Sức đọc, sức mua chậm đi một cách đáng lo ngại

Việt Quỳnh (thực hiện) 09/01/2021 15:00

Đối với nhà văn, sự thay đổi về nhận thức là rất quan trọng. Nếu như không có sự thay đổi từ bên trong thì nhà văn chỉ tiếp tục trượt dài như chơi trò lướt ván trên bãi cỏ mênh mông của cuộc đời mà thôi”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy.

Một năm qua, nếu nhìn bên ngoài, cuộc sống của tôi không có gì mới, nhưng sâu vào bên trong, thì có thể nói là nhiều biến chuyển về tâm trạng và nhận thức. Đối với nhà văn, sự thay đổi về nhận thức là rất quan trọng. Nếu như không có sự thay đổi từ bên trong thì nhà văn chỉ tiếp tục trượt dài như chơi trò lướt ván trên bãi cỏ mênh mông của cuộc đời mà thôi”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ về cuộc sống, công việc của cá nhân anh cũng như tình hình văn học, xuất bản trong năm qua: “Biết bao người đã chết vì dịch bệnh, vì thiên tai… Cho nên, tôi nghĩ mình thật may mắn khi còn sống khỏe mạnh, sống một cuộc sống bình thường, vẫn có công việc để làm, kinh tế cũng tạm đủ trang trải cho gia đình, lo cho con cái học hành…”.

Vài năm trước, nhà văn Trần Nhã Thụy may mắn dành dụm mua được một căn nhà vườn ở Long Mỹ (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ban đầu anh nghĩ cứ mua để đấy, khi nào về hưu, khoảng mười năm nữa thì sẽ về sống, làm vườn và viết lách. Thế nhưng khi dịch bệnh bất ngờ diễn ra, cả xã hội sống trong sự cách ly và tự giãn cách, do không phải đến cơ quan thường xuyên, nên nhà văn Trần Nhã Thụy có thời gian để về nhà vườn, chăm sóc sửa sang nhà cửa, trồng hoa trái, trồng rau. Do không có điều kiện cũng như chẳng thể có “một cục tiền” để làm nhà vườn như mong muốn, nên nhà văn Trần Nhã Thụy làm theo kiểu “nhà quê”. Và tuần nào anh cũng nhảy xe đò về dọn dẹp nhà cửa, trồng tỉa cây cối. “Ở đó, chúng tôi cũng làm quen với những người dân địa phương, vợ chồng tôi có nhờ vợ chồng một bác hàng xóm ngó chừng nhà, tưới cây mỗi ngày, thù lao ít thôi, nhưng họ quý vợ chồng tôi nên giúp đỡ cũng nhiều”, anh chia sẻ.

Cứ thế, sau vài tháng, gia đình anh đã có một ngôi nhà sơn xanh và mảnh vườn xinh xắn. Với nhà văn Trần Nhã Thụy, đó là điều đáng nói nhất, cũng là niềm vui của anh trong năm vừa rồi.

Có thể thấy Trần Nhã Thụy là một nhà văn đa tài và rất nhiều nghề, dường như anh luôn muốn thử sức mình ở mọi lĩnh vực, dù là trong hoàn cảnh khó khăn: “Tôi không khiêm tốn đâu. Nhưng nói “đa tài” thì hào phóng cho tôi quá”. Nhà văn Trần Nhã Thụy trò chuyện với tôi vào những ngày cuối cùng của năm 2020 đầy biến động: “Tôi nghĩ mình chỉ là người bình thường, thậm chí rất bình thường, chả có tài cán gì. Tôi cũng không làm nhiều nghề lắm đâu. Nghề chính của tôi, hiện giờ vẫn là viết lách. Tôi vẫn kiếm tiền chính nhờ viết lách. Chắc nói ra không ai tin nổi là trong một năm qua, tôi đã chấp bút hai cuốn sách cho hai người, và đã hoàn thành nó một cách xuất sắc. Tức làm cho khách hàng rất hài lòng.

Cho nên, nếu có chút gì tự hào thì đó là khả năng “chịu cày” của tôi. Tôi làm việc nhiều, cày ải bền bỉ, và ít khi nghĩ tới chuyện chơi bời đàn đúm… Đó dường như cũng là tính cách của người miền Trung vốn nghèo khó.

Còn chuyện tôi bán hàng online, làm shipper này nọ, cũng là thật 100%. Nhưng thực ra là tôi bán hàng giùm cho bạn bè là chính. Chuyện này có lần tôi đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình rồi”.

Làm kênh Vlog cũng là một trải nghiệm thú vị của nhà văn Trần Nhã Thụy trong thời gian giãn cách xã hội. Khi ấy, cả gia đình anh thường về Bà Rịa, các con học online, và hai cậu con trai của anh bắt đầu “bày trò” làm Vlog. Anh kể:

“Cậu con đầu có năng khiếu ảo thuật, nên làm những clip về ảo thuật. Cậu út thích đọc sách, xem phim nên làm kênh review sách và phim. Chúng tự học trên mạng rồi tự làm từ A-Z. Sau đó chúng bày cho tôi làm.

Tôi suy nghĩ mãi nên làm kênh gì? Thực ra ban đầu tôi muốn làm một kênh về… nấu ăn, nấu các món dân dã nhà quê. Nhưng nếu nấu ăn không thôi thì nhiều người làm rồi, nên tôi mới làm mở rộng ra, lấy tên Vlog là: “Tôi là người nhà quê”. Tôi muốn chia sẻ về văn hóa làng quê Việt Nam.

Nhưng làm được vài cái video thì tôi bận quá. Lúc này tôi phải làm vài dự án khác, cũng là cơ hội để làm kinh tế, cho nên tôi tạm gác Vlog lại. Chắc là sau Tết tôi sẽ làm lại. Song song với kênh này, tôi muốn làm một kênh kiểu như hài độc thoại (Stand-up comedy). Nhân đây cũng xin nói thêm, nhiều người cứ nghĩ tôi thuộc loại sâu sắc và nghiêm trọng, nhưng thực sự tôi là người rất mau quên hay rất thích hài hước.

Khi tôi làm Vlog, có nhà báo hỏi tôi rằng, anh có nghĩ tới chuyện kiếm tiền không? Tôi trả lời ngay là “Có chứ”. Thực ra là tôi nói đùa thôi. Tôi làm Vlog cho vui thôi. Như một kiểu giải trí, làm mới mình, thử sức mình ở một lãnh vực khác xem sao, xem mình có thể… nhí nhố tới mức nào?”

Con trai của anh mỗi khi làm video đều ngồi viết kịch bản cẩn thận, nhưng nhà văn Trần Nhã Thụy thì không thích viết kịch bản. Anh thích kiểu nói ngẫu hứng, mà với anh, nói ngẫu hứng có khi hay có khi lại rất tệ. Vì thế, nhà văn Trần Nhã Thụy làm Vlog có khi nhanh mà có khi rất lâu, vì phải quay đi quay lại nhiều lần.

“Như đã nói, tôi làm chơi là chính, nên cũng không “nghiên cứu” nhiều về các kênh Vlog khác. Tuy nhiên xem qua thì tôi thấy, ở Việt có 2 dạng Vlog được người xem rất đông: 1/ Vlog nói chuyện chính trị; 2/ Vlog nhảm nhí giật gân. Tính thông tin trong Vlog là nhiều. Nhưng thông tin thật và kiến thức thật thì rất ít.

Còn với tư cách một nhà văn, khi làm Vlog, tôi tự thử sức mình kể một câu chuyện bằng chính cái giọng mình thì sẽ như thế nào”.

Về hoạt động văn học, nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ: “Một năm qua chúng tôi (phối hợp với nhóm Văn học Sài Gòn) tổ chức được hai buổi tọa đàm: “Sài Gòn trong tạp văn” và “Nhà văn mùa Covid-19”. Đó cũng đồng nghĩa với nỗ lực xã hội hóa hoạt động văn chương. Tôi luôn nghĩ, trong khả năng của mình, làm được gì tử tế thì làm. Vậy thôi”.

Thời gian này, nhà văn Trần Nhã Thụy đang viết một vài truyện ngắn đề tài nông thôn. Và, anh sẽ triển khai một tiểu thuyết mới. và có lẽ như anh chia sẻ, “mong muốn tột bậc” của anh trong năm Tân Sửu sắp tới, là viết được một kịch bản phim điện ảnh ưng ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức đọc, sức mua chậm đi một cách đáng lo ngại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO