Sống trong những thành phố đắt đỏ

Bảo Thư 27/06/2021 09:35

Mới đây, Hãng tư vấn toàn cầu Mercer đã công bố kết quả khảo sát thường niên, theo đó  thủ đô Ashgabat của Turmenistan đã thay thế Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) để trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người lao động nước ngoài.

Khu phố trung tâm Tokyo.

Theo kết quả khảo sát, thành phố Ashgabat đã tăng bậc từ vị trí thứ hai trong cuộc khảo sát năm ngoái lên vị trí đầu tiên do “tỉ lệ lạm phát cao”. Trong khi đó, Hong Kong xuống vị trí thứ hai, thủ đô Beirut của Liban từ vị trí thứ 45 trong năm ngoái, lên vị trí thứ 3 và thủ đô Tokyo của Nhật Bản giảm một bậc xuống vị trí thứ 4 trong năm nay.

Turkmenistan hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu khí đốt tự nhiên và đang chật vật phục hồi kinh tế do giá năng lượng trên toàn cầu giảm kể từ năm 2014. Từ đó dẫn tới việc đồng nội tệ “manat” giảm mạnh, khiến nhiều người rơi cào cảnh đói nghèo.

Vẫn theo Hãng tư vấn toàn cầu Mercer, Thụy Sĩ có 3 thành phố trong Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, gồm Zurich (thứ 5), Geneva (thứ 8) và Bern (thứ 10). 2 thành phố của Trung Quốc cũng trong danh sách này là Thượng Hải giảm một bậc xuống vị trí thứ 6 trong khi Bắc Kinh tăng lên vị trí thứ 9.

Singapore vẫn ở vị trí thứ 7. Các thành phố của Mỹ giảm thứ tự xếp hạng năm nay phần lớn do sự dao động của đồng USD và bất chấp lạm phát tăng, trong đó thành phố New York giảm 8 bậc xuống vị trí thứ 14.

Theo kết quả khảo sát, thành phố ít đắt đỏ nhất đối với người lao động nước ngoài là thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, ở vị trí thứ 209.

Với Thủ đô Tokyo của Nhật Bản, tuy đã từ vị trí thứ 3 xuống thứ 4 theo xếp hạng của Mercer, nhưng nhiều người cho rằng đây vẫn là thành phố đắt đỏ hàng đầu thế giới đối với lao động nước ngoài. Cuộc khảo sát đo giá cả của hơn 200 mặt hàng ở mỗi địa điểm, bao gồm nhà ở, giao thông, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng và giải trí.

Ilya Bonic - người đứng đầu Mercer, cho biết đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt. Đóng cửa biên giới, hoãn chuyến bay, cách ly xã hội... đã ảnh hưởng không chỉ đến chi phí hàng hóa và dịch vụ, mà còn ảnh hưởng cả đến chất lượng cuộc sống của con người.

Cùng với khảo sát của Mercer, một số khảo sát khác cho biết, sở dĩ Tokyo rất “khó sống” với người lao động nước ngoài trước hết là do giá thuê nhà hết sức đắt đỏ. Hầu như người ta không thể thuê được nhà tại các khu vực trung tâm.

Với một người có mức thu nhập trung bình, thì tiền thuê nhà đã chiếm khoảng 35%. Vì thế, người lao động nước ngoài chủ yếu phải thuê nhà rất xa trung tâm, mất khá nhiều tiền khi sử dụng các phương tiện công cộng để đi lại trong ngày.

Tiếp đó là những chi tiêu không thể không có, đó là bữa ăn hàng ngày. Chỉ vào ngày nghỉ cuối tuần, người lao động nước ngoài mới tụ tập nấu nướng, còn thì ngày đi làm họ mua thức ăn chế biến sẵn và tất nhiên giá không hề rẻ.

Mana M’heam, một nữ kỹ sư lĩnh vực công nghệ đến từ Nam Phi cho biết, thu nhập từ công việc ở Tokyo của chị tất nhiên là cao hơn tại quê nhà. Nhưng để có một khoản tích lũy thì phải tiêu pha rất chi li, tránh càng xa các siêu thị càng tốt và chỉ nên mua hàng tại các cửa hàng nhỏ giá rẻ. Muốn vào công viên hay tới rạp chiếu phim thì phải tính thật kỹ, nếu không sẽ thâm hụt ngay tức khắc.

Cũng như những người lao động nước ngoài khác đến làm việc tại Tokyo, mỗi tháng một lần Mana M’heam lại “băt” tầu hỏa đi chơi xa, trong vòng 200 km. Ở đó, họ được đắm mình trong không gian “rất Nhật Bản”, đó là không khí trong lành, sự tĩnh lặng và sự chân tình của người dân.

“Chúng tôi rất cần một buổi “đi dạo” kiểu này, vì để xốc lại tinh thần cho những ngày sắp tới khi phải quay về Tokyo làm việc” - Mana M’heam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống trong những thành phố đắt đỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO