Sửa pháp luật để giảm tỷ lệ kiểm tra hải quan chuyên ngành

T.M. 11/07/2017 20:50

Chiều 11/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899), đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, đề ra giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2017.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan - Cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo 1899, 6 tháng đầu năm 2017, đã có thêm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số cơ quan lên 11 bộ, ngành; bổ sung thêm 3 thủ tục hành chính, nâng tổng số lên 39 thủ tục.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đang triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không, Đề án quản lý giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Cơ chế một cửa quốc gia (thực hiện tại Hải Phòng và Hà Nội trong năm 2017, sau đó sẽ mở rộng ra các địa bàn có cảng biển và cảng hàng không lớn).

Đến hết tháng 6/2017, Cơ chế một cửa quốc gia đã xử lý 180.079 hồ sơ (tăng 107% so với 6 tháng đầu năm 2016) của 12.683 doanh nghiệp (tăng 70% so với cùng kỳ năm trước). Các Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia với số lượng hồ sơ và thủ tục lớn. Bộ Quốc phòng cũng đã xử lý hồ sơ trong lĩnh vực hàng hải tại một số cảng biển quốc tế lớn, dự kiến sẽ mở rộng đủ 9 cảng biển trong năm 2017 và mở rộng hết trong năm 2018.

Bộ Tài chính đã tổng rà soát thủ tục kiểm tra hải quan chuyên ngành tập trung vào 9 Bộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ tổ chức triển khai đơn giản hoá thủ tục. Một số bộ, ngành đã rà soát tất cả các văn bản pháp luật liên quan tới kiểm tra chuyên ngành để sửa đổi.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, công tác phối hợp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa tốt.

Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng Nghị định số 58/2017/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017), Bộ Tài chính đã nhiều lần đóng góp ý kiến đối với nội dung dự thảo để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các quy định chuyên ngành cũng như phù hợp yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhưng không nhận được thông tin tiếp thu đầy đủ từ Bộ Giao thông vận tải. Việc này tác động lớn đến các doanh nghiệp và cơ quan đang thực hiện thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia tại 9 cảng biển quốc tế.

Bên cạnh đó, chỉ có 22 thủ tục của 6 bộ là có tính khả thi để đưa vào thực hiện trong năm 2017, chiếm 17% so với tổng chỉ tiêu đăng ký trong năm (22/130). Hiện chỉ có 4 bộ, cơ quan dự kiến sẽ triển khai theo đúng lộ trình đăng ký, bao gồm Bộ Công Thương (6/6), Bộ Khoa học và Công nghệ (4/4), Ngân hàng Nhà nước (1/1) và VCCI (1/1). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến đạt 50% (6/12); Bộ Giao thông vận tải dự kiến đạt 6% (3/50) số lượng thủ tục đăng ký. Các Bộ khác chưa xác nhận số lượng thủ tục sẽ triển khai trong 2017 hoặc chưa triển khai thống nhất yêu cầu kỹ thụật, nghiệp vụ nên không có cơ sở đảm bảo tính khả thi.

Tiến độ triển khai sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất chậm. Hiện còn tồn đến 63 văn bản vẫn đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và chưa hoàn thành theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và các Nghị quyết 19/NQ - CP năm 2015,2016, 2017 của Chính phủ.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu chưa xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực hiện các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chưa nắm vững các quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, khi thực hiện còn lúng túng, khó khăn.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá một số bộ chưa tích cực trong thực hiện cải cách thủ tục, nhất là kiểm tra hải quan chuyên ngành và coi đây là nguyên nhân chính làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Phân tích kỹ về rào cản kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng cho biết, thủ tục này chiếm từ 30- 35% tổng số thủ tục hải quan mà tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, trong khi Ngân hàng Thế giới khuyến cáo tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành chỉ nên chiếm 15%.

“Vướng mắc hiện nay là văn bản pháp luật quy định kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, quy định một mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ. Có trường hợp 1 mặt hàng chịu nhiều hình thức kiểm tra của cùng 1 bộ. Có danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra (chiếm 50% tổng số lượng kiểm tra chuyên ngành của 9 bộ-PV), có nghĩa là Bộ muốn kiểm tra gì cũng được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Để khắc phục các rào cản của kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ liên quan mà chủ yếu là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; áp dụng biện pháp công nhận lẫn nhau về quy trình sản xuất, truy xuất sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để hạn chế kiểm tra, tăng cường hậu kiểm; giao cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu,...

Trước việc chỉ có 22 thủ tục hành chính đưa vào Cơ chế một cửa quốc gia từ đầu năm tới nay, Chủ tịch Uỷ ban yêu cầu các Bộ, ngành phải hoàn thành kế hoạch đưa 130 thủ tục vào Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2017; rà soát, bổ sung các thủ tục mới qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sẽ chính thức kết nối khi Nghị định thư về Cơ chế này có hiệu lực (hiện nay đã có 9 nước phê chuẩn).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa pháp luật để giảm tỷ lệ kiểm tra hải quan chuyên ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO