Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Không ảnh hưởng tới các đối tượng chính sách xã hội

Đức Trân 21/08/2019 08:00

Bắt đầu từ ngày 20/8, giá dịch vụ y tế chính thức có sự điều chỉnh theo hai Thông tư do Bộ Y tế ban hành, gồm Thông tư số 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2018/TT-BYT và Thông tư số 14/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT.

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Không ảnh hưởng tới các đối tượng chính sách xã hội

Từ ngày 20/8, giá dịch vụ y tế đã có sự điều chỉnh.

Giá dịch vụ y tế tăng

Theo hai Thông tư do Bộ Y tế đã ban hành thì bắt đầu từ ngày 20/8, giá khám, chữa bệnh và giá các dịch vụ y tế sẽ tăng bình quân như sau: Giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Được biết, mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định, tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Giá dịch vụ khám bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 38.700 đồng (hiện là 37.000 đồng); bệnh viện hạng II là 34.500 đồng (hiện là 33.000 đồng); bệnh viện hạng III là 30.500 đồng (hiện là 29.000 đồng); bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã là 27.500 đồng (hiện là 26.000 đồng).

Giá dịch vụ ngày giường bệnh BHYT cũng tăng lên mức tối đa là 782.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng đặc biệt, thay vì mức 753.000 đồng/ngày như quy định cũ. Đối với bệnh viện hạng I, mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tối đa là 705.000 đồng/ngày, bệnh viện hạng II là 602.000 đồng/ngày.

Ngoài ra, theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT còn điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm BHYT cho từng hạng bệnh viện.

Một số dịch vụ khác ngoài phạm vi chỉ trả của BHYT cũng được điều chỉnh tăng như: Giá dịch vụ khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa, khám sức khoẻ toàn diện lao động, lái xe, khám sức khẻo định kỳ (không kể xét nghiệm, X- quang) tăng lên 160.000 đồng thay vì 145.000 đồng như trước đây; giá khám sức khoẻ toàn diện cho người xuất khẩu lao động tăng lên mức 450.000 đồng thay cho mức 420.000 đồng,…

Đáng chú ý, theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2018/TT-BYT, người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh trước thời điểm ngày 20/8 và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau ngày 20/8 tiếp tục áp dụng mức giá hiện hành cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế), hiện tất cả các dịch vụ đều giữ nguyên giá như quy định, các chi phí khác như điện, nước, vật tư, hoá chất vẫn giữ nguyên. Việc điều chỉnh giá lần này vẫn chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cũng góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế. Các bệnh viện có nguồn kinh phí để trả lương theo mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng.

Người dân có bị ảnh hưởng?

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Thông tư được ban hành không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được thẻ BHYT thanh toán 100%.

Đối với người cận nghèo, tỉ lệ đồng chi trả là 5% (tỉ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 4,4% đối với ngày giường, 1,1% đối với các dịch vụ khác) nên mức độ tác động không đáng kể (tăng thêm 5% của 4,4% đối với ngày giường là ­­­0,22%, tăng thêm thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,05%).

Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là không nhiều cụ thể: tăng thêm 20% của 4,4% đối với ngày giường là 0,88%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,2%.

Mặt khác, với người tham gia BHYT 5 năm liên tục và đi khám đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương 1.490.000 đồng tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hơn khi thực hiện mức giá theo Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chữa bệnh trong một số trường hợp.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện E (Hà Nội) trong ngày 20/8, khi được hỏi một bệnh nhân đến khám có thẻ BHYT cho biết, lương tăng thì giá dịch vụ y tế cũng sẽ tăng theo “mỗi một năm lương tăng thì các dịch vụ cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đến khám có BHYT thì giá dịch vụ không tăng nhiều.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của phóng viên, trong ngày 20/8, hầu hết người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế vẫn chưa nắm được thông tin về tăng giá dịch vụ y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Không ảnh hưởng tới các đối tượng chính sách xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO