Sơ tán người dân tại khu vực xung yếu trước khi bão số 10 đổ bộ

Quang Khánh 04/11/2020 16:52

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu rà soát các khu dân cư có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 10 đang có diễn biến, hướng đi phức tạp. Dự báo hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn trên địa bàn các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên.

Hiện chính quyền, người dân và các cơ quan chức năng tại các địa phương trên đang tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ cấp bách cuối cùng trước khi bão đổ bộ. Trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập sâu để có phương án di dời người dân đến nơi an toàn.

Tại Bình Định, trước tình hình nhiều vụ sạt lở núi xảy ra tại miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan sớm hoàn thiện việc khảo sát, đánh giá, phân vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh.

165 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện đang chứa 180 triệu m3 nước, trong đó có 15 hồ chứa hư hỏng nặng, xung yếu được yêu cầu hạn chế tích nước và bố trí lực lượng thường trực tại các hồ này để kịp thời xử lý tình huống.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, TP khẩn trương rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu để chủ động triển khai phương án sơ tán người, tài sản.

Đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, qua khảo sát sơ bộ toàn tỉnh có 59 điểm có nguy cơ sạt lở tại 6 huyện, nhiều nhất là ở huyện An Lão và đã lên phương án cụ thể ứng phó nếu xảy ra mưa lũ lớn.

Ngư dân thành phố Tuy Hòa, Phú Yên neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Ngày 3/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, đã ký ban hành lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển khi bị ảnh hưởng của cơn bão số 10. Thời gian thực hiện cấm biển từ 9h ngày 4/11.

Bên cạnh việc ban hành lệnh cấm biển, UBND tỉnh Phú Yên cũng có công điện yêu cầu các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình bão, mưa lũ, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp để ứng phó bão số 10 và mưa lũ kịp thời, hiệu quả; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, thời gian hoàn thành trước 18h ngày 4/11.

Trước dự báo bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền vào chiều 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng vừa ký công điện yêu cầu các ban, ngành, đơn vị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở, nơi đóng quân nằm ở những khu vực trọng điểm, xung yếu. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực để tránh bão số 10.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư những dự án đã và đang triển khai, tiến hành tháo dỡ các hạng mục thi công gây ách tắc dòng chảy, rào chắn, cắm biển cảnh báo. Đặc biệt là các dự án nằm ở khu vực đông dân cư, ven đồi núi nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Ngoài ra, các đơn vị quản lý hồ chứa phải tính toán lưu lượng nước về hồ, điều tiết mức xả hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

Trên khu vực Bắc Tây Nguyên, trước dự báo bão số 10 gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo địa bàn được phân công chủ động tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh. Tổ chức trực 24/24 giờ trong thời gian xảy ra bão lũ.

Tổ chức rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết, các công trình, nhà ở không đảm bảo an toàn để chủ động tổ chức, sơ tán, di dời người và tài sản. Sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng; bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay (4/11), Sở GTVT Kon Tum sẽ tiếp nhận, vận chuyển và lắp đặt cầu tại Km6+684, đường từ thị trấn Đăk Rve đi xã Đăk Pne, thuộc huyện Kon Rẫy. Trước đó, tuyến đường huyện vào xã Đăk Pne (ĐH 22) do lũ lớn đã cuốn trôi hoàn toàn cầu dàn sắt làm 3 thôn (thôn 2, 3, 4 của xã Đăk Pne) với 438 hộ/1.466 khẩu đã bị chia cắt hoàn toàn.

UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sơ tán người dân tại khu vực xung yếu trước khi bão số 10 đổ bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO