Sống khổ trên khoáng sản

Điền Bắc 12/07/2020 07:45

Ở Quỳ Hợp (Nghệ An), khoáng sản có từ trong lòng núi cho đến những khe suối, bờ ruộng, chân đồi. Thành phần khoảng sản khá phong phú từ đá trắng, đá đen, đá hồng cho đến thiếc, vàng...

Khu vực khai thác mỏ đá trắng tại bản Ngọc (xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), năm 2017.

Suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi doanh nghiệp đầu tiên đến khai thác, hàng triệu tấn khoáng sản đã được mang đi và chị để lại bi kịch. Cuộc sống của bà con đang ngày càng khốn khổ chỉ vì họ sống trên khoáng sản.

Nỗi đau từ quặng

Người dân bản Chảo, xã Châu Hồng vẫn còn nhớ như in buổi chiều trung tuần tháng 3/2019, trong quá trình đi mót quặng, 3 người cùng một xóm gồm ông Lương Văn Tuấn (42 tuổi), bà Lương Thị Hảo (37 tuổi, vợ ông Tuấn) và chị Sầm Thị Hải (32 tuổi) đã thiệt mạng trong một vụ sập hầm. Được biết, đây là mỏ quặng thiếc đã hết hạn khai thác, tuy nhiên vì mưu sinh, hằng ngày vẫn có nhiều người dân đến mót quặng kiếm kế sinh nhai. Và trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều vụ sập hầm quặng đồng nghĩa với việc nhiều con người gặp họa.

Chúng tôi gặp Lương Văn Thành (19 tuổi), con trai của cặp vợ chồng xấu số nói trên. Kể từ khi mồ côi cả bố lẫn mẹ, chàng trai nhỏ thó trở thành trụ cột của gia đình, nuôi 2 em. Nhưng 5 tháng nay, Thành thất nghiệp. Phải vay mượn hàng xóm, người thân để chạy ăn từng bữa. Bản Chảo – quê hương của Thành nằm lọt thỏm giữa những dãy núi sừng sững. Cách nhà chừng 2km là núi Lan Toong, nơi hàng chục năm qua, nhiều doanh nghiệp đổ xô lên đây đào bới để tìm thiếc. Ruộng ít, rừng thì không có, mót quặng thiếc dường như là kế sinh nhai chính của người dân bản Chảo. Công việc của họ thường bắt đầu từ sáng sớm và sẽ xuống núi lúc chiều tà. Mỗi ngày trung bình một lao động chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng.

Việc khai thác quặng tại Châu Hồng kéo dài hơn 30 năm qua để lại nhiều hệ lụy.

Thành tâm sự: “Em biết theo cha mẹ mót quặng lúc lên cấp 2, phần lớn thiếc trong các đường hầm này đã được doanh nghiệp tận thu hết, chỉ còn sót lại những mảnh nhỏ ẩn bên trong các tảng đá lớn bên vách hầm. Dân mót quặng phải những người làm nghề mới nhận ra đâu là đá bình thường, đâu là thiếc.

Nhìn thấy quặng rồi nhưng lấy lên cũng không đơn giản. Họ phải dùng búa đục đẽo hoặc khoan vào núi. Nếu không cẩn thận, đụng phải những vết nứt có sẵn, đường hầm sẽ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, do bỏ hoang đã lâu, những cọc chống bằng gỗ ở trong hầm cũng đã bị mục rỗng, nhiều cọc gãy nát nằm chỏng chơ. Ở dưới lòng núi này, tai nạn lao động luôn là một hiểm họa. Không muốn gắn bó với cái nghề đầy rủi ro này, một thời gian sau, Thành theo bạn bè làm đủ việc kiếm sống. Cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn là bao, nhưng theo lời cậu, dù gì cũng hơn cái nghề mưu sinh dưới… âm phủ.

Những hầm khai thác quặng như thế này đã chôn vùi nhiều con người xấu số.

Bên cạnh bản Chảo, người dân bản Piêng Tò, xã Châu Hồng cũng đang phải hứng chịu nhiều khó khăn, chỉ vì sống ngay trên những mỏ khoáng sản. Theo các bậc cao niên trong bản, trước đây, phía trước bản là những ruộng lúa bạt ngàn. Trên núi, có rất nhiều sản vật. Những ngày nông nhàn, họ vẫn thường đi dọc bờ suối tìm khoáng sản bán, kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống ở Piêng Tò khá sung túc, cho tới một ngày doanh nghiệp khai thác khoáng sản đến.

Anh Nguyễn Văn Sáu, cư dân bản Piêng Tò chia sẻ: “Toàn bộ đất nông nghiệp của người dân trong bản đã được chuyển nhượng cho Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh từ hơn 30 năm nay để khai thác quặng thiếc. Ngày đó, phía công ty hứa sẽ khai thác theo kiểu cuốn chiếu. Cứ làm xong chỗ nào họ sẽ hoàn thổ chỗ đó rồi trả lại cho người dân canh tác tiếp. Nhưng chờ mãi, hơn 30 năm rồi vẫn không thấy họ trả”.

Cả bản Piêng Tò chỉ có 3 hộ có đất canh tác. Nhưng cũng chỉ có vỏn vẹn 2.000m2. Khu vực này vốn là đập chứa thải của công ty khai thác quặng thiếc. Sau này công ty thu nhỏ quy mô, hồ chứa nước không còn sử dụng, đất thải lấn dần ra lấp hồ, 3 hộ dân rủ nhau ra khai hoang được 6 năm nay. Nhưng những năm đầu, họ cũng chỉ có thể trồng ngô vì đất xấu, mới trồng lúa được 2 năm nay.

Khai thác quặng dẫn tới nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngày xưa, người dân ở Piêng Tò chỉ cần đi vài trăm mét, đến con khe Na Què chảy từ suối Bắc xuống là có thể dễ dàng lấy được nước sinh hoạt về dùng. Nhưng từ nhiều năm nay, kể từ khi những nhà máy khai thác quặng thiếc mọc lên trên đỉnh suối Bắc, nước khe Na Què cũng không thể dùng được nữa vì ô nhiễm. Nó ô nhiễm không chỉ cho Piêng Tò, mà còn làm ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân ở thị trấn Quỳ Hợp, cách đó 30km.

Không chỉ thiếu đất canh tác, thiếu nước sạch, thiếu điện, người dân Piêng Tò cũng gặp khó trong việc chăn nuôi. Cả bản bây giờ, số hộ nuôi trâu bò chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Không ai dám nuôi nữa đâu. Nó cứ chết dần, chết mòn. Trâu bò ở đây muốn nuôi phải nhốt lại, lấy nước sạch về cho uống. Chứ thả rông rồi uống nước suối bị ô nhiễm, đằng nào cũng chết cả”, bà Lương Thị May (43 tuổi) nói. Thiếu kế sinh nhai ngay trên mảnh đất quê hương, những năm gần đây, người dân Piêng Tò đành phải tha phương, cầu thực. Bây giờ, ở Piêng Tò phần lớn là người già và trẻ nhỏ.

Hệ lụy từ khoáng sản

Nếu như, cư dân ở đây sống khổ thì ngay cả chính quyền, có khoáng sản cũng không được hưởng lợi từ khoáng sản đã đẩy những lãnh đạo địa phương vào thế khó xử. Bởi do nhiều chính sách bất cập, có những khoản phí thay vì dùng để bảo vệ môi trường lại được đưa vào chi tiêu thường xuyên. Có những tuyến đường khi phục vụ vận chuyển khoáng sản nhẽ ra được đầu tư trở lại. Nhưng, hàng chục năm nay vẫn chỉ là “con đường đau khổ”.

Nói như ông Lương Văn Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng: Dẫu được xem là thủ phủ khoáng sản, doanh nghiệp về khai thác, nhưng xã và người dân hầu như không được hưởng lợi. Phần lớn các nguồn thu phí từ các doanh nghiệp cũng không được đầu tư ngược trở lại. Tuyến đường này (tỉnh lộ 532) là một trong những minh chứng.

Trước cửa hang một khu mỏ tại xã Châu Hồng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cũng thừa nhận: Hoạt động khoáng sản trên địa bàn đã gây hậu quả nặng nề. Ông Tùng nêu ra hàng loạt hệ lụy như nguồn nước tự nhiên đã dùng cho hoạt động khoáng sản quá mức, dẫn đến thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, làm cho một số diện tích bị bỏ hoang. Hay như việc cấp đất cho hoạt động khoáng sản dẫn đến thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến lao động, việc làm và thu nhập của người dân.

Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản cũng khiến hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh chóng, người dân đi lại khó khăn, ô nhiễm môi trường nước; nước đục, nước có chứa hóa chất đã ảnh hưởng trực tiếp đến cây cối, hoa màu và vật nuôi, năng suất một số cây trồng giảm. Không những thế, vào mùa mưa lũ, các dòng chảy trong các núi bị đất đá vùi lấp, tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập úng đầu nguồn.

Nhiều tệ nạn xã hội cũng phát sinh từ đây…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống khổ trên khoáng sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO