Kỳ tích của những 'chiến sĩ' áo trắng

Đức Trân 27/02/2020 07:10

Trong cuộc chiến chống SARS-CoV-2, các y, bác sĩ là những “chiến sĩ” nơi tuyến đầu. Dù dịch bệnh rất nguy hiểm, dù áp lực lên vai họ là rất lớn, nhưng họ vẫn ngày đêm âm thầm tận tụy, can đảm làm việc vì sức khỏe của người bệnh và cộng đồng. Những chiến binh áo trắng ấy đã làm nên kỳ tích đặc biệt và xứng đáng được tôn vinh.

Kỳ tích của những 'chiến sĩ' áo trắng

Điều trị cho bệnh nhân.

Căng mình chống dịch

Nơi tuyến đầu, trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc SARS-CoV-2, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: Áp lực từ mọi phía, từ việc buộc phải điều trị thành công người bệnh đến việc dành thời gian trả lời chuyên môn cho giới truyền thông về bệnh; tiếp đón các đoàn thanh, kiểm tra; về cơ sở giám sát công tác chăm sóc bệnh nhân mắc và cách ly bệnh nhân nghi mắc.

Tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, trong những ngày trở thành “tâm dịch”, nỗi vất vả và áp lực đặt nặng lên đôi vai của các y bác sĩ nơi đây.

Một bác sĩ chia sẻ: Chúng tôi phải trực chống dịch 24/24h, cường độ công việc tăng rất nhiều so với phòng chống các căn bệnh thông thường khác, nhưng vì cộng đồng nên chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đạt hiệu quả tốt nhất trong phòng chống dịch bệnh.

Tiếp xúc nhiều nhất với người bệnh là những điều dưỡng viên, hộ lý. Chị Nguyễn Thị Hương - điều dưỡng viên khoa Nội, Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên cho biết: “Tinh thần của bệnh nhân là trên hết. Ngày nào chúng tôi cũng sát cánh để bệnh nhân tin tưởng, cố gắng ăn uống để vực sức khỏe lên”.

Tâm tình người bệnh

Sau quãng thời gian dài được các bác sĩ tại BV Chợ Rẫy tận tâm chăm sóc, điều trị, hai cha con người Trung Quốc Li Zing và Li Zichao- những người bị mắc SARS-CoV-2 đầu tiên được chạy chữa tại Việt Nam đã được xuất viện. Họ đã gửi bức thư cảm ơn được viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung tới các bác sĩ tại BV Chợ Rẫy.

Tại bức thư, các bệnh nhân cho biết: “ Chúng tôi đã rời BV được ba ngày rồi nhưng tâm trí dường như vẫn còn ở lại bệnh viện, nơi cha con tôi không thể quên được những ấn tượng tươi đẹp và sâu sắc mà BV Chợ Rẫy đã để lại”.

Bệnh nhân Li Zichao chia sẻ: “Cha tôi đặc biệt đã giao cho tôi trọng trách rằng hãy cảm ơn Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam, những người đã dang tay giúp đỡ khi chúng ta gặp nạn. Các bác sĩ và y tá đã chữa trị cho chúng ta bằng tất cả sức mạnh và sau cùng đã giúp chúng ta khỏi bệnh. Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam!

Cảm ơn tất cả những y bác sĩ tại BV Chợ Rẫy đã chăm sóc tận tình. Và chúng tôi cũng thực sự cảm thấy rất tiếc khi việc chúng tôi đến đây đã gây phiền phức cho mọi người. Xin được cúi đầu. Rất xin lỗi!”.

Cũng tại đây, Li Zichao tâm sự, sự chuyên nghiệp trong khám chữa bệnh, sự ân cần của các bác sĩ trong khâu chăm sóc đã dành cho họ khiến anh ghi nhớ từ tận đáy lòng. Đặc biệt, Li Zichao cho hay, anh rất cảm động với hành động của vị bác sĩ đã cho cha anh (Li Zing) uống thuốc thêm 10 ngày khi ông ấy không còn nằm viện.

TS.BS Lê Quốc Hùng -Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết: “Trong 30 năm làm việc, không nhớ rõ có bao nhiêu bệnh nhân đã hồi phục, vượt qua lưỡi hái tử thần để trở về với gia đình. Niềm hân hoan của họ khi xuất viện là niềm hạnh phúc, một đóa hoa tô điểm cho cuộc sống của nhân viên y tế nói chung và của tôi nói riêng. Bất kể bệnh nhân là ai, người Việt hay người ngoại quốc, hầu hết họ đều muốn cảm tạ nhân viên y tế bằng cách này hay cách khác. Đối với chúng tôi, một lời cảm ơn cũng được coi như là phần thưởng quý giá cho thành quả đã đạt được”.

Tôn vinh những hi sinh thầm lặng

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch SARS-CoV-2 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Hôm nay, sát ngày 27/2, lẽ ra vào dịp này, tại hội trường này sẽ là lễ kỷ niệm, sẽ có rất nhiều hoa chúc mừng, rất nhiều bằng khen, thậm chí là huân, huy chương cho các tập thể, cá nhân ngành y. Thế nhưng năm nay, do đặc thù chống dịch SARS-CoV-2, sát ngày 27/2, chúng ta tổ chức hội nghị triển khai công tác y tế năm, hoạt động kỷ niệm ngày Thầy thuốc kết hợp với công tác chống dịch. Ngày 27/2, không có hoa, không có cờ nhưng chúng ta vẫn phải nhớ ơn các thầy thuốc”.

Nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tất cả đại biểu có mặt tại hội nghị ở điểm cầu Bộ Y tế đứng dậy dành 1 phút im lặng để cùng nhau tri ân các thế hệ thầy thuốc đã hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có những y bác sĩ đã hi sinh trong dịch SARS năm 2003 còn để lại cho chúng ta tấm gương và rất nhiều bài học đến ngày hôm nay.

“Những người Thầy thuốc, giờ phút này, vẫn đang ngày đêm vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ, hết lòng vì người bệnh. Rất nhiều người đang giành giật sự sống từ tay tử thần về cho các bệnh nhân. Những cán bộ y tế thôn bản không chỉ khám chữa bệnh, mang thuốc đến cho người dân mà còn mang tri thức, mang tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền” đến mọi ngõ ngách.” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị: “Thay vì những bó hoa và những lời cảm ơn, hãy dành một tràng vỗ tay thật dài để dành cho tất cả các thầy thuốc, các chiến sĩ biên phòng, các công an cửa khẩu, các ngành, các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà báo và tất cả người dân đã cùng tham gia chống dịch SARS-CoV-2 với một tinh thần chống dịch như chống giặc và đạt được kết quả rất đáng mừng cho đến giờ phút này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ tích của những 'chiến sĩ' áo trắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO