‘Sốt đất’, ai chịu trách nhiệm?

Nam Việt 03/04/2021 13:30

Nhiều người đặt câu hỏi: Cơn sốt đất kéo dài từ đầu năm tới nay bao giờ hạ nhiệt? Thật khó trả lời chính xác vì nơi này hạ chút đỉnh thì lại xuất hiện nơi khác nóng hầm hập.

Một khu đất trên trục đường liên xã An Khương - Tân Lợi (huyện Hớn Quản, Bình Phước) được san ủi với mục đích phân lô bán nền Ảnh: Sỹ Tuyên.

Những nơi hạ nhiệt là do quy hoạch, dự án đã được công khai và khi “cò đất” đã hốt bạc rồi rút đi. Còn những nơi bùng phát là khi đội quân cò đất ồ ạt kéo đến, “đánh sóng”, “thổi giá” và chính quyền chưa công khai quy hoạch, dự án.

Một số ý kiến cho rằng thời gian qua tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng “sốt ảo” giá đất. Nhưng, ý kiến khác lại cho rằng sốt thật chứ không ảo vì rằng có rất nhiều người bán, người mua đất, giá phi mã từng ngày; dịch vụ bán - mua tràn lan bất kể có đủ thủ tục pháp lý hay không. Đất là đất thật, tiền là tiền thật thì không thể gọi là “sốt ảo” được. Quan trọng là cơn sốt ấy do đâu mà có, ai là người được hưởng lợi do “sốt” và ai là người trắng tay.

Chỉ khi nhận rõ bản chất của việc mà không đổ sang chuyện “ảo” thì mới có thể ngăn chặn được việc này, trả lại sự bình yên cho xóm làng, không tạo kẽ hở cho những “liên minh ma quỷ” trục lợi. Nhưng thật đáng tiếc là qua những lần sốt đất ấy cũng chưa hề thấy cơ quan chức năng chỉ ra ai đứng sau giật dây, tạo sóng, thu lợi để mặc cho không ít người ngậm đắng nuốt cay. Và đương nhiên là cũng không có ai bị xử lý vì được coi là “giao dịch dân sự”, “thuận mua vừa bán”.

Điều đáng nói là cơn sốt đất lần này lan rộng từ Bắc chí Nam, nơi ngoại ô đã đành, nơi “dự kiến” xây dựng sân bay cũng thôi thì đi một nhẽ; nhưng cả những nơi từng bị coi là “khỉ ho cò gáy” thì cũng chộn rộn bán mua. Người dân có đất ở những khu vực bị “thổi giá” thật khó cưỡng nổi những “đợt sóng tiền” dồn dập, bỗng chốc bị cuốn vào các giao dịch bất động sản mà bản thân họ không một chút hiểu biết pháp luật cũng như hết sức mù mờ với các giao dịch thị trường phức tạp.

Trận “sốt” này cũng kéo dài hơn những lần trước. Ai cùng biết điều đó nhưng ai là người có trách nhiệm, có quyền vào cuộc để ngăn nó lại, thì rất vắng bóng. Vì sao?

Để cắt nghĩa điều này thiết nghĩ không khó. Vì rằng, thật rõ ràng là trách nhiệm đầu tiên và rất lớn thuộc về chính quyền cơ sở, mà quan trọng là cấp xã, cấp huyện, nơi xảy ra sốt đất. Xã nào (huyện nào) cũng có Bí thư, Chủ tịch, Địa chính, Công an và tất nhiên những thành phần ấy đều biết địa phương mình đang sốt đất. Họ chính là những người hiểu hơn ai hết cơn sốt đến từ đâu. Nếu họ không “ngó lơ” thì cũng không thể có chuyện “nhà đầu tư” mang cả xe ủi đến địa phương mình san lấp mặt bằng rồi phân lô bán nền mà cũng chẳng cần sổ đỏ, sổ đen gì. Họ đã để mặc cơn sốt tăng nhiệt hòng trục lợi.

Cách đặt vấn đề như vậy không phải là không có cơ sở.

Người ta thấy rằng, sau mỗi vụ sốt đất, nhiều vị “quan xã”, “quan huyện” lại có thêm được mấy lô hoặc là xây thêm nhà to, mua được xe xịn. Tiền dĩ nhiên là do họ đã “vợt” được từ những thương vụ lướt sóng mua bán đất của bà con xã mình, huyện mình. Họ “tay không bắt giặc” chỉ nhờ vào lợi thế đang “làm quan” để chỉ trong một thời gian rất ngắn bỗng chốc thành người giàu có. Giàu có một cách không đàng hoàng trên nỗi đau đớn của người khác.

Nhiều “cò đất” cho biết, họ chỉ có thể làm ăn được sau khi đã bắt tay với cán bộ xã, “nếu không, chỉ cần chúng tôi bén mảng đến là sẽ bị đuổi ngay”. Đó là sự thật và rồi sau những cú bắt tay ấy cán bộ địa phương được lợi, cò đất được lợi, người đứng sau cò đất “giữ nhịp giá” được lợi, một số người dân bán đất có được món tiền lớn nhưng còn nhiều người hơn bị thiệt hại nặng nề. Nhất là sau khi “sóng gió” qua đi, dự án thì không thấy đâu, lúc ấy mới phát sinh những hệ lụy xã hội lớn lao.

Người viết bài này từng biết có những người nông dân bán đất, cầm được số tiền lớn trong tay nhưng mất đất, phải chuyển nghề để sinh nhai. Họ không biết làm gì cho ra tiền vì vốn dĩ chỉ biết làm ruộng, chăn bò nên số tiền có được từ bán đất đã không cánh mà bay. Tai họa hơn, có người còn mang tiền đi chơi hụi, ghi lô đề, kể cả đánh bạc. Cuối cùng họ thực sự trở thành bần nông theo đúng nghĩa của từ này. Thật xót xa!

Cũng thật ngạc nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 giao thương khó khăn, lãi suất ngân hàng giảm nhưng việc mua bán đất lại cực kỳ sôi động, như thể “lên đồng”. Điều đó khiến người ta nhớ lại những năm 2006-2007 khi mà thị trường chứng khoán bùng nổ, suốt ngày người ta bàn tính chuyện “ôm trứng”, chuyện “chốt giá”. Rồi tiền chứng khoán lại chảy sang đầu tư bất động sản và chỉ ngay năm sau thôi cơn sốt nhà đất nóng rừng rực. Nhưng cũng chỉ kéo được vài tháng thì “bong bóng” vỡ. Thời điểm đó, không biết bao nhiêu người chết đắng chết cay. Những người “thoát chết” thì tới nay đã mười mấy năm rồi vẫn sống dở chết dở vì núi nợ còn lù lù trước mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Sốt đất’, ai chịu trách nhiệm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO