Sự xung đột giữa phát triển và bảo tồn tại Vườn Quốc gia Komodo, Indonesia

Mai Nguyễn (Theo AP) 23/12/2021 15:11

Một dự án thúc đẩy du lịch ‘đầy tham vọng’ của Indonesia tại Vườn Quốc gia Komodo đã dẫn đến sự xung đột giữa chính phủ và những cư dân địa phương, cũng như các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.

Dự án gây tranh cãi

Trên một con đường đất, chiếc lưỡi vàng thè ra khỏi miệng, một thành viên của loài thằn lằn lớn nhất thế giới đang nằm dài trên một hòn đảo ở Vườn Quốc gia Komodo phía đông Indonesia, trong khi khách du lịch chụp ảnh. Nhưng cách đó khoảng 30 km, trên một hòn đảo khác có nuôi rồng Komodo, cây cối đã bị chặt bỏ và đổ bê tông để xây dựng các cơ sở du lịch mới, làm dấy lên sự phẫn nộ của cư dân và các nhà hoạt động môi trường.

Rồng Komodo tại Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia. Ảnh: AP.

Việc xây dựng là một phần trong sáng kiến ​​đầy tham vọng của Indonesia. Chính điều này đã gây ra sự căng thẳng giữa chính phủ - mong muốn phát triển các điểm tham quan tự nhiên cho loại hình du lịch cao cấp, và các nhà bảo tồn – những người lo ngại môi trường sống của loài rồng Komodo đang có nguy cơ tuyệt chủng sẽ không còn nữa.

Bao gồm khoảng 2.200 km vuông diện tích đất liền và biển, Vườn Quốc gia Komodo được thành lập vào năm 1980 để giúp bảo vệ loài rồng nổi tiếng này. Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia ước tính có khoảng 3.000 loài bò sát hiện đang sống ở đó, cùng với cá nược giống lợn biển, rùa biển, cá voi và hơn một nghìn loài cá nhiệt đới.

Một phần của Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia. Ảnh: AP.

Công viên này đã trở thành Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vào năm 1991, nhờ vẻ đẹp và sự đa dạng sinh học. Đây là một trong những viên ngọc quý của ngành du lịch Indonesia, thu hút hàng trăm nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm.

Trong nhiều năm, chính phủ Indonesia đã cố gắng tìm ra cách tận dụng tốt nhất di sản này, gần đây nhất đã chỉ định Vườn Quốc gia Komodo là một phần của sáng kiến ​​“10 đảo Bali Mới” của đất nước - một nỗ lực để thu hút nhiều khách du lịch hơn, như đảo Bali đã làm trước khi có các hạn chế biên giới do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Rồng Komodo cùng các loài động vật khác trong Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, Sandiaga Uno cho biết: “Chúng tôi đang bắt tay vào một kỷ nguyên du lịch mới ở Indonesia dựa trên thiên nhiên và văn hóa, tập trung vào du lịch bền vững và chất lượng”.

Một phần của kỷ nguyên phát triển du lịch trị giá hàng triệu USD chính là một dự án trên Đảo Rinca, nơi ước tính hơn một phần ba số rồng Komodo của công viên đang sinh sống trên địa hình nóng và khô. Việc xây dựng bao gồm một trạm kiểm lâm mở rộng, đài quan sát, bến thuyền và các cơ sở hạ tầng khác.

Dự án đã gây lo lắng cho các nhà hoạt động môi trường địa phương và cư dân trong ranh giới công viên, những người nói rằng sinh kế của họ như hướng dẫn viên du lịch, lái thuyền và bán hàng lưu niệm đều phụ thuộc vào vẻ đẹp tự nhiên của khu vực.

Người dân đánh cá tại một ngôi làng trên đảo Rinca thuộc Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia. Ảnh: AP.

Gregorius Afioma, một thành viên của tổ chức phi chính phủ địa phương Sun Spirit vì Công lý và Hòa bình cho biết: “Khi chúng ta nói về sự phát triển trong khu bảo tồn, chúng ta phải suy nghĩ ... liệu đây là một hiệu quả kinh tế được coi là khôn ngoan cho người dân địa phương - hay đem lại hiệu quả môi trường hay không?”.

Liên hợp quốc lên tiếng

Tổ chức UNESCO cũng đã nêu lên những lo ngại về sự phát triển của công viên.

Guy Debonnet, người đứng đầu đơn vị di sản thiên nhiên cho biết: “Đây chắc chắn là một dự án đáng quan tâm, bởi vì chúng tôi cảm thấy rằng các tác động đến giá trị phổ quát của công viên vẫn chưa được đánh giá đúng mức”.

Một bãi biển tại Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia. Ảnh: AP.

Trong một cuộc họp vào tháng 7, UNESCO đã bày tỏ những quan ngại khác, chẳng hạn như dự án sẽ giảm diện tích hoang dã của công viên xuống một phần ba diện tích trước đó. Một báo cáo từ cuộc họp cho biết: “Mục tiêu 500.000 du khách hàng năm cho khu nghỉ dưỡng đã được đề xuất, cao hơn gấp đôi so với số lượng khách trước đại dịch Covid-19. Điều này đặt ra câu hỏi làm thế nào mô hình du lịch này phù hợp với tầm nhìn của Indonesia về việc chuyển từ du lịch đại chúng sang các phương pháp tiếp cận bền vững hơn”.

Theo yêu cầu của UNESCO, quốc gia này đã đệ trình thêm thông tin về dự án. Nhưng sau khi xem xét, vào tháng 10/2020, cơ quan Liên hợp quốc đã yêu cầu Indonesia không “tiến hành bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng du lịch nào có thể ảnh hưởng đến giá trị chung của tài sản, trước khi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xem xét đánh giá tác động môi trường liên quan”.

Rồng Komodo tại Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia. Ảnh: AP.

Một số chuyên gia lo ngại việc mở rộng du lịch trong khu vực bảo tồn có thể dẫn đến sự xáo trộn môi trường sống của rồng Komodo.

Những con thằn lằn săn mồi có thể đạt chiều dài đến 3 mét và nặng hơn 135 kg. Thời gian gần đây, rồng Komodo đã được chuyển từ trạng thái “dễ bị tổn thương” sang “nguy cấp” trong danh sách các loài động vật bị đe dọa của IUCN. Những tác động của biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường sống của loài rồng - bao gồm cả sự xâm lấn của con người - là những lý do chính dẫn đến sự thay đổi này.

Bryan Fry, phó giáo sư tại Trường Khoa học Sinh học thuộc Đại học Queensland ở Úc nhấn mạnh: “Điều đó có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng sinh thái rất mong manh ở những hòn đảo này”.

Rồng Komodo tại Vườn Quốc gia Komodo ở Indonesia. Ảnh: AP.

Ngày khai trương các cơ sở du lịch mới trên Đảo Rinca vẫn chưa được công bố. UNESCO cho biết họ vẫn đang đàm phán với các quan chức Indonesia để sắp xếp một phái đoàn giám sát nhằm đánh giá tác động của sự phát triển đang diễn ra đối với công viên và xem xét tình trạng bảo tồn của nó.

Trong khi các di sản thế giới thường được ủy ban UNESCO thảo luận theo chu kỳ hai năm, Vườn Quốc gia Komodo sẽ được thảo luận vào năm 2022. Đó là một dấu hiệu cho thấy có một số cấp bách trong vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự xung đột giữa phát triển và bảo tồn tại Vườn Quốc gia Komodo, Indonesia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO