Số hóa khám, chữa bệnh: ‘Bệ phóng’ cho ngành y tế

Đức Trân 29/10/2021 06:15

Ghi nhận thực tế cho thấy, ngành y tế đang đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ, đặc biệt là tại các cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, việc triển khai này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh.

100 % bệnh viện đã ứng dụng công nghệ

Thống kê của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cho thấy, hiện 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm y tế đạt 99,5%;

Có 20 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng; Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… ; Có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

Với nội dung liên quan đến hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định, Lâm Đồng, Phú Thọ, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang, Quảng Bình…

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trong buổi sáng ngày 28/10 tại Khoa Khám chữa bệnh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngay từ sáng sớm, nhiều bệnh nhân từ các tỉnh, thành đã có mặt tại đây để chờ đăng ký khám. Tại khu vực khám bệnh của bệnh viện dành cho những trường hợp thăm khám theo diện bảo hiểm y tế và những bệnh nhân khám thông thường, nhiều quầy đăng ký khám bệnh đã được bệnh viện bố trí thông thoáng, linh hoạt, tránh tình trạng tụ tập đông người.

Bên cạnh đó, nhằm giảm tải cho nhân viên y tế cũng như tạo thuận lợi cho người bệnh đến khám, bệnh viện đã lắp đặt các cây đăng ký khám bệnh tự động tại các tầng. Tại những điểm đăng ký khám bệnh tự động này sẽ có nhân viên của bệnh viện túc trực, trực tiếp hướng dẫn người bệnh cách đăng ký và lấy số.

Đăng ký khám, chữa bệnh tự động được nhiều bệnh viện thực hiện hiệu quả. Ảnh: Minh Luân.

Quy trình thuận lợi hơn

Nhiều năm đưa người nhà đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Phạm Quang Hải (Nam Định) nhận thấy thủ tục khám bệnh tại bệnh viện trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi tích cực, thuận lợi cho người bệnh đến khám.

“Đây là năm thứ 7 người nhà tôi theo khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Hai tháng một lần tôi phải đưa người nhà lên đây để khám bệnh. Thời gian gần đây thủ tục khám, chữa bệnh ở bệnh viện đã có nhiều thay đổi. Các bước đã được rút ngắn hơn, không còn tình trạng xếp hàng dãy dài chờ để đăng ký. Những năm trước, mỗi lần đăng ký cho người thân khám bệnh, 4h sáng tôi đã phải đến để xếp hàng lấy số. Khi ra đến nơi thì có những người họ còn ra sớm hơn mình, ngồi vật vờ, chen nhau để chờ đến lượt đăng ký khám. Đối với những người khám theo bảo hiểm y tế hoặc theo giấy hẹn của bác sĩ cũng dễ dàng đăng ký hơn khi sử dụng phần mềm đăng ký khám tự động được đặt ở các tầng”- anh Hải chia sẻ.

Cũng theo anh Hải, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà thủ tục nhập viện đối với những bệnh nhân cấp cứu từ tuyến dưới chuyển lên được nhanh gọn hơn. Trước khi có quyết định chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai này, bệnh viện tuyến dưới sẽ liên hệ trực tiếp với bệnh viện tuyến trên để chuyển hồ sơ bệnh án qua hệ thống internet. Khi bệnh nhân được chuyển lên chỉ cần làm nốt các thủ tục còn lại.

Đối với khu khám bệnh theo yêu cầu, tại Bệnh viện Bạch Mai cũng như các bệnh viện tuyến đầu đã triển khai thẻ khám bệnh thông minh. Thẻ khám chữa bệnh thông minh giúp cho việc đăng ký khám, chữa bệnh được thuận tiện hơn, giảm thời gian chờ đợi, giảm thủ tục hành chính, bảo đảm kết quả nhanh chóng. Dữ liệu bệnh nhân được lưu trữ vào hệ thống y bạ điện tử.

Ứng dụng công nghệ vào khám chữa bệnh từ xa.

Cần đẩy nhanh tiến độ

Mặc dù vậy, đối với nhiều người dân, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành y tế vẫn còn đang rất chậm. Anh Đỗ Mạnh Dũng, 40 tuổi (Hà Nội) chia sẻ: Đồng ý rằng hiện nay đi khám bệnh có những tiện lợi hơn trước rất nhiều, ít có tình trạng phải xếp hàng chờ từ sáng sớm. Nhưng tôi chưa hiểu ngành y tế đã ứng dụng 4.0 thế nào. Ngay việc nhỏ nhất là tôi đi khám chữa bệnh muốn quẹt thẻ, không phải dùng tiền mặt mà cũng chưa được.

Cùng với đó, tại nhiều bệnh viện, việc triển khai bệnh án điện tử vẫn chưa được như mong đợi, người dân vẫn cần bệnh án giấy để khám, chữa bệnh.

TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E thừa nhận: “Chuyển đổi số tại Bệnh viện E chưa thực hiện được hoàn toàn để có bệnh án điện tử. Bệnh viện E đặt kế hoạch đến năm 2023 sẽ thực hiện được bệnh án điện tử. Hiện bệnh viện đã có phần mềm quản lý hồ sơ bệnh nhân, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, quản lý thuốc, kết nối với Bảo hiểm y tế và các hoạt động đào tạo. Bệnh viện vẫn áp dụng bệnh án song song với phần mềm trên máy tính và đang từng bước số hoá để đạt mục tiêu đề ra”.

Cũng theo ông Hựu, nguyên nhân chính ở đây là do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa có sự phát triển đồng đều giữa các tỉnh. Nhiều tỉnh chưa có cơ sở hạ tầng để thực hiện số hoá. Thứ hai, phần mềm của nhiều bệnh viện chưa liên thông với nhau do các bệnh viện thuê các nhà cung cấp phần mềm khác nhau. Thứ ba, nguồn lực tài chính đầu tư cho trang thiết bị và phần mềm chưa đủ và đồng đều giữa các bệnh viện, nhất là khi nhiều bệnh viện đã tự chủ tài chính và không còn nhận nguồn ngân sách nhà nước.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho hay, Bộ đang triển khai Đề án thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Một số bệnh viện cũng đang triển khai việc này.

“Tôi khẳng định rằng khám chữa bệnh từ xa không thể thay thế khám, chữa bệnh truyền thống, nhưng đây sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp xoá nhoà giới hạn giữa các tuyến. Khi đó, y tế tuyến trên không còn quá tải, tuyến dưới được nâng cao trình độ, người dân được hưởng lợi, tiết kiệm chi phí đi lại” - ông Khuê nói.

TS. BS Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương: Áp dụng bệnh án điện tử trong tương lai gần

Bệnh viện đóng vai trò quan trọng vì ngành y tế muốn chuyển đổi số thì cần bắt đầu từ các bệnh viện. Các bệnh viện phải tiến hành chuyển đổi số đồng bộ và kết nối phần mềm với nhau và với Bộ Y tế, cơ quan Bảo hiểm y tế. Đồng thời, cơ sở hạ tầng của các bệnh viện cũng phải tương đồng để kết nối các bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong khám, chữa bệnh. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đang từng bước chuyển đổi số để tiến tới mục tiêu thực hiện bệnh án điện tử trong tương lai gần.

Dù vậy, khi thực hiện chuyển đổi số, trình độ của một số cán bộ chưa thể đáp ứng khi thay đổi từ bệnh án giấy sang thực hiện trên máy tính, nên cần đào tạo thêm hoặc có thể phải chuyển sang bộ phận khác, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của họ. Thứ hai, khi thực hiện hoàn toàn trên nền tảng kỹ thuật số, các công việc được minh bạch, hạn chế một số bất cập trước đây.

TS. BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E: Chấp nhận kết quả xét nghiệm liên thông giữa các cơ sở y tế

Việc thực hiện chuyển đổi số của bệnh viện có vai trò hết sức quan trọng trong nhiệm vụ chung của ngành, đảm bảo chất lượng cho công tác chuyên môn, chăm sóc sức khỏe người bệnh, cải thiện thủ tục hành chính, giúp cho vấn đề quản lý và minh bạch trong các hoạt động khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực ngành y tế và nghiên cứu khoa học.

Theo quan điểm của tôi, với chất lượng xét nghiệm như hiện nay, hệ thống máy móc hiện đại, các bác sĩ đều được đào tạo chính quy đồng đều giữa các tuyến thì việc chấp nhận kết quả liên thông là điều nên làm để tiết kiệm nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, trong điều trị lâm sàng, khi các bác sĩ lâm sàng nghi ngờ cần thiết làm lại thì sẽ chỉ định xét nghiệm lại để đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.

Đ.Trân(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số hóa khám, chữa bệnh: ‘Bệ phóng’ cho ngành y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO