Sức bật mới cho nền kinh tế

Nam Việt 17/06/2020 14:47

Ngày 5/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Khi mà bằng với rất nhiều nỗ lực, quyết tâm “chống dịch như chống giặc” Việt Nam đã cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được dịch Covid-19; thì nay chính là thời điểm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Còn trong sáng ngày 8/6, với đa số phiếu tán thành, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA)- rộng đường để hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tiến vào thị trường châu Âu.

100% Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Chuyển hoá cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng

Kết luận số 77-KL/TW nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế. Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước, trong đó có thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Kết luận chỉ rõ cần xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hoá cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.

Thực tế suốt từ đầu năm cho tới nay, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta chùng lại, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn. Khối các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn cũng phải đối diện với nhiều thách thức tưởng chừng không thể vượt qua. Trong tình thế ấy, cộng đồng doanh nghiệp đã có rất nhiều nỗ lực, sáng tạo, tìm ra những phương thức thích hợp để trụ lại, chờ thời điểm khôi phục và bật lên.

Rất đáng chú ý, trong những tháng ngày gian nan đó, cho dù nhiều doanh nghiệp thua lỗ, một bộ phận người lao động có thể bị giãn việc, giảm thu nhập nhưng đã không xảy ra “làn sóng” sa thải. Điều đó cho thấy bản chất tốt đẹp của chế độ cũng như tấm lòng của doanh nhân đất Việt; đồng thời “bảo toàn” được lực lượng lao động chuẩn bị nguồn lực con người khi tình hình thay đổi, cần phải tăng tốc bứt phá.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động cũng như những đối tượng nghèo, yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, quyết sách lớn, trong đó có gói hỗ trợ doanh nghiệp 250.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ 7 đối tượng khó khăn 65.000 tỷ đồng. Hiện hai gói hỗ trợ này đã và đang đến những địa chỉ cần thiết, tiếp lửa và truyền lực, khôi phục và tạo sức bật cho nền kinh tế.

Khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, khống chế thì việc nhanh chóng bật dậy khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh là rất cần thiết. Gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều giải pháp kích cầu quan trọng cũng như xác định mục tiêu cho giai đoạn trước mắt của ngành du lịch: đó là hướng tới khai thác thị trường nội địa, khi mà khách nước ngoài chưa thể đến Việt Nam. Chủ trương này lập tức cho thấy hiệu quả khi mà khách trong nước đi du lịch ngày một nhiều, các chuyến bay trong nước, những đoàn tàu, những đoàn ô tô đã đông khách trở lại. Những bãi biển đã vui hơn. Nhà nghỉ, khách sạn không còn cảnh “ngủ đông”.

Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, nhưng chúng ta cũng không quên thị trường nước ngoài. Một điểm sáng rất rõ là mùa vải thiều năm nay, cùng với việc tiêu thụ trong nước thì lượng quả vải xuất khẩu là rất lớn. Không chỉ thị trường truyền thống là Trung Quốc, mà quả vải thiều của Việt Nam còn thâm nhập thị trường Nhật Bản- thị trường rất khó tính khi đòi hỏi chất lượng rất cao. Vì thế, việc quả vải thiều Việt Nam vào được thị trường Nhật Bản cho thấy khả năng sẽ vào được các thị trường khác là rất lớn.

Phía trước là đại lộ thênh thang

Việc Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), chính là một chỉ dấu tích cực cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm tăng trưởng mạnh trở lại, mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Khi mà đại dịch Covid-19 vẫn đe dọa toàn cầu, trong đó có EU, thì việc 2 hiệp định này được chính thức thông qua được cho là mở ra chân trời mới đầy tươi sáng đối với cả hai bên. Hai văn kiện quan trọng này được coi như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam; mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Trước đó, chiều 30/6/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Lui về trước nhiều năm, năm 2012, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện PCA là khung hợp tác quan trọng về chính trị, đối ngoại và nay là ký 2 Hiệp định về thương mại EVFTA và đầu tư EVIPA, là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích.

Về phía EU, ngày 3/3/2020 (giờ Việt Nam) cũng đã chuẩn y quyết định của Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) bằng hình thức văn bản; trong bối cảnh các cuộc họp của EU đều bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vốn đang diễn ra nghiêm trọng tại các nước thành viên khối này. Trước đó, EVFTA đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn tại phiên họp toàn thể tại Strasbourg (Pháp) vào ngày 12/2.

Như vậy, để đi đến việc ký kết EVFTA và EVIPA, hai bên Việt Nam-EU đã vượt qua nhiều khó khăn trong một thời gian dài để đi đến đồng thuận. Thì nay, khi đã ký kết, phía trước sẽ là một đại lộ thênh thang. Nhưng, như mọi người đều biết, không có con đường nào phủ hoa hồng; nhất là khi đi trên đường lớn thì càng phải đòi hỏi tốc độ cao hơn, sự lão luyện nhiều hơn.

EU là thị trường khó tính, nơi hàng hóa muốn thâm nhập được phải tuân thủ rất nhiều nghuyên tắc, đòi hỏi khắt khe. Nhưng đây cũng là thị trường đông dân, sức tiêu thụ lớn. Vì thế, muốn đứng vững chân tại thị trường EU thì điều trước tiên chính là chất lượng của hàng hóa.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Liên minh châu Âu với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất để làm đối tác là quốc gia giàu tiềm năng phát triển năng động hàng đầu tại Đông Nam Á. Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với Liên minh Châu Âu ở phía Tây bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, cũng như mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên EU.

Như vậy, thời gian tới đây, hàng hóa của Việt Nam sẽ vào EU nhiều hơn; đồng thời hàng hóa từ EU, dòng vốn đầu tư từ EU cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Cơ hội là rất lớn nhưng cũng không thể nói là không có thách thức, vì như người đời vẫn nói “không ai cho không ai cái gì cả”.

Ra biển lớn, vào sân chơi lớn trong điều kiện khôi phục, phát triển nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19, chúng ta hoàn toàn tin rằng kinh tế nước nhà sẽ cất cánh. Con tàu đã đặt trên đường ray, vấn đề còn lại là tăng tốc, lao nhanh về phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức bật mới cho nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO