Sửa đổi Luật Di sản văn hóa phù hợp thực tiễn

K. An 13/01/2022 08:00

Ngày 12/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa theo hình thức trực tuyến với nhiều điểm cầu nối đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: TTXVN

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001 đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Được sửa đổi, bổ sung năm 2009, một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau 20 năm thực hiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đang bộc lộ hạn chế về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa vô cùng cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Trong chương trình, các đại biểu đã tham luận, đóng góp ý kiến về những vấn đề cần được nghiên cứu bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến di sản văn hóa nói chung; bên cạnh đó là những đóng góp ở các lĩnh vực cụ thể như di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, bảo tàng, tư liệu…

Trên cơ sở đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thiện báo cáo 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa; trình Chính phủ, Quốc hội cho phép xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Đây là thời điểm thích hợp để Bộ cùng các địa phương tiến hành tổng kết, đưa ra ý kiến đóng góp nhằm xây dựng báo cáo đề xuất để sửa đổi Luật Di sản văn hóa trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, luật là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính vì thế nên phải nhận thức đúng, đủ, sâu, quan điểm mới của Đảng về vấn đề di sản, kế thừa các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, từ đó làm sâu sắc hơn những luận điểm cơ bản mà các nghị quyết đã đề cập. Di sản văn hóa đã được xác định là tài sản vô giá của dân tộc, nhưng phải được gắn kết với cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở sáng tạo ra các giá trị mới để giao lưu văn hóa…

Bên cạnh đó, việc xây dựng luật cần phải được nhìn ở 2 góc độ là bảo vệ được di tích và di sản nhưng không bó buộc, mà quan trọng hơn là phát huy được giá trị của di sản, di tích đó. Hệ giá trị của di tích, di sản phải được tỏa sáng, dẫn dắt, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, khẳng định hồn cốt dân tộc…

Do đó, cần phát hiện những vấn đề bất cập, có sự khái quát lớn, tầm nhìn xa, dự báo sát khi tiến hành sửa đổi luật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề cập đến vấn đề nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản và việc phân cấp quản lý giữa Bộ với các địa phương cho phù hợp để đảm bảo chuyển từ cơ quan văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật hiệu quả, sát thực tiễn…

Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cũng phải đảm bảo tạo ra sự tương thích với các bộ luật khác để tạo động lực, sức mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa đổi Luật Di sản văn hóa phù hợp thực tiễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO