Sửa Luật Phòng chống ma túy: Kiểm soát chặt chất gây nghiện

H.Vũ 12/09/2020 05:37

Chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, luật cần có chính sách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa để phòng chống ma túy.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa-xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, cụ thể. Những bất cập được Thượng tướng Lê Quý Vương khái quát như chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Cụ thể, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm.

Bên cạnh đó, theo Thượng tướng, số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn, xã hội.

“Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới”, Thượng tướng Lê Quý Vương cho hay.

Thẩm tra dự án luật, bày tỏ quan điểm cơ bản tán thành với những quy định của dự thảo luật, tuy nhiên bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể trong dự thảo Luật về việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 6 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa trẻ em, người chưa thành niên đi cai nghiện bắt buộc.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy, bởi hiện nay đang có khoảng trống pháp luật về nội dung này.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, cần đánh giá lại thực trạng số người nghiện và phân loại các đối tượng này để có phương pháp điều trị thích hợp và cũng cần đánh giá sâu hơn về việc đưa người nghiện về cộng đồng, về gia đình xem cai nghiện có tốt hơn không? có ảnh hưởng tới hàng xóm hay không? bởi thực tế, thường nơi nào có người nghiện thì nơi đó có lo lắng về vấn đề an ninh trật tự.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện nay phát triển kinh tế đã tốt, xã hội cơ bản ổn định. Tuy nhiên trong xã nào, phường nào, gia đình nào có người người nghiện là điều khủng hoảng, tác động đến cuộc sống nghiêm trọng.

“Gia đình có con nghiện thì tan cửa nát nhà, tương lai người nghiện rất vô vọng, bởi cai nghiện vô cùng phức tạp. Số người nghiện cai được rất ít, hầu hết không thành công… Người nghiện là bệnh xã hội, khỏe như vâm sao lại bảo là bệnh? Còn bảo họ là tội phạm lại liên quan đến vấn đề nhân đạo”, ông Hiển nói, từ đó đề nghị luật lần này cần cứng rắn, cương quyết hơn nữa.

“Nhân đạo cũng phải có tầng nấc, không phải mãi mãi. Như vi phạm lần 1 thì xử lý hành chính, vi phạm lần 2 phải xử lý nặng hơn, còn vi phạm lần 3 thì cưỡng chế, bỏ tù cách ly khỏi xã hội. Không thể để vi phạm mãi, cuối cùng xã hội, gia đình phải nuôi anh, chưa kể anh gây ra vụ án nghiêm trọng vì mất kiểm soát về tinh thần”.

Kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, ma túy còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên việc ngăn chặn từ biên giới vẫn còn nhiều mặt khó khăn. Nước ta đang đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy, số người nghiện đang tăng nhanh, đe doạ sự phát triển bền vững của đất nước, gây lo lắng bức xúc trong nhân dân. Cho nên sửa luật phải làm sao phát huy được sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân để ngăn chặn ma túy, kiểm soát chặt chẽ chất gây nghiện, giảm số người nghiện mới gắn với việc tăng cường quản lý người nghiện, không để tăng số người nghiện tái phạm nhiều lần phải xử lý hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa Luật Phòng chống ma túy: Kiểm soát chặt chất gây nghiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO