Sức bật từ mô hình “nông dân chuyên nghiệp”

Tuệ Phương (thực hiện) 14/10/2022 07:07

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về một mô hình làm ăn mới ra đời trên địa bàn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đó là những Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, ông Võ Hoàng Cương - Bí thư Huyện ủy Lai Vung khẳng định: Những Tổ dịch vụ kỹ thuật này từng bước xây dựng những “nông dân chuyên nghiệp”, nâng cao hiệu quả sản xuất, bù đắp thiếu hụt lao động nông thôn. Điều quan trọng hơn, sáng kiến thành lập Tổ dịch vụ kỹ thuật có tiềm năng nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Ông Võ Hoàng Cương.

PV: Thưa ông, Đồng Tháp cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có nhiều mô hình kinh tế tập thể khác nhau. Riêng Đồng Tháp có “đặc sản” là mô hình Hội quán. Ông có thể cho biết vì sao mô hình Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp lại ra đời?

Ông Võ Hoàng Cương: Một nền sản xuất luôn đòi hỏi những mô hình kinh tế khác nhau. Ngay bản thân trong kinh tế tập thể, cũng cần nhiều mô hình, mỗi mô hình lại có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau, bù đắp cho nhau để nền sản xuất, thương mại được vận hành một cách hoàn chỉnh.

Đối với huyện Lai Vung, những năm gần đây, một lực lượng không nhỏ lao động tham gia xuất khẩu lao động, hoặc đi làm trong các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Điều này tạo ra hiệu ứng tốt khi người dân có thêm nguồn ngoại tệ từ nước ngoài; còn nhân dân tham gia sâu hơn vào quá trình công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên, thế mạnh của Lai Vung nói riêng và Đồng Tháp nói chung là nông nghiệp, với nhiều vùng sản xuất lớn. Vào mùa vụ, việc xuất khẩu lao động, lao động “đi công nhân” khiến dịp mùa vụ huyện rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Trong khi đó, lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội và công an xuất ngũ (quân dự bị động viên) rời địa phương đi làm ăn xa khá nhiều nên việc gọi tập trung huấn luyện hàng năm thường khó khăn và bị động, số đảng viên trẻ trong lực lượng này do đi làm ăn xa nên khó khăn trong việc về sinh hoạt theo quy định.

Thực tế này đòi hỏi một giải pháp khắc phục được hai vấn đề trên. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất cho thí điểm mô hình Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp ở xã Hòa Thành từ tháng 4/2022. Đến tháng 6/2022 thì chính thức ra mắt. Thành phần của Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp gồm: Lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội, công an xuất ngũ và các Hội quán trên địa bàn tham gia. Lực lượng này được tập huấn để chuyên nghiệp hóa các hoạt động sản xuất, phục vụ chính cho nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn, vừa khắc phục thiếu hụt lao động, vừa giúp lực lượng dân quan tự vệ, bộ đội, công an xuất ngũ, đảng viên trẻ gắn bó hơn với quê hương, có thể làm giàu ngay trên đồng ruộng quê hương.

Một buổi sinh hoạt Hội quán của người nông dân huyện Lai Vung.

Hoạt động nông nghiệp gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, vậy làm sao Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp có thể đáp ứng hết các yêu cầu ấy?

- Tổ dịch vụ gồm nhiều anh em, với các thế mạnh khác nhau. Mỗi thành viên phát huy thế mạnh của mình. Người có kinh nghiệm về chuyên canh cây lúa, người có kiến thức về cây cảnh, nuôi trồng thủy sản… Song, điều quan trọng khi thành lập ra những Tổ dịch vụ là Huyện ủy, UBND huyện hướng đến việc thông qua những mô hình này đưa khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng cho nhân dân.

Do đó, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể không chỉ làm nhiệm vụ tập hợp, kết nối mà còn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề nghiệp, nâng lên thành kỹ thuật, kỹ năng của người lao động trở thành những “nông dân chuyên nghiệp”; đồng thời, tạo điều kiện để từng thành viên trong Tổ tiếp cận các chủ trương, tiếp nhận ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ các giải pháp này, anh em trong các Tổ dịch vụ có thể đảm nhiệm hầu hết các loại hình canh tác nông nghiệp khác nhau với chuyên môn cao.

Sau Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp đầu tiên ở xã Hòa Thành, hàng loạt Tổ dịch vụ đã ra đời ở các xã: Tân Thành, Hòa Long… Đến nay, 100% các xã đã thành lập xong Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Hoạt động của Tổ dịch vụ giúp việc thiếu hụt lao động được khắc phục, chất lượng công việc được nâng lên. Tuy thành lập theo đơn vị xã, thị trấn, nhưng phạm vi hoạt động không nhất thiết giới hạn trong đơn vị hành chính. Do đó, người dân rất phấn khởi đón nhận mô hình này.

Hoạt động của Tổ dịch vụ kỹ thuật đã bước đầu đem lại thành công. Vậy huyện Lai Vung sẽ tiếp tục triển khai những phần việc gì để nâng cao chất lượng của mô hình?

- Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là các mô hình làm ăn mới. Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp đã bước đầu chứng minh hiệu quả. Nhưng để mô hình thực sự bền vững, để các nơi khác có thể tham khảo, áp dụng tại địa phương mình thì chúng tôi xác định vẫn cần khắc phục những vấn đề đặt ra. Do mới thành lập và một số nơi chuyển từ mô hình từ tự phát trong nhân dân thành tự giác; người dân đang làm việc tự do, nay vào “khuôn khổ” thì cũng có tâm lý e ngại. Vì thế, cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phải tích cực tham gia vận động, giải thích rõ về ý nghĩa để bà con thông suốt thì mới “yên tâm công tác”. Vấn đề khó khăn khách quan là cơ sở vật chất thiết bị ban đầu để hỗ trợ cho Tổ còn khó khăn, từ đó Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện thống nhất cho phép tiếp nhận từ sự tự nguyện tự giác ủng hộ của các nhà hảo tâm trên địa bàn, đồng thời, chúng tôi đang xây dựng chính sách để tạo nguồn hỗ trợ phù hợp cho mô hình, cung cấp các trang thiết bị ban đầu thiết yếu cho Tổ hoạt động hiệu quả hơn, các thành viên yên tâm hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để các nông dân không chỉ chuyên nghiệp hơn mà còn “đa năng” hơn. Thậm chí, sẵn sàng tổ chức tập huấn chuyển giao theo yêu cầu thực tiễn công việc, giúp các Tổ dịch vụ có thể là nhận dịch vụ trọn gói theo thỏa thuận với từng hộ nông dân, từng Tổ hợp tác, từng Hội quán, từng Hợp tác xã hoặc từng phần việc cụ thể khi có nhu cầu.

Ông đã nói các Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề sản xuất, mà còn vấn đề trật tự, an ninh - quốc phòng, phát triển Đảng ở địa phương. Đến nay, hiệu quả của Tổ dịch vụ đối với vấn đề này như thế nào?

- Rõ ràng là anh em dân quân tự vệ, bộ đội, công an xuất ngũ có môi trường thuận lợi lao động thu nhập hợp lý từ đó an tâm công tác và chăm lo cho gia đình. Tham gia Tổ dịch vụ còn là môi trường để quần chúng phấn đấu trở thành đảng viên ngay trên quê hương nơi mà anh em gắn bó cả cuộc đời. Vì vậy, mô hình Tổ dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp mang lại hiệu quả ổn định về xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương. Chúng tôi tin tưởng rằng mô hình này có thể nhân rộng áp dụng ở những địa bàn có điều kiện tương đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức bật từ mô hình “nông dân chuyên nghiệp”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO