Sợi dây nguồn cội

Nguyên Khánh 23/07/2018 09:00

Vào thời điểm này hằng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao thực hiện một việc làm rất ý nghĩa: Tổ chức cho thanh thiếu niên kiều bào, những người không được sinh ra tại quê hương Việt Nam được trở về nguồn cội tham dự chương trình trại hè Việt Nam. Trại hè Việt Nam không chỉ là kỳ nghỉ hè đơn thuần mà từ lâu nó trở thành sợi dây kết nối giữa những tấm lòng với những tấm lòng của những người trẻ sống xa quê hương đất nước.

Sợi dây nguồn cội

Về với đất mẹ yêu thương, cảm nhận được những truyền thống tốt đẹp từ ngàn năm để lại.

Trại hè Việt Nam đã và đang được tổ chức (từ 10/7 đến 25/7). Với chủ đề “15 năm - Nối vòng tay lớn”, Trại hè Việt Nam 2018 có ý nghĩa trong việc kết nối, cổ vũ tinh thần đoàn kết gắn bó, tăng tính tương tác giữa các đại biểu Trại hè với nhau cũng như với các thế hệ trẻ người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Kể từ năm 2004, sau 14 năm hoạt động, Trại hè Việt Nam đã thu hút sự tham gia của gần 2.000 thanh niên, sinh viên người Việt Nam từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đại biểu là những gương mặt xuất sắc trong các lĩnh vực học tập, thể thao, nghệ thuật có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng cộng đồng, được lựa chọn kỹ từ cộng đồng người Việt Nam ở các quốc gia trên thế giới để họ được trở về với cội nguồn thêm hiểu, thêm yêu quê hương Việt Nam.

Như vậy, Trại hè Việt Nam không đơn thuần là một kỳ nghỉ cho thanh niên kiều bào khi về thăm quê hương. Đây là nơi để các học sinh, sinh viên kiều bào từ các quốc gia trên thế giới được hội ngộ, chia sẻ những kinh nghiệm trong học tập và cuộc sống ở nước ngoài đồng thời giao lưu với thanh, thiếu niên trong nước.

Qua trại hè, về với đất mẹ yêu thương, cảm nhận được những truyền thống tốt đẹp từ ngàn năm để lại, nhìn thấy đất nước đang từng ngày phát triển cùng với quá trình mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới, các đại biểu đều thầm hứa với lòng mình, khi trở lại nơi mình đang sinh sống, học tập, sẽ là sứ giả để mang hình ảnh đẹp nhất của Việt Nam, tuyên truyền và quảng bá với bạn bè trên toàn thế giới

Nói là làm, các thế hệ thanh niên tham gia từ những năm đầu khi diễn ra trại hè Việt Nam đều đã trưởng thành. Nhiều bạn trẻ đã rất thành công trong các lĩnh vực từ kinh doanh, giảng dạy trong các trường đại học, làm việc trong các viện nghiên cứu hoặc cho các tập đoàn lớn trên thế giới, hoặc trở về nước lập nghiệp. Và dù sinh sống ở đâu, làm bất cứ công việc gì nhưng họ không quên mình là người Việt Nam, luôn đóng góp tích cực xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh.

Điều đặc biệt của những cuộc tắm mình trong tình yêu nguồn cội ấy có không ít các bạn trẻ là thế hệ thứ 2, 3 không được sinh ra tại Việt Nam đã có những quyết định táo bạo: Trở về, lập nghiệp trên quê hương Việt Nam.

Daniel Hoài Tiến, kiều bào ở Mỹ chia sẻ, từ nhỏ đến lớn Tiến không phải học một câu tiếng Việt nào. Cho đến khi anh quyết định học một ngoại ngữ khác, và anh đã chọn… tiếng Việt. Tại lớp học này, lần đầu tiên anh được cô giáo giải nghĩa cái tên Việt Nam của anh, điều mà cha mẹ anh chưa bao giờ làm. Hoài Tiến cảm thấy như được thức tỉnh. Thế là dòng máu Việt thôi thúc anh trở về quê hương. Và với những lần trở về sau đó, được sống trong tình yêu thương của mọi người, Tiến nghĩ, mình cần phải làm điều gì đó cho quê hương Việt Nam. Thế là anh đã có quyết định lịch sử: Trở về làm việc tại quê nhà.

Công việc hiện tại của Daniel Hoài Tiến là chuyên gia tư vấn, hỗ trợ bà con dân tộc miền núi phía Bắc phát triển sinh kế bền vững từ các sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn thiên nhiên. Bằng trách nhiệm và tình yêu với quê hương, trong thời gian tới, anh sẽ cùng các kiều bào trẻ khác tiếp tục có các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế, để các bạn trẻ người Việt Nam ở các nước hiểu và thêm yêu đất nước mình. Giờ đây, sau 2 năm sống và làm việc tại Việt Nam, anh đã là một người Việt 100% với vốn hiểu biết sâu sắc về dân tộc học và ấp ủ nhiều dự án đem lại lợi ích cho người dân tộc thiểu số.

Những người trở về hiểu, thêm yêu và có hành động thiết thực để thế giới hiểu hơn về Việt Nam rất nhiều. Ông Vũ Hồng Quang- Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ: Quê hương, hai tiếng thiêng liêng ấy nhắc nhở chúng ta về nguồn cội về đất mẹ thân yêu mang những người con đất Việt đến gần nhau hơn. Trong những năm qua, mỗi trại hè là một dịp để thế hệ thanh niên kiều bào trải nghiệm các vùng miền đất nước. Thế hệ thanh niên đi trước là cầu nối trong và ngoài nước, đóng góp thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè thế giới. Nhờ những chiếc cầu nối “Xuân quê hương”, “Trại hè Việt Nam” người Việt đặc biệt là các bạn trẻ ngày càng thêm hiểu, thêm yêu và có nhiều hành động thiết thực với quê cha đất tổ. Những hành động này thể hiện tấm lòng của kiều bào nói riêng, cũng như người dân Việt Nam nói chung đó là, dù đi đâu, sống ở đâu vẫn hướng về cội nguồn dân tộc.

Và chắc chắn rồi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam, trái tim họ luôn đập cùng nhịp với quê cha đất tổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sợi dây nguồn cội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO