Sơn La là địa bàn có địa hình phức tạp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để bà con an cư, lạc nghiệp, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp huy động nguồn lực để xóa nhà tạm cho các hộ nghèo.
Vợ chồng anh Lò Văn Thinh ở bản Sai, xã Mường Sai, huyện Sông Mã vừa dọn về ngôi nhà mới khang trang, điều mà trước đây trong mơ anh cũng không thể nghĩ tới.
Anh Thinh phấn khởi cho biết, gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Ngoài số tiền được hỗ trợ, vợ chồng vay ngân hàng 70 triệu đồng, bà con trong bản giúp ngày công xây dựng. Từ nay, gia đình tôi không còn lo về chỗ ở nữa, tôi sẽ nỗ lực lao động sản xuất để sớm thoát nghèo”.
Xã Mường Sai, huyện Sông Mã có 12 bản, với 1.000 hộ dân. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30%. Từ năm 2021, Đảng ủy xã đã xây dựng Chương trình “Chung tay xóa nhà tạm cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở” là nội dung đột phá. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền trong vận động nhân dân của Mặt trận xã và thôn bản, từ năm 2021 đến nay, xã Mường Sai huy động được gần 860 triệu đồng và 1.000 ngày công làm nhà ở cho 40 hộ thuộc diện hộ nghèo khó khăn về nhà ở.
Đến nay, xã Mường Sai chính thức không còn nhà tạm. Thông qua việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đã tăng thêm tình đoàn kết trong nhân dân, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để vươn lên thoát nghèo và tăng niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trên địa bàn toàn huyện Sông Mã, việc xóa nhà tạm cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, toàn huyện Sông Mã có 1.248 hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch, Ủy ban MTTQ huyện tập trung tuyên truyền vận động, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ để xóa nhà tạm.
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sông Mã cho biết, tổng kinh phí huy động được trong 3 năm 2020 - 2022 để xóa nhà tạm trên địa bàn huyện đạt 27,1 tỷ đồng và số ngày công giá trị tương đương hơn 48 tỷ đồng. Với nguồn lực huy động được, Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp với UBND huyện và các tổ chức, cá nhân triển khai hỗ trợ cho 1.141 hộ nghèo làm nhà mới. Trong năm 2022, việc hỗ trợ cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện đã được hoàn thành; 100% những ngôi nhà được xây mới có diện tích tối thiểu từ 24m2 trở lên, đảm bảo nền cứng, khung cứng, mái cứng.
Huyện Mộc Châu cũng là địa bàn có nhiều đột phá trong xóa nhà dột nát. Gia đình ông Lù A Lứ, là hộ người Mông duy nhất của bản Nà Sánh, xã Tân Hợp thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có đất sản xuất. Nhiều năm qua, 3 thế hệ trong gia đình ông phải sống trong căn nhà gỗ cũ, dột nát. Với sự tham gia giúp đỡ của MTTQ và các ban, ngành đoàn thể xã và bà con nhân dân trong bản Nà Sánh, ngôi nhà mới đã được hoàn thiện, điều mà bấy lâu nay gia đình ông vẫn luôn mong ước. Ông Lù A Lứ xúc động cho biết, ngôi nhà là niềm hy vọng, giúp chúng tôi an cư lạc nghiệp.
Ông Mùi Văn Ngọc - Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Nà Sánh cho biết thêm, năm 2022, bản đã hoàn thành 2 ngôi nhà Đại đoàn kết. Hiện nay cả bản còn 4 ngôi nhà đang được triển khai xây dựng và sẽ hoàn thiện trong năm 2023. Ông cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục giúp đỡ các hộ nghèo sau khi có nhà mới để họ yên tâm tập trung phát triển kinh tế.
Huyện Yên Châu cũng là địa bàn còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của Sơn La. Song, công tác xóa nhà dột nát cho người nghèo cũng đang được “tăng tốc”. Ông Trần Sỹ Hứng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Châu cho biết, qua rà soát, huyện còn 1.168 hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Ủy ban MTTQ huyện đã huy động tối đa các nguồn lực cùng chung tay giúp đỡ để các hộ khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở. Với phương châm “Công khai, minh bạch, hiệu quả”, MTTQ các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, khảo sát, lập danh sách và hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, bảo đảm đúng đối tượng và phù hợp, hiệu quả các nguồn lực xã hội. Dự kiến trong năm nay, huyện Yên Châu phấn đấu xóa 300 nhà tạm, đến năm 2025 sẽ xóa xong toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Để hoàn thành mục tiêu này, Ủy ban MTTQ huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích; phân công từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở phụ trách đến từng bản nắm tình hình và đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo; huy động các tổ chức xã hội, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện quyên góp, ủng hộ....
Theo thống kê của UBND tỉnh Sơn La, trong giai đoạn 2021 - 2025, qua rà soát của UBND các huyện, thành phố trong toàn tỉnh có hơn 8.300 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở có nhu cầu hỗ trợ, trong đó, 7.178 hộ đề nghị hỗ trợ làm mới, 1.140 hộ đề nghị hỗ trợ sửa chữa. Phần lớn các hộ này đều đang sinh sống trong những ngôi nhà tạm, vật liệu chủ yếu là gỗ tạp, tranh, tre, nứa... thời gian sử dụng đã lâu năm tiềm ẩn nguy cơ đổ sập, không đảm bảo ổn định lâu dài. Trên cơ sở đó, tỉnh Sơn La đã ban hành Đề án “Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở, giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành việc hỗ trợ 100% hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.
Với cách làm bài bản, khoa học, công tác chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt; góp phần nâng cao đời sống cho bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh.