Sức hấp dẫn của nền kinh tế mở

Bắc Phong 31/03/2021 07:20

Thực hiện chủ trương mục tiêu kép, trong năm 2020 đầy khó khăn thì GDP của Việt Nam vẫn đạt 2,91%, thuộc vào một trong những số ít ỏi quốc gia trên phạm vi toàn cầu tăng trưởng dương. Cũng chính vì thế, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021. Trong khi đó, nhiều định chế tài chính quốc tế dự báo GDP của nước ta năm nay có thể đạt 7,1%.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng khẳng định tại nhiều khu vực kinh tế trên thế giới.

Tất nhiên, với những gì đã qua và diễn biến dịch bệnh Covid-19 khó lường, tuy rằng đã cơ bản được kiểm soát, chúng ta vẫn không chủ quan cho dù tăng trưởng của quý 1 năm nay là khả quan. Con số thống kê chính thức cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 vừa qua ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý 1/2020.

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới với các biến thể mới, nhưng bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý 1/2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. “Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,48%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp”, đánh giá của Tổng cục Thống kê.

Rất quan trọng là trong tình thế khó khăn chung của nhiều quốc gia, trong đó có những thị trường là bạn hàng truyền thống của Việt Nam thì trong quý 1 chúng ta vẫn xuất siêu 2,03 tỷ USD. Các chỉ số rất quan trọng là giá tiêu dùng bình quân và lạm phát cơ bản tăng thấp, lần lượt là +0,29% và +0,67%.

Trong khi đó, nền kinh tế đất nước còn được “tiếp lực” từ dòng vốn bên ngoài chảy vào, đó là dòng vốn FDI. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng khá mạnh, sau 2 tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ.

Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam khách quan cho thấy độ mở của nền kinh nước ta rộng, sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu và hơn hết là các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng nhận thấy đầu tư vào Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi nhuận, chắc thắng, trong khi nhiều nền kinh tế khác vẫn đang phải vật lộn với dịch Covid-19.

Nhiều năm qua, thực hiện chính sách mở cửa, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vững chân tại cả những thị trường khó tính nhất. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước được ký kết, trong đó một số FTA đã có hiệu lực.

Trong năm 2020 đầy khó khăn, Việt Nam cùng đối tác vẫn ký kết 3 FTA, trong đó EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ai-len) là rất quan trọng, khi mà EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, còn UKVFTA bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam và Vương quốc Anh duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong EVFTA.

Cũng cần nói thêm, 2 tháng đầu năm nay tuy rằng UKVFTA chưa có hiệu lực (chỉ cho phép áp dụng tạm thời) nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt 1,024 tỷ USD, tăng 20,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, có thể khẳng định, trong tương lai gần UKVFTA sẽ tạo ra động lực quan trọng trong việc trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Năm 2020, một năm sóng gió nhưng Việt Nam vẫn xuất siêu hơn 19 tỉ USD. Con số đó hy vọng sẽ “ở lại phía sau” do tình hình kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu sáng lên khi chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là ở Mỹ, EU, Trung Quốc và Anh - đây đều là những thị trường lớn của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang giữ vững tâm thế “ra biển lớn”.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, thời tiết cũng ngày một khắc nghiệt, thất thường do biến đổi khí hậu vì thế cũng không thể chủ quan. Năm 2020 chúng ta chiến thắng, nền kinh tế không đổ gãy mà vẫn tăng trưởng dương chính là nhờ ở quyết sách vô cùng sáng suốt của Đảng, Chính phủ là vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Và một điều đặc biệt quan trọng là xoay trục hướng về thị trường trong nước, khi mà thị trường bên ngoài hạn chế. Sức tiêu thụ của gần 100 triệu người Việt Nam ngày càng lớn hơn và đó chính là “trụ đỡ” cho nền kinh tế.

Năm nay, với tăng trưởng khả quan của quý 1, cùng với xuất siêu và dòng vốn FDI vẫn tăng mạnh, có nhiều hy vọng phía trước. Tuy thế, giới chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, để sự bứt phá thành công thì vẫn phải thực hiện mục tiêu kép, trong đó không lúc nào được phép lơ là với việc phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó vẫn cần tiếp tục “chăm chút” thị trường trong nước, và đặc biệt lưu ý tới kiềm chế lạm phát. Chỉ có như thế sự phát triển mới bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức hấp dẫn của nền kinh tế mở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO