Đà Nẵng: Cả 3 sản phụ gặp sự cố đều liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine

Thanh Tùng 17/12/2019 16:39

Ngày 17/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, gửi Thông báo của Sở Y tế TP này về vụ 2 sản phụ tử vong và 1 sản phụ nguy kịch tại Bệnh viện Phụ nữ (BVPN) Đà Nẵng đến các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Đà Nẵng: Cả 3 sản phụ gặp sự cố đều liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi sản phụ Nguyễn Thị Huyền, qua cơn nguy kịch, đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo thông báo số 3808/TB – SYT (ngày 16/12/2019) của Sở Y tế TP Đà Nẵng: Tính đến thời điểm xảy ra sự cố tại BVPN, Sở Y tế chưa nhận được văn bản nào liên quan đến lô thuốc gây tê đã sử dụng cho các bệnh nhân bị sự cố từ Cục quản lý dược (Bộ Y tế); các cơ quan quản lý chuyên môn và nhà cung ứng thuốc.

Về kết quả kiểm nghiệm thuốc, ngày 9/12, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã có kết quả về mẫu thuốc Bupivacaine (49Gt 115 và 49Gt 116) đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở.

Theo Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Đà Nẵng, cả 3 ca bệnh đều là sự cố y khoa nghiêm trọng, liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine.

Hội đồng chuyên môn đánh giá sự cố y khoa tại BVPN Đà Nẵng họp vào ngày 12/12 kết luận: Quy trình tổ chức đón tiếp, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân là đúng quy định. Các chẩn đoán bệnh chính và bệnh kèm, biến chứng là phù hợp. Tuy nhiên, đối với ca thứ nhất là sản phụ Lê Huỳnh Phương Triều, hồ sơ bệnh án không thể hiện rõ diễn biến lâm sàng cũng như y lệnh cụ thể trong quá trình cấp cứu người bệnh. Bệnh viện chưa tổ chức Hội đồng chuyên môn phân tích tìm nguyên nhân của ca bệnh và không báo cáo ngay phản ứng có hại của thuốc (ADR) trên hệ thống khi sự cố xảy ra.

Đối với ca thứ hai của sản phụ Võ Thị Nhất Sinh, Bệnh viện chưa tiên lượng tốt ca bệnh này sẽ diễn tiến theo chiều hướng nặng hơn nên việc cấp cứu và theo dõi sau mổ tại bệnh viện quá lâu trước khi kịp thời chuyển bệnh nhân đến tuyến trên. Tuy nhiên, việc Bệnh viện quyết định chuyển đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là tương đối phù hợp với tình trạng bệnh nhân lúc đó. Bệnh viện đã tổ chức Hội đồng chuyên môn phân tích tìm nguyên nhân của ca bệnh nhưng chậm và không báo cáo kịp thời phản ứng có hại của thuốc (ADR) trên hệ thống khi sự cố xảy ra.

Với ca của sản phụ Nguyễn Thị Huyền, Bệnh viện đã xử lý đúng và chuyển viện kịp thời. Đơn vị tiếp nhận tuyến trên (Bệnh viện Đà Nẵng) đã cấp cứu ngay theo hướng xử trí ngộ độc thuốc tê nên đã cứu sống được bệnh nhân.

Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng rút kinh nghiệm sâu sắc về các ca bệnh đã xảy ra sự cố y khoa này; tập trung chú trọng khâu tiên lượng bệnh, triển khai báo cáo ngay các sự cố y khoa theo đúng quy định của Bộ Y tế, báo cáo phản ứng thuốc về Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (trực thuộc Trường Đại học Y Dược Hà Nội).

Như tin đã đưa, vào lúc 8h ngày 17/11, sản phụ Võ Thị Nhất Sinh (33 tuổi, trú tại quận Cẩm Lệ), chuyển dạ, được người nhà đưa đến BVPN Đà Nẵng. Thăm khám ban đầu cho thấy sản phụ mang thai ở tuần thứ 38, thai to nên cần phải can thiệp bằng phẫu thuật. 11h20 cùng ngày, kíp y bác sỹ của bệnh viện tiến hành gây mê tủy sống để phẫu thuật đưa thai nhi ra ngoài. Sản phụ Võ thị Nhất Sinh xuất hiện các triệu chứng xấu về lâm sàng, được chuyển ngay sang Bệnh viện phụ sản nhi Đà Nẵng nhưng đã tử vong.

Ngày 17/11, sản phụ Nguyễn Thị Huyền (33 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu) mang thai ở tuần thứ 37, chuyển dạ, được người thân đưa đến BVPN Đà Nẵng và được chuyển vào phòng phẫu thuật. Sản phụ Nguyễn Thị Huyền cũng xuất hiện các triệu chứng xấu, nguy kịch về sức khỏe sau khi gây mê tủy sống nên được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục phẫu thuật đưa thai nhi ra ngoài.

Cuối tháng 10 vừa qua, sản phụ Lê Huỳnh Phương Triều (32 tuổi, trú tại quận Hải Châu) cũng được đưa vào BVPN Đà Nẵng, can thiệp phẫu thuật lấy thai nhi nhưng cũng tử vong với các triệu chứng lâm sàng xấu sau khi gây mê.

Sau sự cố y khoa nghiêm trọng, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã chỉ đạo niêm phong toàn bộ thuốc gây tê và gây mê, ngừng thực hiện phẫu thuật tại BVPN đồng thời có văn bản yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế toàn TP tạm dừng sử dụng loại thuốc gây mê Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy (xuất xứ Ba Lan, do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI cung cấp) nghi gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong và nguy kịch về sức khỏe cho các sản phụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đà Nẵng: Cả 3 sản phụ gặp sự cố đều liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO