Sớm tăng số lượng công trình nghiên cứu quốc tế

Dung Hòa 18/01/2019 07:00

Theo công bố mới nhất tại Hội thảo “Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam” do ĐHQG TPHCM vừa tổ chức, trong số hơn 300 tạp chí khoa học, Việt Nam chưa có tạp chí khoa học xã hội nào được xếp vào danh mục có chỉ số ảnh hưởng cao với quốc tế.

Theo thống kê, trong năm năm từ 2013 – 2018, số lượng công bố ISI (Institute of Scientific Information) thuộc danh mục khoa học xã hội của Việt Nam đã dịch chuyển từ hạng 66 lên hạng 49 của thế giới. Tuy nhiên vẫn đứng sau ba nước trong khu vực là Singapore, Malaysia và Thái Lan.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt- Giám đốc ĐHQG TP HCM cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ một số hạn chế như trình độ ngoại ngữ, kỹ thuật trình bày bài học thuật quốc tế, do nhận thức chủ quan của nhà nghiên cứu, chưa có điều kiện giao lưu học thuật quốc tế, do chi phí thực hiện nghiên cứu còn thấp… Nghịch lý này tồn tại ngay cả ở những đơn vị nghiên cứu và giảng dạy hàng đầu như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Đáng nói hơn, GS.TS Phạm Quang Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng: Nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội vẫn xa lạ với công bố quốc tế.

Theo thống kê của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, từ 7 công bố quốc tế năm 2010 đã tăng lên 79 bài viết năm 2018. Tuy nhiên, thực tế bài viết vẫn chủ yếu tập trung ở một số tác giả nhất định, những người đã từng được đào tạo hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, thường xuyên có công bố quốc tế.

Năm học 2017 - 2018, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất nhưng cũng chỉ mới có 54 cán bộ tham gia viết bài, trung bình 1,5 bài/tác giả. So với tiềm lực của trường với 380 giảng viên, trong đó có 112 GS và PGS, 133 TS và 147 Thạc sĩ, thì số người có công bố quốc tế vẫn rất khiêm tốn. Sở dĩ nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội vẫn xa lạ với công bố quốc tế, nguyên nhân đầu tiên là do quy trình đào tạo hiện nay đã quá lỗi thời, lạc hậu với tình trạng thầy đọc trò chép…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhìn nhận việc số lượng các công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ít ỏi, đã làm hạn chế vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, dẫn đến việc hạn chế đóng góp của ngành khoa học này trong việc phổ biến những giá trị Việt Nam, văn hóa Việt Nam, vai trò của Việt Nam về đối nội, đối ngoại và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Do đó, các đại biểu đề xuất: Việc đầu tư và tăng các công bố quốc tế phải là một yêu cầu hết sức cấp thiết. Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác nghiên cứu lĩnh vực này. Các nhà hoạch định, các nhà khoa học hay các cơ sở đào tạo cũng cần thay đổi nhận thức về nghiên cứu, bỏ cách quản lý và đào tạo lạc hậu để tăng số lượng công trình công bố quốc tế. Đây là hướng đi chiến lược trong hội nhập quốc tế toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sớm tăng số lượng công trình nghiên cứu quốc tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO