Sống lương thiện là kỹ năng sống quan trọng bậc nhất

Trần Hữu Thăng 14/05/2018 09:00

Vừa qua, nhân năm mới dương lịch 2018, một số nhà kinh tế hàng đầu của châu Á đã trả lời phỏng vấn của báo chí về câu hỏi: “Kỹ năng sống nào là quan trọng nhất đối với thế hệ trẻ ngày nay trong quá trình học làm người?”.

Câu trả lời dứt khoát của những bậc thầy đã rất thành đạt trong kinh tế là: “Sống lương thiện là kỹ năng sống quan trọng bậc nhất đối với thế hệ trẻ hiện nay”.

Sống lương thiện là kỹ năng sống quan trọng bậc nhất

Theo từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, trang 538 thì: “Lương thiện là không làm điều gì trái pháp luật và đạo đức thông thường.

Thí dụ: Người lao động lương thiện. Làm ăn lương thiện”. Đây là một định nghĩa xuất sắc, nó vừa dễ hiểu, vừa cô đọng. Nó phù hợp với nhiều Từ điển ngôn ngữ Quốc tế.

Định nghĩa này dễ hiểu nhưng không dễ thực hiện vì 2 tiêu chuẩn mà nó đề ra. Với bản năng ham muốn, tham lam, ích kỷ, dễ mấy ai đã biết giữ mình, biết từ chối lòng tham, biết kìm nén dục vọng để giữ trọn việc chấp hành Luật pháp và quy định của Đạo đức học để trở thành người lương thiện.

Từ cách đây mấy trăm năm, nhà triết học thiên tài Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) đã khẳng định: “Trong thẳm sâu trái tim của mỗi con người đều có khởi nguồn của Pháp luật và Đạo đức”.

Nói cách khác cho dễ hiểu lời của J.J.Rousseau là: Con người ta sinh ra vốn tính thiện, tính trong sạch, nên nếu ta biết dựa vào cái gốc biết tôn trọng Pháp luật và tôn trọng Đạo đức đang nằm ngủ ở thẳm sâu trái tim con người mà ta tìm cách giáo dục, tìm cách rèn luyện, tìm cách hướng dẫn thì sẽ thành công.

Vai trò của giáo dục gia đình, của giáo dục trong các trường học, giáo dục của xã hội, của đoàn thể sẽ giúp người thanh niên lớn lên sống vững vàng, sống bình an trong sự bảo trợ của pháp luật và đạo đức.

Họ tự do vươn cao trong cuộc đời, không hề phải lo lắng đến những góc tối, những mặt trái của cuộc đời. Vì sao? Vì Pháp luật và Đạo đức chính là 2 bảo bối thần diệu với sức mạnh vô địch đã cai quản loài người hàng nghìn năm nay, giúp cho con người ở các châu lục ngày càng vươn lên, ngày càng phát triển, ngày càng hoàn thiện.

Nhạc sỹ thiên tài người Đức – Ludwing Van Beethoven (1770 – 1827) đã hoàn toàn có lý, hoàn toàn thuyết phục nhân loại khi ông viết: “Hãy dạy đạo đức cho con cái anh, vì chỉ có đạo đức mới làm cho chúng được hạnh phúc, chứ không phải là vàng bạc” (Recommend to your children virtue: that alone can make them happy, not gold).

Thời gian vừa qua, theo dõi trên truyền hình Quốc gia và các thông tin chính thống, chúng ta vui mừng nhận thấy có biết bao thanh niên nông dân, thanh niên trí thức trong và ngoài nước nhờ được cha mẹ dạy dỗ, quán triệt cho pháp luật và đạo đức từ nhỏ nên đã trở thành người tốt, việc tốt, làm rạng danh cho gia đình, cho đất nước.

Trái lại, chúng ta đau lòng vì thấy con em của những người đã đề cao tiền bạc, đề cao cuộc sống xa hoa, danh vọng hão huyền đã phải kết thúc cuộc đời trong tù tội, trong xấu hổ nhục nhã cho cả gia đình, cho cả dòng họ.

Xin rất cám ơn Beethoven về lời dạy của ông tuy đã cách đây gần 300 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị giáo dục cho thế hệ trẻ hiện nay, còn nguyên tính thời sự cập nhật cho hàng triệu triệu thanh thiếu niên của thế kỷ XXI này.

Ngay từ thưở sơ khai của loài người, nhà triết học vĩ đại nhất trong số những nhà triết học cổ đại của nhân loại – Horace (Năm 65 – năm 8 trước Công nguyên) cũng đã khẳng định cái quý giá của đạo đức, của đức hạnh con người khi ông so sánh: “Bạc kém giá trị hơn vàng, vàng kém giá trị hơn đạo đức của con người” (L'argent a moins de prix que l'or, l'or moins que la vertu). Đáng chê trách thay một số ít kẻ tham lam, hám danh hám lợi, chỉ biết nhìn gần đã làm hại con hại cháu, vì họ đã làm ngược điều Horace đã dạy, thật đáng tiếc, đáng buồn thay!

Bậc thầy Jean Jacques Rousseau còn dạy cho con người tận hưởng cái lạc thú, cái êm ái, cái thuần khiết, cái hạnh phúc mà Đức hạnh đem lại.

Ông viết: “Cái quyền lực to lớn của Đức hạnh là êm ái, dễ chịu đến nỗi nó đem lại những niềm vui mầu nhiệm thấm tận cả vào những nỗi ưu sầu” (L'empire de la vertu est si doux et agréable, qu'elle donne des jouissances célestes jusque dans les afflictions).

Những con người bản tính lương thiện, trước cám dỗ vật chất thì dứt khoát chối bỏ không chút luyến tiếc, gặp khi hoạn nạn khó khăn vẫn ngẩng cao đầu quyết không lùi chí, quyết không khuất phục.

Còn bọn bất lương, thủ đoạn, nếu được thì hỉ hả cười nói, lúc bị thua, lúc bị bắt thì khóc lóc, thở than, mất hết cả chí khí của con người! Bọn chúng đâu có cái quyền lực của đức hạnh như ở người lao động lương thiện.

Một lần nữa nhờ Jean Jacques Rousseau ta lại thấy rõ: Nếu chỉ dựa vào thế lực đồng tiền, thế lực của kẻ cậy chức cậy quyền thì chắc chắn có ngày sụp đổ, một sự sụp đổ không phương cứu chữa.

Hoan hô cái quyền lực của đức hạnh. Hoan hô những người lao động lương thiện ngày càng dựng xây cho đất nước giầu mạnh, hạnh phúc.

Còn giáo dục luật pháp cho con em chúng ta thì tương đối đơn giản hơn. Ta phải gương mẫu chấp hành luật pháp trước thì mới làm gương cho con em noi theo được.

Đứa trẻ trong nhà các quan tham còn nhìn thấy cảnh cán bộ cấp dưới đến đút lót cho cha mẹ nó thì thử hỏi làm sao nó biết sợ pháp luật mà cần phải tuân theo.

Và cứ như thế, đứa trẻ lớn lên nó sẽ nhờn với pháp luật thì cái kết thúc tù tội dành cho nó là lẽ đương nhiên, khỏi cần bàn cãi nhiều.

Đứa trẻ trong nhà các quan tham thấy cái xe ô tô bố nó đang đi giá trị hàng nửa triệu đô, ngôi biệt thự gia đình nó đang ở giá hàng chục triệu đô thì nó còn coi pháp luật ra gì nữa.

Và lẽ dĩ nhiên con cái các quan tham không bao giờ có thể trở thành người lương thiện được. Bọn chúng phải tìm mọi cách luồn lách luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm ăn phi pháp. Và cứ như thế, con cái các quan tham đã và sẽ đứng ở phía bên kia của ranh giới luật pháp và đạo đức. Chắc chắn chúng phải đền tội trước nhân dân.

Cũng cần nói thêm về phép nhiệm mầu của Đức hạnh, của giáo dục Đức hạnh, của học tập và rèn luyện Đức hạnh. Nhà triết học G. Herbert (1593 – 1633) đã khẳng định: “Đức hạnh không bao giờ già cỗi” (Virtue never grows old).

Đây là một khẳng định cực kỳ quan trọng, nó đập tan mọi nỗi hoài nghi, ngờ vực rằng sống trong xã hội công nghiệp phát triển con người ta không cần đến đức hạnh nữa.

Đây là một điều đáng tiếc trong thế kỷ XX ở một số nước công nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Họ cho rằng nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, con người có nhiều vật chất để hưởng thụ, chỉ cần pháp luật kiểm soát chặt chẽ là đủ rồi, cần gì phải giáo dục đức hạnh cho con người nữa.

Ở một số nước buông lỏng giáo dục đức hạnh cho con cái, giáo dục nghĩa vụ công dân cho thanh thiếu niên và người lao động nên đã gặp phải những tai họa xã hội khủng khiếp. Họ lớn tiếng nói rằng: “Đức hạnh đã quá cũ kỹ, lỗi thời”.

Họ triển khai việc điều khiển theo lối mới. Rút cuộc cái con người điều hành pháp luật mà không có đạo đức thì còn nguy hiểm hơn gấp bao nhiêu lần so với cách làm cũ.

Công an, tòa án mà tuyển dụng những người không có đức hạnh thì có khác gì giao cho con cọp một thanh gươm nữa để nó tàn sát con người như cách nói của tác giả Marden: “Có trí tuệ mà không có đạo lý phải được coi như là một con cọp lại có thêm lưỡi gươm sắc nhọn” (Intellect without morality is, so to speak, a tiger with a sword).

Còn về sự phấn đấu của từng cá nhân để trở thành người lương thiện cũng rất khó khăn, gian khổ. Nó đòi hỏi lương tâm của con người, mà theo định nghĩa của Blaise Pascal (1623 – 1662) thì: “Lương tâm là cuốn sách tuyệt hảo mà chúng ta sẵn có trong tâm hồn.

Đây là cuốn sách mà ta phải tham khảo nhiều nhất” (La conscience est le meilleur livre de moral que nous ayons. C'est celui que l'on doit consulter le plus).

Như thế, lương tâm con người lúc nào cũng ẩn náu trong ý nghĩ, trong tâm hồn mỗi chúng ta. Nó như hạt giống đang ươm ở vườn cây.

Làm cho hạt giống lương tâm nẩy mầm, lên thân, lên cành, nở hoa, kết trái lại là một câu chuyện khó nhọc cả đời, sẽ mất bao nhiêu công sức, sẽ mất bao nhiêu thời gian.

Người lương thiện, người chính trực là người phải suốt đời phấn đấu mới đạt được, mới vươn tới được những cao đẹp đó. Vì đúng như triết gia E. Rueys đã phân tích: “Khi giầu có mà muốn làm người lương thiện thì thật không gì dễ bằng. Khi nghèo khổ mà làm được người lương thiện mới thật khó khăn” (Il n'est rien de plus aisé quand on est riche, que d'être honnête homme, et c'est quand on est pauvre qu'il est difficile de l'être).

Để kết thúc bài viết cần nhắc đến định nghĩa nổi tiếng về người lương thiện, người chính trực của nhà triết học La Cordaire (1802 – 1861): “Người chính trực, người lương thiện là người biết cách cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mình” (L'homme juste, l'honnête homme est celui qui mesure son droit ā son devoir).

Khi giầu có mà muốn làm người lương thiện thì thật không gì dễ bằng. Khi nghèo khổ mà làm được người lương thiện mới thật khó khăn”.
Triết gia E. Rueys.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống lương thiện là kỹ năng sống quan trọng bậc nhất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO