Sóng bị tắc đường

Tinh Anh 30/09/2020 07:42

Chắc sóng điện thoại di động của MobiFone bị tắc đường do hạ tầng càng ngày càng quá tải, những ai đang dùng mạng của doanh nghiệp này có lẽ cũng sẽ buộc phải thông cảm thôi.

Hôm qua, nhiều người dùng di động mạng MobiFone đã dở mếu dở khóc khi không thể liên lạc được, cũng không thể truy cập internet qua 3G/4G. Nếu như chỉ bị rớt mạng cục bộ tại một vùng, một địa phương thì không nói làm gì, tình trạng nghẽn mạng MobiFone diễn ra trên diện rộng, ở nhiều tỉnh, thành phố lớn khiến không ít chủ thuê bao điên đầu.

Trong cuộc sống hiện đại của kỷ nguyên số hiện nay, chiếc điện thoại là một phần tất yếu của cuộc sống. Nó không đơn giản chỉ là “cái alo”, mà còn là “cần câu cơm” đối với không ít người. Với doanh nhân thì sự thành bại, được mất đôi khi tính bằng giờ, thậm chí bằng phút, nếu điện thoại của họ “ò í e”, không truy cập được internet để giải quyết công việc, thì sẽ mất mối hợp đồng làm ăn dẫn tới nguy cơ phá sản rất cao.

Đối với các bác tài xế xe công nghệ thì việc bị rớt mạng lại càng bức bối. Việc hôm nay chở được bao nhiêu khách, thu nhập khá hay tệ, liệu có tiền đong gạo đổ vào nồi hay không đều phụ thuộc cả vào mạng 3G/4G. Gọi là xe công nghệ mà không truy cập được internet thì làm sao biết ai có nhu cầu đặt xe, họ ở đâu để mà đón? Vậy thì việc rớt mạng MobiFone có khác gì đập bể bát cơm của gia đình họ hay không?

Còn với các “yếu nhân” thì khỏi phải nói việc mất liên lạc mạng di động MobiFone khó chấp nhận đến thế nào. Tỷ dụ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đang có nhu cầu điều hành, chỉ đạo cấp dưới thực hiện công việc, nhưng bỗng điện thoại của nhân viên cứ “ngoài vùng phủ sóng” thì có bực hay không? Không khéo nhân viên đó sẽ bị kỷ luật, thậm chí đuổi việc vì “tắt máy” trong giờ làm việc.

Hay như việc lực lượng công an lên kế hoạch “đánh án” mà điện thoại mất liên lạc sẽ ra sao đây? Việc không kịp thời nhận được chỉ đạo của chỉ huy ban chuyên án, lúng túng khi ứng phó với các tình huống phát sinh, dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Có thể chỉ là để tội phạm kịp “xa chạy, cao bay”, hoặc có thời gian tẩu tán tài sản phạm pháp, nhưng cũng có thể sẽ dẫn đến tổn thất, thương vong đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Còn rất nhiều người làm ở những ngành nghề khác trong xã hội cũng sẽ vì việc rớt mạng di động mà bị ảnh hưởng, làm sao có thể liệt kê hết? Trong trường hợp này, ngoài việc xin lỗi những ai biết là mất sóng (những ai không biết thì thôi miễn, vì có gọi đến tổng đài thắc mắc đâu để mà nhận được lời xin lỗi), liệu MobiFone có đền bù thiệt hại cho khách hàng? Về nguyên tắc, mất sóng do lỗi chủ quan đương nhiên nhà mạng phải bồi thường.

Song, có lẽ sẽ chẳng có ai trong số các khách hàng của MobiFone nhận được bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do lỗi của nhà mạng này. Lâu nay, gọi là kinh tế thị trường, nhưng các nhà mạng nói chung, MobiFone nói riêng vẫn có cung cách làm ăn theo kiểu bao cấp xưa cũ. Họ luôn có thái độ, dịch vụ chỉ có vậy, không dùng thì... “next”. Với cung cách “bán hàng phân phối” như vậy, có lý do gì phải bồi thường?

Đáng tiếc, hiện có không ít doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực hiện nay vẫn quen thói quen làm ăn chộp giật, chỉ cốt sao thu lợi cho thật nhiều, chứ hoàn toàn không thèm để tâm đến chất lượng dịch vụ, cảm nghĩ của khách hàng. Khách hàng chỉ cần có lỗi nhỏ thôi, lập tức các doanh nghiệp đè nghiến ra phạt vạ, nhưng ở chiều ngược lại thì chẳng bao giờ. Họ luôn lờ tịt đi lỗi của mình, chỉ đến khi “căng” quá thì gửi lời xin lỗi suông rồi sau vẫn thế.

Chẳng thế mà nhiều lần người dùng internet bị “quay tròn”, khi gọi điện thắc mắc tới tổng đài thì chỉ nhận được câu giải thích quen thuộc: Cá mập cắn đứt cáp. Lần này chắc sóng điện thoại di động của MobiFone bị tắc đường do hạ tầng càng ngày càng quá tải, những ai đang dùng mạng của doanh nghiệp này có lẽ cũng sẽ buộc phải thông cảm thôi. Việc hợp đồng quy định nhà mạng phải đảm bảo sóng cho khách hàng chỉ là ghi cho vui, còn tất nhiên khách hàng thì vẫn phải nộp tiền đủ, nếu không sẽ bị phạt, thậm chí bị kiện ra tòa. Quan hệ dân sự một chiều đó vốn đang khá phổ biến ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sóng bị tắc đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO