Số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản

Lê Bảo 01/03/2023 08:00

Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến tại diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”, diễn ra ngày 28/2.

Truy xuất nguồn gốc nông sản đang được mở rộng. Nguồn: CHG.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Nông sản Việt hiện đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều đó cho thấy uy tín và vị thế ngày càng cao của nông sản Việt trên thị trường quốc tế; giúp kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD.

Tuy nhiên, thành tựu luôn song hành với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, là việc nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó, có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc. Vì vậy truy xuất nguồn gốc là một trong nhữngvấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp (DN), do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Đánh giá việc truy xuất nguồn gốc rất quan trọng với DN, ông Vũ Việt Chiến - Tổng giám đốc Công ty Giải pháp và công nghệ Sao Việt, cho rằng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nông sản đang là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm. Hiện nay, nhiều tổ chức xã hội, nhà khoa học… đưa ra những giải pháp mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn nên chưa đạt được hiệu quả cao nhất cho toàn xã hội.

“Nhà hoạch định chính sách đã có những giải pháp giải quyết tận gốc rễ vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thế nào? Làm cách nào để thực hiện việc này một cách đơn giản, dễ dàng, mang lại kết quả thực chất, rõ ràng cho người nông dân" - ông Chiến băn khoăn.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ, nguyên tắc để quản lý truy xuất nguồn gốc là chúng ta kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký mã số thì trước tiên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Số hóa, giải pháp minh bạch sản phẩm

Các chuyên gia nhận định việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng là việc của mỗi người, của cả cộng đồng cùng chung tay nhằm thay đổi tư duy sản xuất, chứ không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, HTX, DN, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Trong đó, việc số hóa, khoa học công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Nhận định về tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ông Howard Hall - Cố vấn cao cấp ACIAR cho biết, công nghệ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ trở nên minh bạch, qua đó, các sản phẩm nông sản, thực phẩm khi tới tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng tốt và đầy đủ thông tin theo nhu cầu của người tiêu dùng nhất.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng, muốn thúc đẩy số hoá trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan nhà nước cần tạo thành những hướng dẫn để DN dễ hiểu hơn. Đó là phần quan trọng số một.

Cũng theo bà Thực, để ứng dụng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc thì nền tảng ứng dụng cho nó phải linh hoạt. Không thể đưa nền tảng đồng nhất ứng dụng cho tất cả mọi nơi được. Ví dụ, trong quá trình làm hồ sơ về mã số vùng trồng, thì khoảng 70 - 80% là sao chép của người nọ sang người kia.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ NN&PTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức. Hiện hệ thống đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 DN với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Nam, để hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Bộ NN&PTNT hoạt động thực sự hiệu quả, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng Truy xuất nguồn gốc quốc gia. Do đó, truy xuất nguồn gốc nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung.

Hiện Việt Nam có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1…Ông Lương Phước Vinh - Giám đốc khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn Tentamus) cho rằng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản không chỉ là quản lý trong chuỗi cung ứng, mà còn cung cấp thêm thông tin cho nông dân nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của từng nhà nhập khẩu hay thị hiếu của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO