Sôi động chợ online

Minh Phương 18/08/2021 08:00

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hầu hết người dân Thủ đô đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chống dịch. Rất kịp thời khi chợ cóc và nhiều chợ truyền thống bị tạm ngưng hoạt động, nhiều tiểu thương đã chuyển sang hình thức bán hàng online, vừa chống dịch, vừa tăng thu nhập.

Tăng thu nhập nhờ bán hàng online

Thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các khu vực chợ dân sinh như chợ Nhân Chính, Thành Công, Ngọc Hà... người dân đều được phát phiếu đi chợ vào khung giờ nhất định. Tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh nên nhiều người dân đã thay việc đi chợ truyền thống bằng việc mua hàng online.

Bà Trần Thu Hường (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, dịch bệnh bùng phát mạnh nên hạn chế tối đa việc đi ra ngoài thời điểm này là tốt nhất. Theo bà Hường, trước đây ngày nào bà cũng đi chợ, tuy nhiên, từ đợt Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đến nay, cả hai ông bà (chồng bà Hường) đều không bước chân ra khỏi nhà.

“Để bảo đảm tốt nhất việc phòng dịch, tôi hạn chế ra ngoài, đến trực tiếp các chợ hay siêu thị như trước đây. Thời điểm này, tôi có mối mua hàng online nên chỉ việc gọi điện là họ giao hàng tận nhà. Chính vì thế hơn hai tuần nay, thực phẩm đồ ăn vẫn đầy đủ mà lại hạn chế được việc đi ra ngoài, tránh nguy cơ lây nhiễm” – bà Hường nói.

Chị Phương Thùy, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ dân sinh khu vực Nhân Chính (Thanh Xuân , Hà Nội) cho biết, từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, sạp thịt lợn của chị phải tạm thời đóng cửa để chống dịch, nhưng rất nhiều khách quen gọi điện hỏi mua nên chị đã quyết định bán hàng online. Theo chị Thùy, khách chỉ việc nhắn tin, gọi điện báo số lượng cần mua và chuyển tiền qua tài khoản, chị sẽ giao đến tận nơi.

“Vì là hàng thiết yếu, lại giao quanh khu dân cư, có khi chỉ cần đi bộ giao hàng nên việc đi lại cũng không gặp khó khăn” – chị Thùy chia sẻ. Chị Thùy cũng cho biết, lúc đầu phải ngừng bán hàng, tôi cũng rất lo lắng, vì thu nhập của cả gia đình phụ thuộc chính vào quầy thịt lợn, rất may là có thể quay sang bán hàng online nên không bị giảm thu nhập như lo lắng ban đầu.

Còn đối với chị Huệ, chủ một cửa hàng rau củ quả tại chợ dân sinh thuộc phường Đội Cấn (quận Ba Đình), bán hàng online cũng đã giúp gia đình chị vượt qua thời điểm khó khăn, tăng thu nhập. Chị Huệ chia sẻ, trong những ngày phải nghỉ bán hàng, chị đã chủ động rao bán hàng trên các trang mạng xã hội.

“Lúc đầu phải ngừng bán hàng, tôi cũng rất lo, không biết sẽ xoay sở thế nào. Tuy nhiên, khi lên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, nhiều người quen, bạn bè cứ hỏi mua hàng nên tôi đã quyết định bán online. Ai cần và đặt hàng thì giao và không đi ra ngoài khu vực mình ở để đảm bảo an toàn tốt nhất” – chị Huệ nói.

Việc mua bán hàng online vừa giúp người dân tăng thu nhập, vừa giúp phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Hạn chế thấp nhất các hình thức tiếp xúc

Tại khu vực chợ Hợp Nhất (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) khác với ngày thường, những ngày giãn cách xã hội chợ tạm ngưng hoạt động để đảm bảo tốt nhất việc phòng chống, dịch. Nhiều người dân phường Yên Hòa cũng đã chuyển sang đi chợ online, hoặc hình thức “đi chợ hộ” để đặt hàng.

Theo bà Trần Hải Yến, Phó Chủ tịch Phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) thời gian qua, phường Yên Hòa đã dừng hết các chợ tạm, chợ cóc. Cùng với đó, phường đã thiết lập vùng xanh để tất cả người dân khi mua hàng thiết yếu có thể đặt hàng, lấy hàng thông qua vùng xanh. Các trường hợp đặt hàng, giao hàng đều thực hiện ở vùng xanh – nơi không có nguy ca nhiễm Covid-19 và không có nguy cơ lây nhiễm .

“Phường Yên Hòa hiện nay có 25 điểm “Chốt tự quản vùng xanh”, bố trí nhân lực để người dân đến nhận hàng, người bán đến giao hàng. Như vậy sẽ hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người mua và người bán, đảm bảo tốt nhất cho việc phòng chống dịch” – bà Yến cho hay.

Việc đi chợ online cũng hoạt động khá nhộn nhịp tại nhiều khu chung cư. Chị Thùy Dương, người dân ở khu chung cư Time City (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hai tuần nay, việc mua thực phẩm đều được chị thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

“Cứ 2,3 ngày, tôi lại đặt hàng một lần, chủ hàng cũng là người quen ở ngay cùng tòa nhà nên việc giao hàng rất thuận tiện. Chỉ cần tầng dưới đi lên tầng trên là đã có thể giao được hàng. Tôi chỉ việc chuyển khoản tiền và đặt số lượng cần thiết, khoảng một tiếng sau là chuông cửa đã reo, ra cửa là hàng đã để sẵn” – chị Thùy Dương cho hay.

Trong thời gian này, việc các chợ truyền thống hạn chế mua bán cũng là lúc các siêu thị và điểm bán thực phẩm đẩy mạnh việc bán hàng trên các kênh trực tuyến và thương mại điện tử. Thông tin từ các siêu thị lớn ở Hà Nội như Vinmart, Big C, Co-op mart, BRG, … đều ghi nhận đơn mua hàng online của người dân trong những ngày qua tăng từ 50-70% so với thời điểm chưa giãn cách.

Thông tin từ Bưu điện Hà Nội cho biết, số lượt khách mua qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn đạt con số gần hơn 1.000 đơn hàng tính từ ngày 24/7, trong đó sản lượng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội đạt hơn 7 tấn và có tốc độ tăng trưởng đạt 70% so với trước khi giãn cách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sôi động chợ online

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO