Sứ mệnh đại đoàn kết trong phát triển dân tộc

Dạ Yến (thực hiện) 28/01/2017 08:35

Sứ mệnh của Mặt trận là đại đoàn kết, tạo nên sự đồng thuận, phát huy sáng kiến nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chia sẻ với Đại Đoàn Kết trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ quyết tâm chủ động, đổi mới của Mặt trận và các tổ chức thành viên, bám sát Nghị quyết của Đảng, lắng nghe và chịu sự giám sát, đánh giá của nhân dân để từ đó hoàn thành sứ mệnh đại đoàn kết trong sự phát triển của dân tộc.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
(Ảnh: Quang Minh).

Vì đất nước chọn người xứng đáng

PV: Thưa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, năm 2016 được xem là năm thành công của Mặt trận khi đã tạo nên nhiều dấu ấn mới trong việc gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, động viên nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Chủ tịch, đâu là những dấu ấn quan trọng nhất?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Nhân dân mới là những người đánh giá chân thành nhất về việc Mặt trận đã làm gì trong năm 2016. Còn riêng chúng tôi cảm nhận, năm qua, Mặt trận đã góp phần làm rõ vị trí của đại đoàn kết trong sự phát triển của dân tộc ở giai đoạn hiện nay thông qua 5 hoạt động lớn.

Hoạt động lớn đầu tiên và cũng là thách thức, đó là Mặt trận động viên toàn thể nhân dân thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Để làm cho nhân dân hiểu được mình ở vị trí nào trong cuộc bầu cử này, thời gian qua, hệ thống Mặt trận từ trung ương tới các cấp đã nỗ lực và hoàn thiện nhiệm vụ của mình được Hiến pháp giao cho là vận động tuyên truyền nhân dân tham gia bầu cử, bầu ra người đại diện mình để lo cho mình, lo cho đất nước.

Thứ hai là trách nhiệm hiệp thương trong quá trình bầu cử, giới thiệu những người đủ tài, đủ đức cho nhân dân lựa chọn. Trách nhiệm thứ ba là giám sát quá trình bầu cử, đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Như vậy thông qua cuộc bầu cử, chúng ta đã tạo nên một cuộc sinh hoạt chính trị, tạo nên bầu không khí: Hãy vì đất nước, đoàn kết chọn ra người xứng đáng.

Hoạt động nổi bật thứ hai là trong năm vừa qua, từ kinh nghiệm 15 năm của CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, kinh nghiệm CVĐ “Ngày vì người nghèo” Mặt trận đã hình thành một đề án, một CVĐ cho giai đoạn mới. Đó là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên tinh thần tiếp tục kế thừa những thành tựu cũ, đồng thời có những điều chỉnh sao cho phù hợp.

CVĐ này làm theo tinh thần có hiệp thương chặt chẽ giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên. Phương châm là không để hộ nghèo, không để hộ gia đình chính sách nào mà không có một tổ chức, thành viên đứng ra nhận trách nhiệm.

Ngày 15/12 vừa qua Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trước đó, ngày 7/10, MTTQ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp với Chính phủ về vận động giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Như vậy, đây là CVĐ đáp ứng được ý Đảng, lòng dân. Chính phủ có chương trình triển khai, Mặt trận và Chính phủ có Chương trình phối hợp, có chiều sâu thu hút tất cả nguồn lực của nhân dân cũng như kết hợp giữa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hoạt động nổi bật thứ ba là Mặt trận và các tổ chức hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai, môi trường. Năm 2016 không may lại là năm có quá nhiều thiên tai. Để góp phần cùng với Nhà nước hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp số 15 về hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt trong 2 tháng.

Khi tiến hành ký kết, chúng tôi xác định còn gần nửa triệu hộ dân bị ảnh hưởng trong các vùng đó nên phấn đấu có ít nhất 10% số hộ sẽ được hỗ trợ. Có thể nói chỉ tiêu 45 nghìn hộ được hỗ trợ là một chỉ tiêu rất dũng cảm. Bởi lâu nay không có chuyện hỗ trợ theo chỉ tiêu cụ thể. Cùng với đó, trong vòng 2 tháng phải vận động khoảng 80 tỷ đồng để hỗ trợ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Mặt trận và 8 tổ chức những tấm lòng nhân ái được nhân lên và chương trình đã đạt được kết quả rất tốt đẹp.

Qua tổng kết không phải 45 nghìn hộ mà 1.193 nghìn hộ đã được hỗ trợ - gấp 5 lần chỉ tiêu và số tiền không phải 80 tỷ đồng mà là 204 tỷ đồng. Điều này là một minh chứng rõ nét cho hoạt động phối hợp giữa Mặt trận và 8 tổ chức khi dựa vào lòng dân kịp thời. Hiện nay, Mặt trận tiếp tục kêu gọi nhân dân ủng hộ đồng bào Nam Trung bộ bị lũ lụt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, những ngày gần đây các địa phương, tổ chức, cơ quan bộ ngành đã đến Mặt trận đóng góp rất tích cực.

Hoạt động nổi bật thứ 4 của Mặt trận là giám sát. Hoạt động này giúp cho hệ thống chính quyền hoạt động tốt hơn, giúp cho các đơn vị tuân thủ pháp luật tốt hơn từ đó đem lại lợi ích cho nhân dân.

Năm 2016, bên cạnh những chương trình giám sát lớn, Mặt trận triển khai giám sát mới bắt đầu từ Chương trình phối hợp số 90 với Chính phủ ngày 30-3- 2016 về vận động nhân dân giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là đề tài rất lớn phải chuẩn bị trong một quá trình. Ngoài ra còn những vấn đề nhân dân quan tâm như ô nhiễm môi trường do nguy cơ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, Mặt trận phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đưa vào chương trình trong 2 năm tới khắc phục vấn đề này. Đồng thời, Mặt trận cũng phối hợp với Bộ Nội vụ khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân.

Qua báo cáo của 63 tỉnh, thành đến giữa tháng 12/2016, tất cả các tỉnh thành, quận huyện và hầu hết các xã trên cả nước đã triển khai giám sát, phản biện. Đây là kết quả rất đáng trân trọng vì có giám sát, phản biện người dân thấy được một chính quyền thực sự vì dân và mình có tiếng nói góp phần giúp chính quyền ngày càng vững mạnh.

Cuối cùng khi nói đến đại đoàn kết là phải nhớ đến người Việt Nam ở nước ngoài. 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Hằng năm, có hàng trăm nghìn người về thăm đất nước qua đó có nhiều hình thức kết nối với quê hương từ giao lưu văn hoá, đầu tư kinh doanh. Sắp tới, Mặt trận sẽ đẩy mạnh việc huy động đóng góp của trí tuệ kiều bào cho sự phát triển đất nước. Chúng ta cần phải chung tay, quyết tâm có những giải pháp để làm cho công tác kiều bào ngày càng tốt hơn, chăm lo tốt hơn cho cuộc sống của bà con, có chính sách để bà con trở về nhiều hơn.

Sứ mệnh của Mặt trận là Đại Đoàn Kết nhưng muốn đại đoàn kết thì phải đảm bảo được ba trụ cột: Thứ nhất là bất cứ người Việt Nam yêu Tổ quốc và thương người đều có thể ngồi cùng nói chuyện với nhau, đây là cái gốc xuyên suốt. Thứ hai, làm thế nào để nhân dân hiểu được đường lối phát triển đất nước, đồng tình với sự phát triển đất nước và quyết tâm góp sức làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Thứ ba, làm thế nào phát huy được sáng kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp sức mình vào việc cải thiện đời sống, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc thông qua Mặt trận và sự hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên.

Nông dân sản xuất an toàn trong nông thôn mới

Chủ tịch vừa nhắc tới những kết quả ban đầu của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Vậy trong năm 2017 những nội dung nào Mặt trận sẽ triển khai để tiếp tục thúc đẩy cuộc vận động hiệu quả, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hiện đã có Chỉ thị của Ban Bí thư, có chương trình phối hợp với Chính phủ và có chương trình hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên. Cho đến thời điểm này, phần khung đã xong và chúng tôi đang bắt tay vào triển khai.

Vừa qua, các Bộ liên quan như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã ban hành các tiêu chí liên quan đến nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó quy định rõ, an toàn thực phẩm là gì? Gia đình văn hóa như thế nào? Đô thị văn minh như thế nào? Năm 2017 chúng tôi sẽ tổ chức triển khai.

Triển khai theo phương châm là Mặt trận ở cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên hiệp thương để trong 19 tiêu chí nông thôn mới có 15 tiêu chí Mặt trận sẽ cùng bàn bạc thực hiện. Trong đó, để hỗ trợ hộ người dân thoát nghèo phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể, để phát triển kinh tế thì cần xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Bởi vì chừng nào còn hộ cá thể thì lâu dài không thể có năng suất hiệu quả cao và không bền vững trong cơ chế thị trường cạnh tranh quốc tế.

Muốn xây dựng hợp tác xã kiểu mới, chúng ta phải làm rõ câu hỏi, ai sẽ làm Giám đốc Hợp tác xã trong tương lai?

Trước hết phải trông chờ vào 2 triệu nông dân sản xuất giỏi đã được công nhận. Họ là cá thể sản xuất giỏi, nếu họ được bồi dưỡng, quản lý, có cái tâm thì chính họ là nòng cốt làm hợp tác xã.

Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình đảm bảo trật tự trị an, mô hình đảm bảo môi trường, mô hình giữ gìn văn hóa các dân tộc tại địa phương…

Trước đây khi thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” không có chương trình phối hợp thỏa thuận chính thức với Chủ tịch phường, Chủ tịch xã. Bây giờ Mặt trận triển khai thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là vì xã, vì phường, vì người dân nên có chương trình phối hợp để biết nguồn lực của chính quyền cho phường là bao nhiêu, dùng làm gì từ đó, Mặt trận và các tổ chức xã phường vận động thêm nguồn lực xã hội.

Điểm khác nữa đó là đánh giá gia đình văn hóa, đánh giá khu dân cư văn hóa, đánh giá phường, xã đạt chuẩn nông thôn mới như thế nào? Việc này có quy trình, tiêu chí chặt chẽ hơn và trong đó Mặt trận tham gia từ khu dân cư cho đến xã, phường.

Vừa qua, tại Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Lào Cai… Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về triển khai nông thôn mới, đô thị văn minh, trên cơ sở này, chính quyền triển khai thực hiện.

Để nâng cao chất lượng nông thôn mới, cần phải làm rõ những vấn đề đặt ra, chẳng hạn ở đâu đạt nông thôn mới mà chỉ có tổ hợp tác thì phải khẩn trương thành lập một hợp tác xã làm mô hình. Còn ở đâu có một hợp tác xã thì có thêm vài hợp tác xã nữa để thu hút nhân dân tham gia.

Điều quan trọng nữa là không thể có xã nông thôn mới mà hộ nông dân sản xuất không an toàn. Vì vậy, khi đăng ký gia đình văn hóa phải là gia đình sản xuất an toàn thực phẩm. Nếu làm nghiêm, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa sẽ giảm hơn nhiều nhưng theo tôi chúng ta cần phải chấp nhận vì đó là cái giảm ngắn hạn để nâng dần chất lượng cuộc sống.

Như vậy, kinh tế muốn ổn định thì gắn với hợp tác xã kiểu mới và an toàn thực phẩm phải gắn với từng gia đình.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác tham quan Mô hình
Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình (ấp Tân Phú B, xã Tân Bình,
huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).

Mỗi tỉnh, thành phố nên có Liên hiệp hợp tác xã

Liên quan đến hợp tác xã như Chủ tịch vừa nói, hiện nay chuỗi liên kết ngành của hợp tác xã đang thực sự gặp khó khăn cho phát triển hợp tác xã kiểu mới. Vậy theo Chủ tịch cần giải quyết vấn đề này như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Trước khi Mặt trận bàn với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần có chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc vận động nhân dân thực hiện hợp tác xã kiểu mới, chúng tôi đã thấy nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết không thể thiếu của kinh tế hợp tác trong phát triển kinh tế đất nước, trong kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nhiều nơi từ chính quyền, cấp ủy cho đến Mặt trận.

Chúng ta chưa nhận thức đúng nên chưa thực sự quyết liệt làm hợp tác xã kiểu mới.

Đến nay, sau 3 năm Luật Hợp tác xã 2012 thông qua thì những mục tiêu đặt ra chưa hoàn thành. Vì thế, để kinh tế hợp tác thực sự phát triển thì phải thống nhất nhận thức: “Hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã 2012 là con đường tất yếu không thể tránh khỏi của nông nghiệp Việt Nam” và đó là nền tảng kết nối giữa hợp tác xã và doanh nghiệp để có thể cạnh tranh xuất khẩu hội nhập.

Thực tế cho thấy, nơi nào quyết liệt là nơi đó có chuyển biến. Hà Nội là một nơi làm quyết liệt. Các tỉnh Miền Tây Nam Bộ cũng quyết liệt. Tôi đã chứng kiến nhiều nơi có hội nghị toàn tỉnh, tất cả Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch huyện, quận, các sở, ngành…dự hội nghị toàn tỉnh để phổ biến chủ trương học tập hợp tác xã và xây dựng quyết tâm.

Hiện nay ở Việt Nam có một số mô hình phát triển kinh tế theo hướng hợp tác. Thứ nhất là hợp tác xã có sự liên kết với doanh nghiệp. Ví dụ Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai), chỉ có 30-40 chục hộ nhưng nhờ liên kết với doanh nghiệp họ mua thức ăn, bán gà, lợn cho nhiều tỉnh, thành phố. Theo tôi mô hình này rất quan trọng nhưng không phải hợp tác xã nào cũng đủ sức liên kết với doanh nghiệp.

Mô hình thứ hai là các hộ dân không lập hợp tác xã nhưng thực hiện hợp đồng sản xuất theo doanh nghiệp đặt hàng. Hình thức hợp đồng coi như làm thuê, đặt hàng, vẫn đất của họ, doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, mua sản phẩm của họ. Đây là mô hình tốt nhưng không phủ được đa số nông dân. Trong khi đó số doanh nghiệp liên hệ trực tiếp ký hợp đồng với hàng nghìn người không nhiều, hơn nữa với hình thức này từng hộ nông dân rất yếu thế so với doanh nghiệp, không có quyền đàm phán về giá cả.

Mô hình thứ ba ở nước ngoài đã làm nhiều đó là liên hiệp hợp tác xã. Cách đây 3 tháng, Việt Nam mới có Liên hiệp hợp tác xã cấp Quốc gia đầu tiên là “Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ thành lập, đến nay có hơn 10 cửa hàng, 10 hợp tác xã và tới đây tiếp tục mở rộng.

Qua đây chúng ta thấy giữa hợp tác xã và sản xuất an toàn có quan hệ chặt chẽ vì Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam chỉ mua nông sản của hợp tác xã sản xuất có chứng nhận an toàn. Theo tôi, mỗi tỉnh, thành phố nên có một số Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ hoa quả, tiêu thụ rau, thịt, cá…

Như vậy, nói đến kinh tế hợp tác là phát huy sức mạnh tập thể để kinh tế hộ mạnh hơn nhưng không chỉ có hợp tác xã đơn thuần mà sẽ có bước phát triển cao hơn.

Đồng bào có đạo cũng là những người Việt Nam yêu nước, thương dân

Thưa Chủ tịch, năm 2016 được xem là một năm có nhiều biến động về tôn giáo và sắc tộc trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, nói đến tôn giáo là nói đến niềm tự hào của các công dân khi được sống trong môi trường tôn giáo hòa bình và ổn định, ở đó có sự đi đầu của MTTQ Việt Nam trong việc đảm bảo kết nối, đoàn kết các tôn giáo. Chủ tịch có chia sẻ gì về vấn đề này?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Nhìn lại lịch sử, nhiều tôn giáo ở Việt Nam được du nhập từ nước ngoài nhưng bất cứ người Việt Nam theo tôn giáo nào cũng là người Việt Nam yêu nước, cũng là người Việt Nam thương dân.

Về giáo lý của tất cả các tôn giáo đang tồn tại ở Việt Nam không tôn giáo nào đi ngược lại giáo lý yêu nước, thương dân, đặc biệt là thương những người khó khăn, yếu thế. Hơn nữa, công tác tôn giáo nước ta ngày càng được nước ngoài thừa nhận. Đó là những thành tựu được đúc kết trong một quá trình lâu dài từ khi có Đảng, thống nhất đất nước cho đến nay thì mỗi một tổ chức, cơ quan đều có trách nhiệm của mình.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã từng hỏi tôi: Việt Nam xây dựng chủ nghĩa cộng sản, vậy thì đến lúc đó tôn giáo sẽ diệt vong? Tôi đã trả lời: Việt Nam xây dựng chủ nghĩa cộng sản nhưng không hướng đến sự diệt vong của tôn giáo mà tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, cũng như khẳng định sự tự do tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật.

Trong Mặt trận có đại diện của nhiều tôn giáo, trong Hội đồng nhân dân các cấp cũng có nhiều tôn giáo tham gia. Năm 2016 có 2 sự kiện quan trọng: Thứ nhất, cuối năm 2015, Mặt trận lần đầu tiên đã ký một Chương trình phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo được công nhận ở Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

40 tổ chức tôn giáo chưa bao giờ ngồi với nhau chung một diễn đàn và ký với nhau chung một văn bản, vì thế để ngồi được với nhau là do giữa các tôn giáo có sự đồng thuận trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết.

Việc thứ hai, các tôn giáo đã đóng góp rất nhiệt tình để xây dựng dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Quốc hội đã thông qua Luật này. Đây là sự kiện rất quan trọng, đòi hỏi trong thời gian tới chúng ta phải quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa nhu cầu của các tôn giáo như quy hoạch đất đai, cấp phép cho các cơ sở từ thiện, dạy nghề…

Sắp tới, Mặt trận sẽ có một hội nghị tổng kết các tôn giáo tham gia vào việc duy trì các cơ sở từ thiện, chăm lo cho người nghèo, người bị nhiễm HIV, trẻ mồ côi. Đây là hội nghị nối tiếp sau thành công của hội nghị tổng kết về cơ sở mầm non của các tôn giáo từ năm trước.

Nói tóm lại, vấn đề tôn giáo ở nước ta về cơ bản không có đối đầu nhưng chúng ta cũng không nên nhận xét các nước khác họ duy trì tôn giáo như thế nào vì họ có lịch sử của mình. Điều quan trọng lúc này là làm sao để nhân dân trong đó có đồng bào có đạo ở Việt Nam hạnh phúc với chế độ này, vui với cuộc sống này, khi ấy Đảng, Mặt trận mới hoàn thành nhiệm vụ.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân!

75 năm báo Đại Đoàn Kết đồng hành cùng MTTQ Việt Nam

Trong chặng đường 75 năm qua, báo Đại Đoàn Kết mà tiền thân là báo Cứu Quốc- Giải Phóng- luôn đồng hành cùng MTTQ Việt Nam, đồng hành cùng với đường lối, chỉ đạo của Đảng và thực tiễn cách mạng đất nước, là công cụ truyền thông trực tiếp, hiệu quả, trong việc xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nếu không có báo Đại Đoàn Kết có lúc khó nhận ra Mặt trận. Vì mọi việc Mặt trận làm, mọi điều Mặt trận muốn nói với nhân dân đều được truyền tải lên mặt báo.

Ngày nay, khi chúng ta bước vào giai đoạn thực hiện đường lối Đại hội Đảng lần thứ XII, cũng như các nội dung Đại hội VIII của Mặt trận tổ quốc, báo Đại Đoàn Kết có nhiều đổi mới để đáp ứng đòi hỏi này. Báo đã có sự phát triển về phương thức từ báo giấy, báo điện tử cho đến nhiều chuyên đề, phụ san.

Trong thời gian tới, báo Đại Đoàn Kết phải luôn tự hỏi bạn đọc của mình là ai? Đọc xong họ nghĩ gì? Tôi mong rằng, báo cần quan tâm hơn nữa tới việc tương tác với bạn đọc và có kế hoạch phát triển báo điện tử cũng như một số chuyên san, chuyên đề để đa dạng hóa trong cách tiếp cận với bạn đọc, làm sao để báo Đại Đoàn Kết tự đánh giá được mình và đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào sự nghiệp Đại Đoàn Kết toàn dân tộc.

Nhân dịp này cho phép tôi được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các đồng chí là lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động báo Đại Đoàn Kết qua các thời kỳ. Có người đã hy sinh, có người tuổi cao sức yếu, người đã nghỉ hưu nhưng chính họ là những người đã góp thêm một viên gạch 75 năm của Báo Đại Đoàn Kết trong lòng dân tộc Việt Nam. - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân -

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sứ mệnh đại đoàn kết trong phát triển dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO