Sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu cấp thiết

Anh Quang 27/08/2022 14:06

Hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng như nhiều tỉnh, thành bị khởi tố, bắt giam và lĩnh án tù trong thời gian qua do liên quan đến đất đai cho thấy, công tác quản lý đất đai, Luật Đất đai hiện hành đang có nhiều kẽ hở cần sửa đổi.

Khu dân cư Ven sông phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý vì đất

Viện KSND TPHCM vừa hoàn tất cáo trạng, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang cùng 9 bị can liên quan đến sai phạm tại dự án khu dân cư Phước Kiển, khu dân cư Ven Sông.

Theo đó, ông Tất Thành Cang - cựu Phó Bí thư Thành ủy TPHCM và 9 thuộc cấp bị đề nghị truy tố do sai phạm chuyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và 169.229m2 đất của dự án Khu dân cư Ven Sông phường Tân Phong (quận 7) từ Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Đây là đất công, được Thành ủy TPHCM giao cho Công ty Tân Thuận quản lý.

Trong vụ án này, có đến 4 bị can từng làm cán bộ Thành ủy TPHCM phải ra hầu tòa, do bán đất công sai quy định. Đối với việc UBND TPHCM ban hành quyết định số 6171 chấp thuận chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai và trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến việc ban hành quyết định 6171; trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, cơ quan an ninh điều tra đã quyết định tách nhóm hành vi này để tiếp tục điều tra, xử lý sau.

Hồi cuối năm 2021, có tới 19 bị cáo phải hầu tòa trong vụ án sai phạm tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) do liên quan đến đất nền của Dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9 cũ, TPHCM). Dự án này được chuyển nhượng khi chưa đủ căn cứ pháp lý và không thẩm định giá, gây thiệt hại hơn 672 tỷ đồng. Trong 19 bị cáo bị lĩnh án, người từng giữ chức vụ cao nhất là ông Trần Vĩnh Tuyến - cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Tấn Hùng - cựu Tổng Giám đốc SAGRI và ông Trần Trọng Tuấn - cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cùng nhiều bị cáo nguyên là cán bộ các sở, ngành thuộc TPHCM.

Một khu đất khác có 3 mặt tiền (gần 5.000m2) ở số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) cũng khiến ông Nguyễn Thành Tài - cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM (nhiệm kỳ 2011-2015) cùng 3 người khác là Đào Anh Kiệt - cựu Giám đốc Sở TNMT; Nguyễn Hoài Nam - cựu Bí thư Quận ủy quận 2; Trương Văn Út - cựu Phó phòng Quản lý đất Sở TNMT) phải ra tòa.

Ngày 15/8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử 28 bị cáo trong vụ án bán rẻ 43ha đất của Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng Công ty 3-2). Bị cáo Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 27 bị cáo khác, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo, lãnh đạo tỉnh Bình Dương gồm: Phạm Văn Cành - cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND; Trần Thanh Liêm - cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Trúc - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh… bị xét xử về các tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “tham ô tài sản”.

Đây là vụ án về đất đai đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều lãnh đạo cấp cao của tỉnh Bình Dương, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước.

Trong từng vụ việc, điều kiện hoàn cảnh phạm tội và mức độ vi phạm có thể khác nhau, nhưng điểm chung là các cá nhân trong các vụ án nói trên, nhiều người từng là lãnh đạo cấp cao ở TPHCM cũng như các tỉnh, thành khác, đã bị các doanh nghiệp câu kết để biến đất công thành đất tư, nhằm hưởng lợi lớn.

Sửa đổi Luật Đất đai - yêu cầu cấp thiết

Thống kê của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2022, hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất đã được xử lý, thu hồi thông qua công tác thanh tra, kiểm toán; Gần 44.700 tập thể, cá nhân bị xử lý trách nhiệm; gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội được chuyển cho cơ quan điều tra.

Không khó để nhận thấy, thời gian qua, những câu chuyện mất đất, mất cán bộ đang lộ diện ngày càng nhiều. Từ các cán bộ cấp cao, lãnh đạo bộ, ngành tới cán bộ cấp xã, huyện. Nhìn nhận về vấn đề này, GS. TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tham nhũng đất đai đã diễn ra trong lịch sử, nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, đất đai trở thành những tài sản lớn nên nạn tham nhũng về đất đai có nhiều biến tướng khác nhau.

Một trong những nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 là: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Để hiện thực hóa được các mục tiêu này, việc sửa đổi Luật Đất đai, cũng như nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về đất đai là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, cần tập trung và ưu tiên cho việc hoàn thiện dự án Luật Đất đai sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, sửa Luật Đất đai là vấn đề khó nhất, cũng là vấn đề phức tạp nhất, cũng được trông đợi nhất, cho nên cần huy động các thành phần tham gia, vận dụng tối đa trí tuệ để có thể thông qua được Luật đất đai có chất lượng. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân cũng là giải pháp thiết thực để tạo sự đồng thuận, đưa chính sách, pháp luật về đất đai thực sự đi vào cuộc sống.

Qua rà soát 112 bộ luật - có 22 luật có nội dung, vướng mắc chồng chéo với Luật Đất đai, trong đó nhóm luật về đầu tư gồm 4 luật: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghệ cao (sửa đổi năm 2014).

Nội dung vướng mắc tập trung vào 10 vấn đề: người sử dụng đất; điều kiện giao đất, cho thuê đất; tiếp cận đất đai; quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án và kế hoạch sử dụng đất; chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất; đấu giá/đấu thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư; hình thức giao đất sau khi trúng đấu thầu dự án; thời điểm giao đất, định giá đất sau khi trúng đấu thầu; góp vốn bằng quyền sử dụng đất; chế độ sử dụng đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan chủ trì Luật Đất đai sửa đổi cho biết: đối với các luật đã có trong chương trình sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn 2022 - 2024, cần rà soát sửa đổi, bổ sung để thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai. Đối với các luật chưa có trong chương trình xây dựng luật giai đoạn này, thì sửa đổi ngay trong Luật Đất đai để thống nhất đồng bộ với quy định của Luật Đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu cấp thiết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO