SpaceX thực hiện vụ phóng tên lửa khó nhất từ trước đến nay

Linh Chi 26/06/2019 05:00

Vào sáng hôm 25/6, Tập đoàn công nghệ thám hiểm không gian SpaceX của Mỹ đã phóng tên lửa Falcon Heavy, mang theo 24 vệ tinh nghiên cứu vào 3 quỹ đạo khác nhau, trong nhiệm vụ được đánh giá là “khó khăn nhất từ trước đến nay”.

SpaceX thực hiện vụ phóng tên lửa khó nhất từ trước đến nay

Tên lửa Heavy Falcon của SpaceX được phóng vào sáng hôm 25/6. (Nguồn: AP).

Vụ phóng đã được thực hiện vào rạng sáng hôm thứ Ba từ một bệ phóng ở bang Florida, Mỹ. Tên lửa đẩy của SpaceX mang theo 24 vệ tinh thí nghiệm vào không gian. Việc đưa các thiết bị này vào quỹ đạo định trước được cho là sẽ mất nhiều giờ đồng hồ và cần quá trình điều khiển hết sức phức tạp.

Khách hàng của SpaceX trong nhiệm vụ lần này – gọi là STP-2 – là Bộ Quốc phòng Mỹ, một khách hàng quan trọng mà các công ty thương mại như SpaceX phải dựa vào để có được các bản hợp đồng béo bở. Bởi vậy mà SpaceX cực kỳ muốn nhiệm vụ lần này diễn ra suôn sẻ mà không gặp vấn đề gì.

Các vật thể được phóng

Nhiệm vụ STP-2 là nhiệm vụ được phối hợp thực hiện với Bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng các vệ tinh được lắp trên tên lửa đẩy Falcon Heavy lại là sản phẩm của nhiều cơ quan và tổ chức khác nhau – bao gồm của NASA, các phòng thí nghiệm quốc phòng và các trường đại học.

Trong số đó có một vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo của Trái Đất để thử nghiệm các công nghệ viễn vọng mới, và một vệ tinh mang theo một đồng hồ nguyên tử hiện đại. Một trong số các vật thể mà Falcon Heavy mang vào vũ trụ còn có một cánh buồm mặt trời có tên LightSail 2 – công nghệ giúp vật thể di chuyển trong không gian chỉ bằng nguồn năng lượng từ ánh sáng mặt trời.

Rất nhiều vệ tinh có các tấm thu năng lượng mặt trời để chuyển hóa ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện để vận hành. Nhưng cánh buồm mặt trời lại khác, nó sử dụng các hạt ánh sáng, gọi là photon, như nguồn năng lượng vĩnh cửu.

“Dù ánh sáng không có trọng lượng, nó vẫn có động lực để có thể chuyển sang các vật thể khác” – Jason Davis, thuộc Tổ chức The Planetary Society rót vốn cho dự án LightSail 2, cho hay – “Và cánh buồm mặt trời thu động lực đó để biến thành lực đẩy”.

Nếu thành công, các photon ánh sáng từ Mặt Trời sẽ từ từ đẩy cánh buồm này đi sâu vào không gian mà không cần bất cứ động cơ hay nhiên liệu nào khác. Khái niệm về cánh buồm mặt trời đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước.

Tên lửa đẩy Falcon Heavy

Đây là vụ phóng tên lửa Falcon Heavy lần thứ 3 của SpaceX nhưng là vụ phóng đầu tiên do Bộ Quốc phòng Mỹ ủy nhiệm.

Theo SpaceX, cả hai tên lửa đẩy bên cánh của Falcon Heavy đều “hạ cánh” trở lại Căn cứ không quân Mũi Canaveral vài phút sau khi phóng, tương tự lần phóng hồi tháng Tư vừa qua. Tuy nhiên, tên lửa đẩy lõi mới đã không đáp trúng một bệ đáp nổi trên biển.

SpaceX nói rằng, việc sử dụng lại các phần cứng của tên lửa sẽ giúp cho Công ty tiết kiệm được một khoản tiền lớn và giúp hạ giá thành sản phẩm. Với mức giá 90 triệu USD, Falcon Heavy hiện là mẫu tên lửa có giá rẻ hơn nhiều so với các loại tên lửa đẩy tương tự do các công ty đối thủ của SpaceX sản xuất.

SpaceX cho biết đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của Tập đoàn này, theo đó các vệ tinh với tổng trọng lượng 3,7 tấn cần phải được đưa vào 3 quỹ đạo khác nhau.

Dự kiến sẽ mất nhiều giờ đồng hồ để có thể phóng toàn bộ số vệ tinh này. Falcon Heavy được SpaceX đặt tên với ý định rằng tên lửa này sẽ đưa vật nặng hơn nhiều lên các quỹ đạo xa hơn.

Vụ phóng đầu tiên của Falcon Heavy được thực hiện hồi tháng 2/2018, trong đó có đặt một người nộm tên là Starman sau vôlăng của tàu không gian Tesla, con tàu hiện đang quay quanh quỹ đạo Mặt Trời ở vị trí giữa Trái Đất và Sao Hỏa. Kể từ đó, quân đội Mỹ và các khách hàng tư nhân đã ký nhiều hợp đồng phóng bằng tên lửa Falcon Heavy.

NASA đã đề cập đến khả năng sử dụng tên lửa này cho các sứ mệnh của mình lên Mặt Trăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    SpaceX thực hiện vụ phóng tên lửa khó nhất từ trước đến nay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO