Stress bủa vây trẻ em

Đức Trân 05/01/2022 07:08

Không được đến trường, bắt buộc phải ở trong nhà và bị tước mất niềm vui là nô đùa cùng bạn bè, trong khi tình trạng sử dụng bạo lực tại các gia đình đang gia tăng - đó là những hệ lụy mà Covid-19 mang lại cho trẻ em trên toàn cầu, Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Điều trị cho trẻ em mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ảnh: Hiền Chúc

40% trẻ em bị xử phạt về thể xác

Theo Báo cáo mới được công bố về tình trạng xử phạt trẻ em tại nước ta của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trong năm 2021, cứ 10 trẻ em Việt Nam từ 1-14 tuổi thì có 7 trẻ đã bị ít nhất một hình thức xử phạt về tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong hộ gia đình. Cứ 10 trẻ thì có hơn 6 trẻ đã từng bị xử phạt về tâm lý.

Theo lý giải từ UNICEF, đa phần cách xử phạt thể xác ở Việt Nam là những hành vi như đánh vào mông trẻ bằng tay trần hoặc đánh vào mông trẻ hoặc chỗ khác trên thân thể bằng một vật cứng khác hay đánh, tát trẻ vào mặt, đầu, mang tai liên tiếp, mạnh nhất có thể. Với những hành vi xử phạt thể xác nói trên, có tới 40% trẻ em ở Việt Nam đã từng phải nhận từ thành viên trong gia đình của chúng trong vòng 1 tháng trước khi cuộc điều tra của UNICEF được diễn ra vào năm 2021. Bên cạnh đó, UNICEF cũng cho biết, tỷ lệ trẻ em gặp bạo lực cả về tâm lý và thể xác tại Đông Nam bộ là cao nhất Việt Nam với 78,5%. Đặc biệt hơn, khảo sát cũng cho thấy, cứ 10 người chăm sóc trẻ (cha, mẹ…) thì có 1 người tin rằng những hành vi này là cần thiết để giáo dục trẻ em.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ em đang phải đối mặt với quá nhiều hệ lụy và nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần ở mức rất cao.

BSCK II Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết: Chính những hành vi sử dụng bạo lực, các hình phạt thể xác và tâm lý góp phần làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. Trẻ em bị xử phạt về thể xác không chỉ có nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe thể chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ kéo theo nhiều hệ lụy tâm lý. Những hành động như đánh đập, vùi dập, làm nhục, đe dọa… đều khiến đứa trẻ thiếu tự tin, rụt rè, luôn trong trạng thái hoảng hốt, lo sợ. Khi bị xử phạt nhiều lần, trẻ dần dần hình thành nhân cách nhút nhát, tự ti, gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi chấp nhận và vượt qua các thử thách biến cố hay thất bại trong cuộc sống sau này. Trẻ cũng dễ mắc phải các rối loạn stress, lo âu và trầm cảm kéo dài.

Theo bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam: Đa phần các vụ việc xử phạt trẻ em, thậm chí hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em thường chìm trong im lặng và do chính những người mà trẻ em tin tưởng thực hiện. Tình trạng này ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian phong tỏa vì Covid-19. Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em. Toàn xã hội cần có thái độ không khoan nhượng đối với vấn đề này.

Không khoan nhượng có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân; có nghĩa là công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời, các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay; có nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi. Và điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa, đứng lên bảo vệ những người dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em rằng bất kỳ hình thức bạo lực nào cũng không thể chấp nhận được.

Bảo vệ sức khỏe tâm thần trẻ em trong đại dịch Covid-19

Xử phạt thể xác, tâm lý, bạo lực chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những vấn đề về mặt sức khỏe tâm thần cho trẻ em. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi - những yếu tố then chốt của tuổi thơ.

Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Ước tính, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Trong khi đó, giữa nhu cầu về sức khỏe tâm thần và kinh phí hỗ trợ sức khỏe tâm thần vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn. Báo cáo cho thấy khoảng 2% ngân sách cho y tế của chính phủ được phân bổ vào chi tiêu cho sức khỏe tâm thần trên toàn cầu.

Bà Rana Flowers cho biết thêm, sức khỏe tâm thần cũng giống như sức khỏe thể chất là một trạng thái tích cực - nó làm nền tảng cho khả năng suy nghĩ, cảm nhận, học hỏi, làm việc, xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa và đóng góp cho cộng đồng và thế giới. Chúng ta cần đầu tư khẩn cấp cho sức khỏe tâm thần của trẻ em và trẻ vị thành niên không chỉ trong ngành y tế mà còn nhiều ngành khác, nhằm hỗ trợ phương pháp tiếp cận toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, thúc đẩy và chăm sóc.

Tích hợp và nhân rộng các can thiệp dựa trên bằng chứng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, bao gồm các chương trình nuôi dạy con cái đóng vai trò thúc đẩy chăm sóc nuôi dưỡng mang tính đáp ứng và hỗ trợ sức khỏe tâm thần của cha mẹ và người chăm sóc; đảm bảo các trường học hỗ trợ sức khỏe tâm thần thông qua các dịch vụ chất lượng và những mối quan hệ tích cực. Phá vỡ sự im lặng xoay quanh bệnh lý về tâm thần thông qua việc giải quyết sự kỳ thị, thúc đẩy hiểu biết tốt hơn về sức khỏe tâm thần và nhìn nhận những trải nghiệm của trẻ em và thanh thiếu niên một cách nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Stress bủa vây trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO