Sợ hay ích kỷ?

Tinh Anh 29/06/2021 10:00

Thông tin cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên phải vất vả lắm mới tìm được một nữ bệnh nhân Covid-19 cố tình lẩn trốn, khiến dư luận xã hội không khỏi giật mình. Cộng đồng lo lắng cũng phải thôi khi mà có một người mang mầm bệnh lây nhiễm nguy hiểm lại “lang thang” ngoài xã hội, có thể truyền bệnh cho bất cứ ai.

Một số ý kiến cho rằng, tâm lý chung của nhiều người là bệnh nhân hay F1, F2... rất sợ bị “bế” đi chữa bệnh hoặc cách ly tập trung, nên đã tìm cách để trốn tránh. Nỗi sợ đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: Cô đơn, sợ bị lây nhiễm chéo Covid-19 trong khu cách ly, sẽ sợ bị nhiễm bệnh. Có người lại sợ đi cách ly sẽ mất mối làm ăn, phá sản...

Luồng ý kiến khác lại cho rằng, đó chỉ là sự ngụy biện cho hành vi ích kỷ, coi thường pháp luật của mà thôi. Đi chữa bệnh hay cách ly tập trung là điều bắt buộc với mỗi bệnh nhân hay những người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, để đảm bảo an toàn cho cả xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19.

Nếu ai cũng ích kỷ, chỉ vì không muốn buồn chán, sợ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung... mà tìm cách lẩn tránh thì làm sao có thể khống chế, kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19? Đó phải được coi là hành vi vô trách nhiệm, cố tình vi phạm pháp luật, gây hại cho cộng đồng cần phải bị lên án, xử lý nghiêm để răn đe.

Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần... bỏ trốn không chịu đi cách ly, thiếu hợp tác với cơ quan chức năng đã gây ra nguy cơ bùng phát đại dịch trong cộng đồng. Ấy vậy mà đối tượng F0 (người bệnh) cố tình lẩn trốn thì thật vô cùng nguy hiểm, hậu quả khó tưởng tượng nổi.

Hiện còn quá sớm để nói rằng trong quá trình lẩn trốn cơ quan chức năng, nữ bệnh nhân tại Phú Yên đã truyền nhiễm SARS-CoV-2 cho ai hay chưa. Nếu, chỉ là nếu thôi, ở mỗi địa phương lại có một hoặc vài đối tượng F0 cố tình trốn tránh việc đi chữa bệnh bắt buộc, “tung tăng dạo chơi” ngoài cộng đồng, liệu biết đến bao giờ cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 mới thành công?

Song, nói gì thì nói, trong việc những người bệnh, hay F1, F2 bỏ trốn, ngoài thói ích kỷ của họ, còn có trách nhiệm không nhỏ của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng. Chẳng phải theo quy định, tất cả các F2 dù được cách ly tại nhà, nhưng y tế phường, tổ dân phố... luôn phải để mắt, giám sát hay sao? Vì sao họ có thể tự do đi lại, kể cả bỏ trốn?

Đáng tiếc, không chỉ có các F2 thay vì cách ly tại nhà lại đi chơi, tụ tập ăn cưới, ăn giỗ... cả F1 cũng đã có người bỏ trốn, thậm chí thuê hoặc “nhờ” người đi cách ly hộ. Thực tế đã từng xảy ra ít nhất hai vụ F1 tráo đổi người đi cách ly tập trung hộ.

Từ những tiền lệ xấu đó, đã có người học theo, cố tình chống đối lực lượng chức năng. Nào là F1 cố thủ trên gác không chịu đi cách ly tập trung khiến lực lượng công an phải điều cả xe thang đến cưỡng chế; nào là F1 đi đánh golf, tụ tập ăn nhậu...

Thật may hầu hết những “phi vụ” đó thì rồi cơ quan chức năng cũng phát hiện được. Vì thế chúng ta mới khống chế, kiểm soát được đại dịch Covid-19, không để bùng phát rộng ra cộng đồng xã hội. Song, cái sự may mắn đó không thể lặp đi lặp lại mãi, nếu thói xấu, sự ích kỷ không bị dẹp bỏ.

Muốn dẹp bỏ sự ích kỷ cá nhân, những thói xấu chống đối cơ quan chức năng trong phòng, chống đại dịch Covid-19, thì chỉ phạt hành chính là chưa đủ, mà cần có chế tài mạnh hơn. Chẳng phải tháng 3/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có hướng dẫn cụ thể để xử lý hình sự những hành vi liên quan hay sao?

Trở lại câu chuyện nữ bệnh nhân Covid-19 tại Phú Yên bỏ trốn vào vườn mía, khiến lực lượng chức năng phải “mướt mồ hôi” mới có thể tìm được. Hành vi bỏ trốn không chịu đi chữa bệnh bắt buộc của người phụ nữ này đã gây nguy hiểm, khiến cộng đồng dân cư địa phương ở vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi mà đại dịch đang bùng phát.

Chiếu theo Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì người phụ nữ này có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, quy định về hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Song, dù có xử lý cách gì thì cộng đồng cũng đã bị một phen hú vía, hoảng hồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sợ hay ích kỷ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO