Sôi động thị trường hàng hóa cuối năm

Khanh Lê 11/11/2022 07:52

Nhiều doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa dự báo, sức mua của người dân có thể tăng từ 10-20% dịp cuối năm 2022 và đầu năm sau. Do vậy sản lượng hàng hóa chuẩn bị cho thị trường cũng phải tăng tương ứng.

Các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán ngay từ quý 3/2022.

Nhu cầu tăng

Theo nhận định của Sở Công thương Hà Nội, hiện nay, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, kinh tế Thủ đô được phục hồi, ổn định, đời sống người dân được cải thiện. Do đó, dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, khả năng cung ứng một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2023 cho khoảng 10,75 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022). Trong đó, nhóm hàng cần bảo đảm nguồn cung dịp Tết gồm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết (măng, miến, mộc nhĩ, bánh mứt kẹo, hoa tươi, cây cảnh...).

Tương tự, Sở Công thương TPHCM ước tính số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ cho tháng Tết Quý Mão 2023 tới gần 40.000 tấn. Bên cạnh đó, TPHCM sẽ xây dựng nguồn hàng bình ổn thị trường; các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường sẽ dự trữ nguồn hàng chiếm 25% - 43% so với nhu cầu của người dân.

Tại Bình Dương, theo đánh giá của Sở Công thương Bình Dương, thị trường đang phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu mua sắm của người dân trong mùa cao điểm cuối năm sẽ tăng cao. Đáp ứng nhu cầu này, Sở Công thương đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường với tổng giá trị hàng hóa dự trữ hơn 6.000 tỷ đồng; riêng giai đoạn Tết Nguyên đán 2023 chiếm 1/3, khoảng 2.100 tỷ đồng.

Theo nhận định của giới chuyên gia, dịch Covid -19 được kiểm soát do đó nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ tăng mạnh. Đây sẽ là dịp để các DN đẩy mạnh doanh số bán lẻ từ thị trường nội địa. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tháng 10/2022 tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Để đáp ứng phục vụ nhu cầu tiêu thụ cuối năm, ngay từ quý 3 nhiều DN đã lên kế hoạch tích trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Đơn cử như MM Mega Market Việt Nam có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng 20 - 30% so với Tết 2022 và 40-50% so với những tháng bình thường trong năm. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%. Tương tự, đại diện nhà bán lẻ WinCommerce cũng nhận định, những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao do có nhiều dịp lễ, Tết. Bởi vậy, hệ thống này đang mở mới thêm hơn 300 siêu thị, cửa hàng Winmart/Winmart+, trong đó, đưa 80-120 cửa hàng WIN đa tiện ích vào hoạt động trong năm 2022. Hệ thống cũng chuẩn bị nguồn hàng tăng 30% so với thời điểm thông thường để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Đảm bảo chất lượng và bình ổn giá

Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tại TP Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở Công thương thành phố đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu 30% ngoài kế hoạch của thành phố giao.

Về hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội dịp Tết, theo báo cáo của Sở Công thương, kênh bán hàng truyền thống sẽ có 28 trung tâm thương mại; Hệ thống siêu thị là 132; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm; 159 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Để đảm bảo chất lượng cũng như giá cả, bà Lan cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định và bảo đảm công tác phòng, chống dịch phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. “Sở Công thương sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan trong kiểm tra, kiểm soát công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Phối hợp các lực lượng chức năng, sở, ngành, quận, huyện, thị xã liên quan để kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… để người dân có thể yên tâm mua sắm” - bà Lan cho biết.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán 2023 về cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. Trước diễn biến của giá thịt lợn trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đang theo dõi sát, thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, dịch bệnh để nhận định năng lực cung ứng cũng như kiểm soát giá cả mặt hàng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sôi động thị trường hàng hóa cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO