng nằm trong diện thí điểm. Sau thử nghiệm với thịt heo, TP HCM sẽ triển khai mở rộng ra các mặt hàng như rau, củ quả…

Đây có lẽ là một tin vui đối với người tiêu dùng. Đem thông tin này chia sẻ với một vài người tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP HCM) đa phần đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Chị Hạnh, người buôn bán ở chợ lâu năm chia sẻ, tiểu thương chúng tôi giờ cũng mong nhà quản lý có những chế tài, giải pháp như này để nguồn thực phẩm có thể đảm bảo an toàn tới tay người tiêu dùng. Thế nhưng chị cũng băn khoăn khi vì lợi nhuận, một số tiểu thương có thể sử dụng không đúng mục đích. Họ có thể mang dán lên những thực phẩm trôi nổi, chưa qua kiểm dịch. “Như thế thì đúng là con sâu làm rầu nồi canh. Đề nghị ngành chức năng lưu ý về vấn đề này”, chị Hạnh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Smart phone 'soi' thịt lợn bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO