Sửa quy chế chi tiêu nội bộ có cần phê duyệt của cơ quan cấp trên?

PV (theo VGP) 29/03/2018 11:00

Trường hợp quy chế chi tiêu nội bộ đã được cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận mà cần sửa đổi để phù hợp, sau khi quy chế được thảo luận trong hội nghị cán bộ viên chức và thống nhất sẽ trình cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận việc điều chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm việc tại Ban quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng huyện Thuận Châu đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống như sau:

Theo Điều 18 Thông tư số 72/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về tiền lương, tiền công và thu nhập: "Thu nhập tăng thêm: Nhà nước khuyến khích các BQLDA tăng thu, tiết kiệm chi, thực hiện tinh giản biên chế, tăng thêm thu nhập cho người lao động trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước; tùy theo kết quả hoạt động tài chính trong năm, BQLDA được quyết định tổng mức chi trả thu nhập tăng thêm trong năm cho người lao động không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định".

Bà Hiền hỏi, những người lao động ký hợp đồng không thuộc danh sách biên chế tiền lương của BQLDA có được thanh toán hệ số không quá 3 lần quỹ tiền lương như Thông tư quy định không?

Tại Điều 16 Thông tư số 72/2017/TT-BTC hướng dẫn tự chủ về sử dụng nguồn tài chính có nêu: "a) Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: căn cứ vào khả năng tài chính, BQLDA được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị".

Bà Hiền hỏi, mua sắm tài sản cơ quan bà đang thực hiện theo Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn định mức chế độ quản lý, sử dụng máy móc thiết bị của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập. Vậy, đơn vị bà căn cứ vào khả năng tài chính có được quyết định mua sắm cao hơn hoặc thấp hơn định mức của Thông tư không?

Tại Khoản 5, Điều 16, Thông tư số 72/2017/TT-BTC hướng dẫn tự chủ về sử dụng nguồn tài chính: "5. BQLDA xây dựng và phê duyệt quy chế chi tiêu nội bộ sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên". Vậy, Ban QLDA có được phép phê duyệt quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị không hay phải do cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt?

Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Tại Khoản 4, Điều 16 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 quy định: “4. Căn cứ tính chất công việc, Giám đốc BQLDA nhóm II được quyết định phương thức khoán chi phí cho từng bộ phận, đơn vị trực thuộc; Quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm mới và sửa chữa lớn tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Do vậy, việc mua sắm đầu tư xây dựng, mua sắm mới và sửa chữa lớn tài sản của BQLDA thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tại Khoản 5, Điều 16 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 quy định: “5. BQLDA xây dựng và phê duyệt quy chế chi tiêu nội bộ sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên”.

Theo quy định nêu trên, trường hợp đơn vị thuộc nhóm đối tượng là Ban QLDA nhóm II thì trước khi BQLDA phê duyệt quy chế chi tiêu nội bộ phải được cơ quan quản lý cấp trên là Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện có ý kiến chấp thuận bằng văn bản.

Trường hợp quy chế chi tiêu nội bộ đã được cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận mà cần sửa đổi để phù hợp, sau khi quy chế được thảo luận trong hội nghị cán bộ viên chức và thống nhất sẽ trình cơ quan quản lý cấp trên chấp thuận việc điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa quy chế chi tiêu nội bộ có cần phê duyệt của cơ quan cấp trên?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO