Sửa đổi chính sách thuế: Hỗ trợ sản xuất trong nước

H.Hương 01/10/2016 12:23

Ngày 30/9, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Các giải pháp và chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập năm 2016”. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan quản lý khẳng định, chính sách thuế nhằm tạo điều kiện để DN phát triển thì DN cho rằng cần được hướng dẫn cụ thể hơn.

Sửa đổi chính sách thuế: Hỗ trợ sản xuất trong nước

Doanh nghiệp cần sự thông thoáng hơn trong chính sách thuế.

Nhiều chính sách thuế mới

Thời gian qua, nhiều chính sách thuế đã được ban hành nhằm mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Những nội dung mới được sửa đổi thể hiện các thông điệp chính sách lớn: Đảo đảm nguồn thu của ngân sách nhà nước hợp lý, thực hiện thu đúng, thu đủ từ bản chất kinh tế của loại thuế này; Bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản công tác quản lý thuế, tăng tính khả thi trong tuân thủ; Bảo vệ DN một cách hợp pháp, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập...

Ông Nguyễn Văn Phụng-Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, ngày 6/4/2016, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế (Luật số 106/2016/QH13).

Trong đó, Luật Thuế TTĐB được sửa đổi trên cả 3 trục căn bản là: Phạm vi, đối tượng chịu thuế hay danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế; Giá làm cơ sở, căn cứ tính thuế (giá tính thuế); Mức thuế suất.

Pháp luật thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, hỗ trợ dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc đối với một số nhóm mặt hàng, ngành nghề phù hợp với tiến trình hội nhập và định hướng phát triển của Nhà nước giai đoạn 2005-2015.

Nhờ đó, tỷ trọng số thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong tổng thu ngân sách nhà nước ngày càng tăng, góp phần điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách theo hướng bền vững và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế.

Với việc Luật thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016, được đánh giá sẽ tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và mang đến nhiều cơ hội thuận lợi đối với doanh nghiệp thời hội nhập.

Thực tế cũng chỉ ra, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã nỗ lực cải cách thuế với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Nhiều giải pháp đã và đang được Bộ Tài chính thực hiện và trình cấp có thẩm quyền nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ; Dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, dự kiến trình Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 3 (tháng 10/2016).

Cần hướng dẫn cụ thể

Nhưng đứng ở vị trí cộng đồng DN, họ mong muốn gì? Cộng đồng DN thẳng thắn đề nghị cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thường xuyên có những văn bản hướng dẫn cụ thể cũng như mở nhiều khóa đào tạo thiết thực cho cán bộ thực thi và cộng đồng DN về những chính sách mới. Có như vậy, mới đem lại hiệu quả thực sự cho cộng đồng DN.

Ông Trần Huy Hoàng- Giám đốc Công ty Censtaf group đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên có những lớp đào tạo, tập huấn giúp DN dễ dàng tiếp cận hơn với những thay đổi trong cơ chế chính sách về thuế, hải quan và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động của DN.

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết 12 Hiệp định FTA, trong đó có một số FTA đặc biệt quan trọng vừa được ký kết trong năm 2015 và 2016 như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Theo lộ trình đến năm 2018 sẽ có trên 95% dòng thuế với các đối tác FTA có thuế suất bằng 0% (ngoại trừ một số mặt hàng có lộ trình sau năm 2028 như thuốc lá, đường, trứng, muối...).

Để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước chúng ta cần thiết phải bổ sung, nâng cấp các biện pháp phòng vệ về thuế nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước.

Bà Lỗ Thị Nhụ- Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung, thống nhất và hoàn thiện các quy định về thành lập DN, thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép thành lập, giấy phép hành nghề tại Luật DN (quy định điều kiện thành lập DN dễ dẫn đến nhiều trường hợp lợi dụng để thuê người khác đứng tên giám đốc; quy định về thu hồi giấy phép kinh doanh chưa tạo thuận lợi cho việc thu hồi giấy phép khi cần áp dụng biện pháp này). Qua đó, giúp cho việc quản lý DN và nợ thuế hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Do vậy, cùng với việc hướng dẫn và triển khai thực hiện có hiệu quả các Luật mới ban hành như Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Kế toán (sửa đổi), Luật Phí và lệ phí…

Trong khi đó ông Ngô Hữu Lợi- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN thời hội nhập. Thứ nhất, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Thứ hai, rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia; Thứ ba, xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm tạo môi trường và hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động cải cách tài chính công, tổ chức triển khai hiệu quả Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa đổi chính sách thuế: Hỗ trợ sản xuất trong nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO